Đồng đôla mạnh lên so với euro khiến giá vàng giảm hơn 8 USD xuống 1.125 USD mỗi ounce trong phiên giao dịch hôm qua.
Trái phiếu ế vì ngân hàng cạn vốn?
- Cập nhật : 07/09/2015
(Tin kinh te)
Trái với năm 2014, năm nay, “chợ” trái phiếu Chính phủ (TPCP) liên tiếp “ế” hàng bởi thiếu sự vào cuộc của giới ngân hàng. Trước áp lực mục tiêu huy động vốn 250 nghìn tỷ đồng năm 2015, Bộ Tài chính đang tìm cách xoay xở.
Đấu thầu liên tục ế
Thị trường chứng khoán Việt Nam đã và đang là kênh huy động vốn vay trung và dài hạn tốt nhất cho nền kinh tế. Thông qua kênh này, nhà nước còn phát hành TPCP để huy động vốn xây dựng các công trình, đồng thời sử dụng một phần chi trả, đảo nợ.
Theo số liệu từ Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN), hơn 13 năm qua, huy động vốn qua thị trường này đã đạt trên 700.000 tỷ đồng. Tuy nhiên, tâm lý lạc quan “cứ đấu là trúng” hiện đã không còn. Từ đầu năm tới nay, tình hình huy động vốn liên tiếp gặp khó. Nhiều phiên đấu thầu TPCP rơi vào tình cảnh ế hàng, tỷ lệ trúng thầu thấp khó tin.
Đặc biệt, thị trường TPCP còn trở nên rất ảm đạm trong nửa cuối tháng 8 mặc dù Kho bạc nhà nước (KBNN) đã nâng lãi suất trúng thầu TPCP ở các kỳ hạn 5-10 năm. Thanh khoản VND không dồi dào, khiến thị trường trái phiếu thêm khó khăn. Nhu cầu mua TPCP giảm mạnh trong nửa cuối tháng 8 với tỷ lệ trúng thầu ở mức thấp, do lợi suất trái phiếu chưa phù hợp với kỳ vọng của nhà đầu tư.
Theo đó, có khoảng 3.040 nghìn tỷ đồng TPCP được phát hành thành công trong hai tuần gần đây. Tỷ lệ trúng thầu đã giảm xuống mức 15,2%. Trong đó, TPCP kỳ hạn 5 năm có tỷ lệ trúng thầu cao nhất là hơn 62%. Tỷ lệ TPCP bảo lãnh được phát hành thành công rất thấp, đạt mức 8,2%. Trước thực trạng trên, Uỷ ban Giám sát Tài chính Quốc gia liên tiếp cảnh báo cho rằng: Tình hình phát hành TPCP trên thị trường sơ cấp (phát hành lần đầu) đang gặp nhiều khó khăn. Đồng thời, lưu ý KBNN cần có giải pháp phù hợp để đảm bảo mục tiêu huy động.
Tại cuộc họp chuyên đề trái phiếu tháng 8, bà Phan Thu Hiền, Vụ phó Vụ Tài chính ngân hàng (Bộ Tài chính) cho biết, tính đến ngày 14/8/2015, tổng khối lượng trái phiếu huy động được 140.938 tỷ đồng. Trong đó, TPCP huy động được 123.479 tỷ đồng, trái phiếu được Chính phủ bảo lãnh huy động được 17.459 tỷ đồng, tương ứng 49% và 36% kế hoạch năm 2015. “Đúng là công tác huy động vốn cho ngân sách thông qua phát hành trái phiếu năm nay gặp khó khăn”, bà Hiền nói.
Xoay xở
Câu chuyện lo gánh nặng phát hành TPCP khó thành công đã được dự báo từ đầu năm. Khi đó, đại diện Bộ Tài chính và các đơn vị trực tiếp lo đấu thầu như KBNN, UBCKNN, Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội-HNX (đơn vị lo thực hiện trực tiếp) đều không giấu được quan ngại. Điểm khó lớn nhất, ngoài lo vốn bù đắp bội chi, đấu thầu trái phiếu còn phải tăng các kỳ hạn dài lên 10 năm, 20 năm gánh mục phần đảo nợ.
“E ngại lớn nhất là dòng tiền ngân hàng vốn chiếm tỷ lệ chủ yếu và quyết định sự thành công của trái phiếu sẽ không còn dồi dào nữa”, Tổng Giám đốc HNX ông Trần Văn Dũng khi đó dự báo.
Trên thực tế, năm nay các ngân hàng thương mại (NHTM) không mặn mà tham gia nhiều nữa. Trao đổi với PV Tiền Phong, phó tổng giám đốc một NHTM đang trực tiếp tham gia trên thị trường trái phiếu nhận xét: Năm nay, Chính phủ lên kế hoạch huy động 250 ngàn tỷ đồng, nhiều hơn so với các năm trước, chủ yếu thông qua trái phiếu dài hạn 10 năm, 20 năm.
“Thị trường không có nhiều hứng thú để mua loại trái phiếu này, dù lãi suất cao nhưng thời gian quá dài”, ông này cho biết. Theo ông, lý do khác nữa khiến các ngân hàng không “mặn mà” với trái phiếu kỳ hạn dài là theo quy định, ngân hàng chỉ được đầu tư TPCP trong giới hạn cho phép. Chưa kể những biến động về tỷ giá, lãi suất thời gian vừa qua càng khiến ngân hàng phải thận trọng hơn.
Được biết tới đây, Bộ Tài chính sẽ trình Chính phủ kiến nghị Quốc hội cho phép phát hành TPCP có kỳ hạn dưới 5 năm. Dù đại diện bộ lý giải động thái này nhằm đa dạng hóa sản phẩm để thu hút sự tham gia của nhiều thành phần hơn trong thị trường, nhưng theo các chuyên gia, điều này cho thấy, rõ ràng áp lực huy động vốn đang gặp nhiều khó khăn (và để đạt được mục tiêu cũng như dư dả chi tiêu, cơ quan chủ quản buộc phải xoay xở tình thế sao cho hiệu quả).
“Hiện tại, 18/24 thành viên tham gia đấu thầu TPCP là NHTM đang nắm giữ khoảng 80% tổng khối lượng TPCP đã phát hành. Do NHTM chủ yếu huy động tiền gửi ngắn hạn nên nếu không phát hành TPCP kỳ hạn ngắn sẽ hạn chế các định chế tài chính này tham gia đấu thầu TPCP”, bà Phan Thu Hiền cho biết.
Liên quan đến câu chuyện lo nguồn vốn cho thị trường trái phiếu, tại cuộc trò chuyện đầu năm với PV Tiền Phong, Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Bình cho hay, hệ thống ngân hàng đang phải gánh quá nhiều việc lớn. “Ngoài lo vốn tín dụng trực tiếp cho nền kinh tế, các ngân hàng còn phải lo vốn cho kênh huy động TPCP, nếu cứ gánh mãi thế này đến con voi cũng sụp”, Thống đốc nói.
Theo Khánh Huyền
Tiền phong