tin kinh te
 
 
 
rss - tinkinhte.com

Tiến sĩ Huỳnh Thế Du: '10 năm qua không có kênh đầu tư nào sinh lời thực dương'

  • Cập nhật : 13/04/2016

(Tin kinh te)

Dòng vốn chảy vào ồ ạt tạo bong bóng tài sản đã gây ra nhiều thiệt thòi cho kinh tế Việt Nam một thập kỷ qua.

Đây là vấn đề được Tiến sĩ Huỳnh Thế Du khuyến nghị cần rút kinh nghiệm khi Việt Nam bước vào ngưỡng cửa TPP.

Chia sẻ nêu trên được Giám đốc đào tạo chương trình giảng dạy kinh tế Fulbright nêu ra tại hội thảo TPP - Cơ hội và thách thức đối với lĩnh vực tài chính và phát triển của doanh nghiệp Việt Nam diễn ra ngày 12/4.

Tiến sĩ Huỳnh Thế Du nhìn nhận, quá trình phát triển 30 năm qua là giai đoạn Việt Nam đang trong thời kỳ mở cửa và hội nhập quốc tế nhưng đã có tốc độ tăng trưởng cao thứ nhì thế giới (chỉ sau Trung Quốc). Nhiều người cho rằng, nếu lấy mốc hiện tại thì phải 100 năm tới, Việt Nam mới bằng Singapore, Hàn Quốc... và đây là điều khá bi quan.

tien si huynh the du.

Tiến sĩ Huỳnh Thế Du.

Theo ông Du, để có cái nhìn khách quan hơn thì có thể làm phép so sánh về khoảng cách của Việt Nam với các nền kinh tế ấy có sự thu hẹp như thế nào sau 30 năm. Cụ thể với Singapore, trước đây thu nhập bình quân GDP theo đầu người của họ gấp 24 lần so với Việt Nam nhưng nay họ chỉ gấp khoảng 15 lần. Còn với Hàn Quốc thì từ chỗ gấp 9,5 lần giờ chỉ còn 6,5 lần.

"Điều này chứng tỏ rằng, sau 30 năm mở cửa hội nhập thì Việt Nam đã có những sự cải thiện rất lớn. Hiện tại, thu nhập bình quân đầu người tính bằng sức mua của Việt Nam đạt tầm 6.000 USD và khoảng 5 năm nữa, nếu không có biến động lớn thì chúng ta sẽ đạt 10.000 USD và đến 2024, sẽ hơn 11.000 USD, tức là đã bước vào giai đoạn bùng phát về tiêu dùng", ông Du nói.

Cũng theo Tiến sĩ Huỳnh Thế Du, sau khi nghiên cứu, tìm hiểu, ông khá ngạc nhiên khi trong khoảng 10 năm qua (từ lúc Việt Nam gia nhập WTO), GDP tăng trưởng 80%, tức nếu tính theo giá cố định thì bằng 1,8 lần năm 2006, nhưng khi tính về chỉ số thu lời của các kênh đầu tư cơ bản như vàng, USD, tiền gửi tiết kiệm bằng VND, ngoại tệ, chứng khoán, bất động sản thì có một kết quả rất bất ngờ.

"Đó là gần chục năm qua, không có một kênh nào mà suất sinh lợi danh nghĩa cao hơn lạm phát bình quân, tức là có tiền bỏ vào tất cả các kênh này thì không ai có suất sinh lợi thực dương cả. Vậy thì sau 10 năm mở cửa, tất cả danh lợi đầu tư của chúng ta đã đi đâu?", ông Du đặt câu hỏi.

Để lý giải điều này, Tiến sĩ Du cho rằng, khi Việt Nam gia nhập WTO và kỳ vọng của nhiều người tin rằng nước ta sẽ tăng trưởng 3-4 lần. Nhưng tới nay gần như tốc độ tăng trưởng vẫn chưa thay đổi gì nhiều. Các thành phần có được lợi nhuận lớn cũng chỉ là số ít các doanh nghiệp đầu tư vào bất động sản, khai thác tài nguyên thiên nhiên... Trong khi đó, giá trị gia tăng của các lĩnh vực sản xuất hàng hóa, dịch vụ hầu như phụ thuộc hoàn toàn vào FDI. Mặt khác, dòng vốn FPI (đầu tư gián tiếp) đổ về Việt Nam khá lớn đã làm cho các kênh đầu tư như thị trường chứng khoán, bất động sản nóng lên, tạo thành bong bóng.

Và thực tế, từ 2006 đến 2010, rất nhiều doanh nghiệp trong nước đã chuyển sang đầu cơ thay vì tập trung vào kinh doanh cốt lõi vì họ thấy kiếm tiền khá dễ, thậm chí siêu lợi nhuận. Kéo theo đó, dòng vốn từ ngân hàng cũng chảy mạnh vào bất động sản. Lúc đó, không ít nhà đầu tư hình thành tâm lý "tôi thông minh hơn thị trường, sẽ biết bong bóng nổ lúc nào" nên ai cũng ôm "một mớ" bất động sản. Nhưng điều đó cũng giống như là họ "ôm bom" trong người, nên khi bong bóng xì hơi thì họ không thể nào thả ra và chuyển giao cho người khác vì lúc đó trong tay ai cũng có một quả bom rồi.

Bong bóng này đã tạo ra sự mua bán lòng vòng mà không chảy mạnh vào sản xuất, kinh doanh... là nguyên nhân gây ra sự trục trặc và bất ổn của nền kinh tế hiện tại. Ngoài ra, nhìn vào 4 động lực phát triển kinh tế là FDI, khu vực Nhà nước, khu vực tư nhân và khu vực nông nghiệp thì sau 10 năm, giờ chỉ có FDI là hoạt động tốt và khoẻ. "Đây là bài học rất lớn mà khi tham gia TPP, Việt Nam cần chú ý để tránh đi vào vết xe đổ", ông Huỳnh Thế Du cảnh báo.

Bởi theo ông Du, nếu nói về quy mô thì khi TPP được thông qua, Việt Nam sẽ có sự bùng phát, do nguyên lý bình thông nhau, tức là làn sóng đầu tư từ các nước thành viên sẽ tràn vào Việt Nam. Theo đó, chỉ nên khuyến khích những dòng vốn vào sản xuất, kinh doanh, dịch vụ... và hạn chế những khoản đầu tư chỉ nhằm khai thác tài nguyên thô chẳng hạn.

Chuyên gia này cho rằng, nếu sự quản lý kinh tế vĩ mô của Việt Nam không khéo, bản thân doanh nghiệp nội không có chiến lược, kế hoạch để phát triển thì lúc này cơ hội gần như mất đi và thách thức sẽ nhiều lên. "Câu chuyện quan trọng nhất của Việt Nam hiện nay là làm sao kiểm soát kỳ vọng. Bởi nó cũng giống như một người đang đói bụng mà đứng trước quá nhiều món ăn ngon nhưng không biết kiểm soát mình để lựa chọn cho đúng món thì sẽ dẫn đến việc bị bội thực và rất nguy hiểm", ông chia sẻ.

Theo VNexpress

Trở về

Bài cùng chuyên mục