Giá vàng SJC mới nhất từ công ty Vàng Bạc Đá Quý Sài Gòn - SJC.
Vay tiền ngân hàng bị ép mua bảo hiểm
- Cập nhật : 29/09/2015
(Tai chinh)
Tuy tình trạng thiếu sòng phẳng về lãi suất gần như đã bị triệt tiêu nhưng hàng loạt ngân hàng chỉ định người vay tiền mua nhà phải mua bảo hiểm như một điều kiện để cho vay
“Anh đến bất cứ ngân hàng (NH) nào vay tiền để mua căn hộ đều được nhân viên yêu cầu phải mua bảo hiểm cho nhà ở, khi đó NH mới quyết định cho vay” - một cán bộ tín dụng mách nước.
Không mua không… giải ngân
Ngày 22-9, chúng tôi đến phòng giao dịch của NH Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) để tìm hiểu về điều kiện vay tiền mua căn hộ đã có sổ hồng, nhân viên BIDV cho biết khách hàng muốn vay tiền phải mua sản phẩm bảo hiểm nhà của BIC Bình An do NH chỉ định. “Mức phí bao nhiêu, bên vay mua suốt thời hạn vay hay sao?” - chúng tôi hỏi, nhân viên BIDV thông báo: “Với số tiền vay 500 triệu đồng, phí bảo hiểm là 1,5 triệu đồng, tương đương 0,3% và bên vay chỉ mua một lần&rdq
Tại NH Việt Nam Thịnh vượng (VPBank), chúng tôi cũng được nhân viên thông báo khách hàng có thể vay tiền mua căn hộ hình thành trong tương lai với thời hạn vay tối đa 25 năm. Tuy nhiên, bên vay phải mua bảo hiểm cháy nổ trong suốt thời gian vay. Khi chúng tôi thắc mắc công ty nào sẽ bán bảo hiểm, mức phí được tính trên cơ sở nào? Nhân viên VPBank cho biết bên vay có thể chọn mức phí bảo hiểm trên cơ sở giá trị căn hộ do NH định giá hoặc chọn mức phí tương đương 125% của số tiền vay. “Nếu tôi không mua hoặc mua bảo hiểm của một công ty khác thì NH có cho vay không?” - chúng tôi đặt vấn đề. “Bên vay phải mua bảo hiểm là một trong những điều kiện để NH giải ngân. Trường hợp khách hàng mua bảo hiểm của công ty không liên kết với NH thì lãnh đạo NH sẽ xem xét chính sách bảo hiểm của công ty đó có hợp lý hay không mới quyết định cho vay” - nhân viên VPBank nói.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, còn nhiều NH khác cũng đưa ra quy định người vay tiền mua căn hộ hình thành trong tương lai phải mua bảo hiểm cháy nổ hằng năm và đây là một trong những điều kiện để được vay vốn. Thậm chí có NH còn quy định trường hợp người vay chỉ mua bảo hiểm cho năm đầu tiên, các năm tiếp theo nếu không mua, NH sẽ ngưng giải ngân khi khách hàng đến hạn thanh toán tiền mua căn hộ theo từng đợt, thường kéo dài 2-3 năm.
Lãnh đạo của nhiều NH lý giải việc đưa ra điều kiện người vay tiền phải mua bảo hiểm cháy nổ cho căn hộ là để bảo vệ cho NH lẫn khách hàng trước những sự cố không may, đồng thời NH thu được tiền hoa hồng từ công ty bảo hiểm nhằm bù đắp các chi phí liên quan đến cho vay. Thế nhưng, dư luận cho rằng việc mua bảo hiểm cho căn hộ là quyền và nhận thức của người vay tiền. NH buộc bên vay phải mua bảo hiểm và xem đó như là một trong những điều kiện tiên quyết để cho vay là thiếu sòng phẳng trong quan hệ tín dụng.
Ngân hàng - bảo hiểm hưởng lợi
Thực tế cho thấy để bán được sản phẩm thông qua NH, các công ty bảo hiểm ký hợp tác với NH đó, rồi 2 bên thỏa thuận về lợi ích kinh tế. Theo đó, công ty bảo hiểm sẽ duy trì một số tiền gửi nhất định tại NH với lãi suất không đáng kể, đồng thời NH sẽ hưởng được một tỉ lệ nhất định từ phí bảo hiểm. Ngược lại, NH sẽ tạo điều kiện cho công ty bảo hiểm khai thác khách hàng, bán chéo sản phẩm.
Một thành viên HĐQT của một công ty bảo hiểm tại TP HCM cho biết nếu người vay tiền mua bảo hiểm có sự tác động của NH thì công ty bảo hiểm sẽ chi trả cho NH đó 20%-40% số tiền phí bảo hiểm. Còn trường hợp NH không can thiệp nhưng công ty bảo hiểm vẫn bán được sản phẩm nhờ có được thông tin từ NH thì tùy vào doanh số bán hàng, công ty bảo hiểm sẽ chia cho NH một phần phí bảo hiểm.
