Tỉ giá tiếp tục tăng do tâm lý thu gom ngoại tệ của doanh nghiệp kéo theo nhu cầu vốn tiền đồng để mua USD tăng mạnh và Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho biết sẽ chưa tăng lãi suất VND, cam kết giữ nguyên tỉ giá đến cuối năm 2015 là những nội dung chính trong cuộc họp khẩn giữa NHNN và các ngân hàng thương mại (NHTM) sáng 25.8.
TS.Vũ Đình Ánh: Điều chỉnh tỷ giá tác động rất nhỏ đến lạm phát
- Cập nhật : 25/08/2015
(Tin kinh te)
Mức độ điều chỉnh tỷ giá mới chỉ tăng khoảng 5% so với cuối năm 2014 khi chỉ số lạm phát mới khoảng 1% so với mức 5% cả năm là không đáng ngại.
Cho biết quan điểm của mình về việc NHNN đồng loạt thực hiện việc điều chỉnh tỷ giá hối đoái chính thức cũng như nới rộng biên độ từ +/-2% lên +/- 2%, TS. Vũ Đình Ánh cho biết, qua động thái điều chỉnh tỷ giá của NHNN, tỷ giá giao dịch thực tế của Việt Nam tại các ngân hàng thương mại giữa VND và USD cũng chỉ tăng khoảng 5% so với tỷ giá hối đoái từ cuối năm 2014, đầu năm 2015.
Không quá lo ngại cho các doanh nghiệp
TS. Vũ Đình Ánh cho rằng, mức biến động tỷ giá như đã nói ở trên chưa phải là quá nhiều để có thể tác động mạnh đến các doanh nghiệp Việt Nam. Theo lý thuyết, việc điều chỉnh tỷ giá hối đoái của Việt Nam thông thường sẽ tác động đến tất cả các doanh nghiệp Việt Nam, đặc biệt đối với các doanh nghiệp liên quan đến hoạt động xuất – nhập khẩu, hay các doanh nghiệp sử dụng các sản phẩm liên quan đến xuất - nhập khẩu.
Cụ thể, việc thay đổi tỷ giá (giá VND giảm so với USD) chắc chắn sẽ hỗ trợ cho việc kích thích xuất khẩu, đồng thời với đó là hạn chế nhập khẩu. Trong bối cảnh sau 7 tháng năm 2015, thâm hụt thương mại của Việt Nam đã lên tới 3,4 tỷ USD, đặc biệt là ngày 11/8, khi Trung Quốc liên tiếp phá giá đồng Nhân dân tệ ở mức rất sâu (1,9% và liên tiếp trong 3 ngày lên tới 4,67%).
“Có thể nói việc làm này sẽ “khoét” sâu thêm nếu chúng ta không điều chỉnh tỷ giá hối đoái, thâm hụt thương mại giữa Việt Nam và Trung Quốc đã lên tới quy mô rất lớn, sấp xỉ 20 tỷ USD chỉ trong vòng 7 tháng vừa qua”, TS. Vũ Đình Ánh nhận định.
Tuy nhiên, theo TS. Vũ Đình Ánh, thực tế với mức độ điều chỉnh chưa phải là quá lớn, trong khi đối với diễn biến của nền kinh tế Việt Nam, lý thuyết vẫn khá xa so với thực tế, khi tác động của tỷ giá hối đoái đến việc tăng xuất khẩu cũng như hạn chế nhập khẩu là chưa rõ ràng theo như lý thuyết tính toán.
Ngoài ra, việc điều chỉnh tỷ giá còn liên quan đến hàng loạt các yếu tố về tài chính khi chúng ta sử dụng đồng ngoại tệ, đặc biệt có liên quan đến các doanh nghiệp Việt Nam vay mượn bằng USD hoặc các loại ngoại tệ khác. Do đó, các doanh nghiệp Việt Nam nói chung vẫn có thể yên tâm vì diễn biến tỷ giá hối đoái về cơ bản vẫn như đã diễn ra trong suốt những năm từ 2012 đến cuối năm 2014.
“Các doanh nghiệp vẫn cần phải đặt bài toán tỷ giá như là một trong những biến số kinh tế trong kế hoạch sản xuất kinh doanh của mình. Từ đó tìm ra được các yếu tố có lợi nhất cho doanh nghiệp mình và hạn chế tốt nhất những tác động rủi ro”, TS. Vũ Đình Ánh lưu ý
Không tác động lớn đến chỉ số lạm phát
Đánh giá tác động của việc điều chỉnh tỷ giá hối đoái đến chỉ số lạm phát trong thời gian tới, TS. Vũ Đình Ánh cho rằng, thông thường, tỷ giá hối đoái là thước đo giá trị đối ngoại của một đồng tiền. Với một nền kinh tế mở như Việt Nam cả về hoạt động thương mại khi tổng kim ngạch xuất – nhập khẩu lên tới 150 – 160% GDP, cùng như về đầu tư khi vốn đầu tư trực tiếp và gián tiếp từ nước ngoài vào Việt Nam rất lớn.
Mặt khác, nền kinh tế Việt Nam cũng mở rộng về các hoạt động vay mượn bằng đồng ngoại tệ với các nước khác, nên rõ ràng tác động của giá trị đối ngoại của VND chắc chắn sẽ tác động đến giá trị đối nội của Việt Nam cụ thể là chỉ số lạm phát.
Tuy nhiên, TS. Vũ Đình Ánh cũng lạc quan khi cho rằng, điều quan trọng nhất vẫn là mức độ điều chỉnh tỷ giá vừa qua của NHNN, nếu tính so với thời điểm cuối năm 2014 mới chỉ ở mức khoảng 5% nên đây chưa phải là mức quá lớn. Trong khi đến hết tháng 7 vừa qua, chỉ số lạm phát ở Việt Nam mới chỉ ở khoảng 1% so với cùng kỳ cũng như chỉ giá bình quân 7 tháng năm 2015 so với 7 tháng năm 2014.
Do đó, mặc dù việc điều chỉnh tỷ giá hối đoái như vừa qua chắc chắn sẽ tác động đến tốc độ lạm phát ở Việt Nam, nhưng theo TS. Vũ Đình Ánh, mức độ tác động sẽ khá là nhỏ và không đáng lo ngại.
“Như chúng ta đã biết, mục tiêu lạm phát cả năm 2015 của Việt Nam là 5%, nhưng đến thời điểm này lạm phát vẫn đang ở mức sấp xỉ 1%, như thế còn dư địa nhất định để có thể nói rằng không quá lo ngại trong vấn đề tác động của tỷ giá hối đoái tới chỉ số lạm phát của Việt Nam. Từ thực tế này, chúng ta sẽ có những sự chủ động nhất định trong việc điều chỉnh tỷ giá hối đoái, qua đó hỗ trợ cho các mục tiêu kinh tế vĩ mô khác”, TS. Vũ Đình Ánh khẳng định.