Dự kiến sắp tới sẽ có luồng vốn lớn từ Thái Lan đổ vào lĩnh vực bán lẻ, từ Nhật đổ vào cơ sở hạ tầng…
6 điểm đáng chú ý khi MDB về một nhà Maritime Bank
- Cập nhật : 05/08/2015
(Tai chinh)
Lý do nào khiến Maritime Bank lựa chọn ngân hàng nhỏ nhất trong hệ thống để hợp nhất?...
Maritime Bank sau khi sáp nhập với MDB chính thức được bổ sung nguồn lực với tổng tài sản 111.753 tỷ đồng, vốn điều lệ 11.750 tỷ đồng, vốn chủ sở hữu 14.000 tỷ đồng, đội ngũ nhân sự hơn 5.000 người.
Trước khi thương vụ sáp nhập này thành công, có không ít câu hỏi được đặt ra: lý do nào khiến Maritime Bank lựa chọn ngân hàng nhỏ nhất trong hệ thống xét về quy mô tổng tài sản để hợp nhất? Năng lực của ngân hàng sau sáp nhập sẽ thế nào?
Theo thông tin từ Maritime Bank, đây là cuộc sáp nhập “chủ động” trên cơ sở tương đồng về mô hình quản trị, văn hóa kinh doanh, sản phẩm dịch vụ, gia tăng thế mạnh sẵn có của hai ngân hàng.
Thứ nhất, trước khi sáp nhập, Maritime Bank đã tham gia vào MDB với tư cách cổ đông lớn, sở hữu tỷ lệ cổ phần khoảng 10%. Maritime Bank đã có thời gian dài hỗ trợ và tư vấn cho MDB nhiều chiến lược kinh doanh hiệu quả.
Thứ hai, về đường lối quản trị. Năm 2010, bộ máy lãnh đạo MDB chính thức có sự gia nhập của cổ đông chiến lược là Công ty Đầu tư tài chính Fullerton Financials Holding (FFH) - công ty 100% vốn của Temasek Holdings - một tập đoàn tài chính hàng đầu của Chính phủ Singapore.
Sự liên minh này là bước ngoặt quan trọng trong đường lối chiến lược của MDB theo hướng quản trị hiện đại, lành mạnh, chú trọng mảng ngân hàng bán lẻ, triển khai áp dụng những thông lệ và tiêu chuẩn quốc tế của ngành ngân hàng tại MDB. Mô hình quản trị này phù hợp với mô hình hiện tại mà Maritime Bank đang áp dụng.
Thứ ba, về chiến lược kinh doanh, Maritime Bank là một trong những ngân hàng thực hiện sớm nhất việc chuyên biệt hóa các phân khúc khách hàng với trọng tâm là khách hàng doanh nghiệp vừa và nhỏ, khách hàng cá nhân, hộ kinh doanh, tiểu thương. MDB lại có thế mạnh trong phân khúc khách hàng nhỏ ở khu vực nông nghiệp, nông thôn.
Theo Maritime Bank, đây sẽ là sự bổ sung tốt cho Maritime Bank để phát triển toàn diện, hướng tới một ngân hàng hiện đại, đa năng, đáp ứng nhu cầu ngày càng đa dạng của khách hàng.
Thứ tư, về mạng lưới hoạt động. Nếu Maritime Bank phát triển mạnh ở khu vực phía Bắc và các tỉnh, thành phố lớn thì MDB được biết đến chủ yếu tại các tỉnh thành phía Nam, đặc biệt là khu vực đồng bằng sông Cửu Long vốn được xem là vựa lúa lớn nhất cả nước. Đó là sự bổ trợ cho Maritime Bank trong việc cung cấp các sản phẩm, dịch vụ tới các khách hàng ở thị trường miền Tây, miền Nam sau khi sáp nhập.
Thứ năm, MDB hiện là ngân hàng nhỏ nhất trong hệ thống xét về quy mô tổng tài sản, nhưng hoạt động lành mạnh, không thuộc diện buộc phải tái cấu trúc.
Do đó, sáp nhập với MDB, Maritime Bank không phải chịu gánh nặng nợ xấu (nợ xấu của MDB năm 2014 là 2,71% dưới mức quy định của Ngân hàng Nhà nước).
Thứ sáu, Maritime Bank sau khi sáp nhập với MDB chính thức được bổ sung nguồn lực với tổng tài sản 111.753 tỷ đồng, vốn điều lệ 11.750 tỷ đồng, vốn chủ sở hữu 14.000 tỷ đồng, đội ngũ nhân sự hơn 5.000 người, hệ thống giao dịch gần 300 điểm, số lượng khách hàng trên toàn quốc đạt xấp xỉ 1,4 triệu khách hàng cá nhân, gần 30.000 khách hàng doanh nghiệp, 600 định chế tài chính.
Với quy mô này, hiện tại Maritime Bank là ngân hàng thuộc top 5 trong khối ngân hàng thương mại cổ phần.
Sáp nhập không chỉ đơn thuần là phép cộng giá trị của hai hay nhiều ngân hàng lại với nhau, nếu tận dụng được các lợi thế, giá trị ngân hàng sau sáp nhập sẽ lớn hơn nhiều lần phép cộng số học thông thường.
Trường hợp MDB và Maritime Bank sáp nhập thành một tổ chức thống nhất trên cơ sở tương đồng, hỗ trợ lẫn nhau về nhiều mặt sẽ tận dụng và gia tăng được thế mạnh vốn có của hai ngân hàng.
(Theo Thời báo kinh tế Việt Nam)