Phó tổng giám đốc một NH lớn ở TP HCM thừa nhận quan hệ tín dụng đã có xung đột về lợi ích. Tức là, khi NH, công ty bảo hiểm có lợi ích thì ngược lại, người vay tiền sẽ tốn thêm chi phí, trong khi chưa chắc họ có nhu cầu mua bảo hiểm cho căn hộ... Theo vị này, chỉ có những doanh nghiệp vay hàng tỉ đồng, tài sản thế chấp là hàng hóa, nhà xưởng, NH mới buộc bên vay mua bảo hiểm nhằm bảo vệ khoản vay cho NH lẫn khách hàng. Còn người vay tiền mua căn hộ có bị NH buộc mua bảo hiểm hay không là tùy thuộc chính sách cho vay của từng NH. “Giải pháp tốt nhất là NH thuyết phục và chia sẻ 50% phí bảo hiểm với người vay tiền mua căn hộ nhằm hài hòa lợi ích cho 2 bên, lành mạnh hóa quan hệ tín dụng” - vị này nói.
Không có quy định buộc mua bảo hiểm
Trao đổi với chúng tôi, một lãnh đạo NH Nhà nước cho biết cơ quan quản lý không có quy định nào về việc người vay tiền mua căn hộ tại các dự án nhà ở thương mại phải mua bảo hiểm. Do đó, tùy tình hình kinh doanh, các NH thương mại đồng loạt đưa ra điều kiện buộc người vay tiền mua căn hộ phải mua bảo hiểm là không nên. Riêng cho vay mua nhà ở xã hội, các NH không được phép buộc người vay mua bảo hiểm. Trường hợp người vay tiền mua nhà ở xã hội bị NH ép mua bảo hiểm có thể phản ánh đến cơ quan quản lý và NH Nhà nước để có biện pháp xử lý thích đáng.
GÓC NHÌN
Quyền của người vay tiền ở đâu?
Quy định khách hàng cá nhân vay tiền ngân hàng (NH) thương mại để mua căn hộ phải mua bảo hiểm chỉ mới áp dụng gần đây nhưng đang gây khó cho khách hàng. Thông thường, mỗi NH thương mại sẽ liên kết với 1-2 công ty bảo hiểm, bán chéo sản phẩm nên người vay tiền không có nhiều lựa chọn: hoặc vay tiền tại NH đồng thời mua bảo hiểm hoặc tìm NH khác. Nhưng hầu như NH nào cũng áp dụng quy định này, thành ra người vay đành “chịu trận”.
Đáng nói, khách hàng chỉ được mua bảo hiểm ở công ty bảo hiểm có liên kết với NH, chứ không được chọn đơn vị cung cấp khác mà mình biết hoặc tin tưởng hơn? Ngoài ra, mức phí bảo hiểm trên thực tế cũng được NH cộng vào tổng khoản vay của khách hàng và tính lãi suất.
Lãnh đạo một NH cổ phần phân trần rằng quy định người vay tiền phải mua kèm bảo hiểm đã áp dụng cho khách hàng là doanh nghiệp và được sự “đồng tình” rất lớn, còn cá nhân chỉ mới áp dụng gần đây nên cần có thời gian. Mua bảo hiểm có lợi cho cả người vay, NH và công ty bảo hiểm, mức phí lại thấp. Có NH còn tặng kèm bảo hiểm cho khách, như khi tiểu thương vay vốn để kinh doanh sẽ được tặng kèm bảo hiểm cháy nổ, rồi được NH khuyến khích mua thêm bảo hiểm tổn thất hàng hóa (trong trường hợp xảy ra sự cố, cháy nổ chợ)...
Vấn đề ở đây, theo một lãnh đạo NH Nhà nước, không có quy định nào buộc người vay tiền mua căn hộ tại các dự án nhà ở thương mại phải mua bảo hiểm. Nghĩa là, bảo hiểm chỉ như một giá trị tăng thêm cho khách hàng lựa chọn khi vay tiền - có thể mua hoặc không, chứ không được bắt buộc. Còn trong trường hợp NH muốn mua bảo hiểm khoản tín dụng mình cấp cho khách hàng - công ty bảo hiểm sẽ bồi thường, trả tiền thay người vay trong trường hợp người vay không đủ khả năng trả nợ - thì đây lại là câu chuyện khác.
Ngay ở những lĩnh vực khác như khi mua vé máy bay, mua tour du lịch... bảo hiểm cũng là một gợi ý được hãng hàng không, hãng lữ hành đưa ra nhưng không bắt buộc. Vì thế, không có lý do gì để buộc người vay tiền phải mua bảo hiểm tại NH, nếu không có nhu cầu.
Thái Phương