Giá vàng SJC mới nhất từ công ty Vàng Bạc Đá Quý Sài Gòn - SJC.
Sản phẩm trên thị trường tài chính, vừa thừa, vừa thiếu
- Cập nhật : 14/06/2016
Giới chuyên gia nhìn nhận, các sản phẩm trên thị trường tài chính hiện vừa thừa, vừa thiếu. Điều này thể hiện qua nhiều sản phẩm đã và sắp ra đời chưa được thị trường hào hứng đón nhận, trong khi một số sản phẩm họ có nhu cầu sử dụng lại chưa được nhà quản lý đưa vào áp dụng.
Thừa vì chưa hấp thụ kịp
“Việc phát triển các sản phẩm mới cho thị trường tài chính của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCK) trong những năm qua diễn ra khá nhanh. Tuy nhiên, dường như thị trường chưa tiếp nhận nhiều sản phẩm. Bằng chứng điển hình là nhiều sản phẩm quỹ đầu tư như: quỹ mở, quỹ ETF… hiện có quy mô rất thấp. Nhà đầu tư (NĐT) cá nhân chưa mấy tham gia các sản phẩm này. Họ vẫn chủ yếu gửi tiết kiệm, hoặc mua nhà để cho thuê…”, ông Nguyễn Xuân Minh, Chủ tịch HĐTV của CTCK Kỹ Thương (TCBS) nhìn nhận tại Hội thảo “Thị trường tài chính Việt Nam: Xu hướng và tiêu điểm”, do Hiệp hội Thị trường trái phiếu Việt Nam (VBMA) tổ chức cuối tuần qua.
Ý kiến từ các tổ chức trung gian tài chính như: CTCK, công ty quản lý quỹ cho rằng, chính thực trạng trên khiến cho họ gặp nhiều khó khăn trong xây dựng, phát triển các sản phẩm mới. Thị trường tài chính đang vừa thừa, vừa thiếu sản phẩm.
Đại diện cho tiếng nói của nhà quản lý, ông Nguyễn Sơn, Vụ trưởng Vụ Phát triển thị trường, UBCK nhìn nhận, cơ quan quản lý đưa ra nhiều sản phẩm nhưng có vẻ thị trường chưa hấp thụ kịp. Đơn cử như trước khi ban hành khung pháp lý cho quỹ ETF và quỹ bất động sản ra đời, nhà quản lý nhận thấy nhu cầu, sự thúc giục từ thị trường, nhưng khi ban hành, thì đến nay hai loại hình quỹ này nói riêng, ngành quản lý quỹ Việt Nam nói chung chưa phát triển. Riêng với quỹ ETF, sau thời gian dài nỗ lực triển khai đến nay, hai nhà phát hành là CTCP Quản lý quỹ đầu tư Việt Nam (VFM) và Công ty Quản lý quỹ SSI (SSIAM) khá thất vọng, vì mức độ quan tâm của thị trường, NĐT rất hạn chế.
“Ngoại trừ NĐT tổ chức, các định chế đầu tư chuyên nghiệp, NĐT nhỏ Việt Nam hiện chủ yếu vẫn ưa thích các sản phẩm đầu tư đơn giản, có tính đầu cơ cao hơn là các sản phẩm có tính phức tạp và chiến lược đầu tư dài hạn. Do đó, các sản phẩm càng hiện đại, thì khả năng hấp thụ của thị trường càng thấp...”, ông Sơn nói. Ông dự báo, sắp tới khi triển khai TTCK phái sinh, trong 3-6 tháng đầu, thậm chí 1 năm sẽ chỉ có một số định chế đầu tư chuyên nghiệp tham gia. Điều này là tất yếu, bởi sản phẩm mới đưa ra cần có thời gian để thị trường hấp thụ dần dần thông qua các hoạt động đào tạo, giới thiệu các sản phẩm này tới công chúng đầu tư.
Cần nhưng… chưa có
Ý kiến từ các thành viên VBMA cho thấy, trong khi khá nhiều sản phẩm đã có nhưng thị trường không mấy mặn mà, thì khá nhiều sản phẩm thị trường đang cần nhưng lại chưa có.
“Hiện thị trường rất cần một loạt sản phẩm mới, trong đó có sản phẩm chứng khoán hóa các khoản nợ. Vậy bao giờ khung pháp lý cho sản phẩm này mới định hình?”, ông Ngô Thế Triệu, Giám đốc điều hành đầu tư cổ phiếu và trái phiếu, Công ty Quản lý quỹ Eastspring Investments đặt câu hỏi.
Theo ông Nguyễn Sơn, đúng là thị trường đang có nhu cầu chứng khoán hóa các khoản nợ trong lĩnh vực bất động sản để có thể giao dịch được trên thị trường. Nhà quản lý đang “nợ” thị trường khung pháp lý về vấn đề này.
Liên quan đến một số sản phẩm mà thị trường chờ đợi từ nhiều năm nay như: quỹ hưu trí tự nguyện, giao dịch trong ngày (T+0), bán chứng khoán chờ về, nhưng chưa biết đến bao giờ mới được triển khai, ông Nguyễn Sơn cho biết, TTCK sắp trải qua 16 năm vận hành, nhưng mỗi khi muốn áp dụng bất kỳ một sản phẩm mới nào, điều nhà quản lý luôn quan ngại là việc triển khai hệ thống công nghệ, cũng như quản trị rủi ro sao cho đảm bảo tính an toàn hệ thống trên toàn thị trường. Thực tế, các tổ chức trung gian tài chính chưa đáp ứng được yêu cầu cả về tiến độ lẫn chất lượng. Chính những yếu tố này đang làm cho việc triển khai các sản phẩm, dịch vụ mới bị chậm và gặp khó khăn. Ông Sơn cho rằng, nhà quản lý cũng như các thành viên thị trường đều cần nỗ lực khắc phục những hạn chế này để tiếp tục triển khai các sản phẩm mới trong thời gian tới.
“Chúng tôi cam kết sẽ triển khai các sản phẩm chứng khoán phái sinh như: hợp đồng tương lai trái phiếu chính phủ, hợp đồng tương lai chỉ số vào đầu năm 2017. Để hỗ trợ cho TTCK phái sinh phát triển trong giai đoạn đầu, UBCK đang tính toán phương án đề xuất tới các cấp có thẩm quyền cơ chế ưu đãi về thuế, phí, qua đó khích lệ NĐT tham gia thị trường mới này...”, ông Sơn cho hay.
Ngoài việc nỗ lực để vào đầu tháng 7 tới sẽ hoàn tất hệ thống pháp lý cho sự ra đời của sản phẩm chứng quyền có bảo đảm (covered warrant), để triển khai vào đầu năm 2017, ông Sơn cho biết, UBCK cũng đang khẩn trương hoàn thiện quy định pháp lý để cho phép nhà kinh doanh được vay trái phiếu chính phủ để bán thông qua Hệ thống vay và cho vay chứng khoán (SBL) của Trung tâm Lưu ký chứng khoán.
“Qua họp bàn, thống nhất với các cơ quan liên quan, chúng tôi cam kết trong quý I/2017 sẽ chính thức chuyển chức năng thanh toán tiền giao dịch trái phiếu chính phủ từ Ngân hàng BIDV sang Ngân hàng Nhà nước. Bước đi này là thực hiện theo thông lệ quốc tế, qua đó, giảm thiểu rủi ro cho thị trường, giúp Ngân hàng Nhà nước chủ động trong kiểm soát dòng tiền thanh toán trên thị trường trái phiếu.
Cần đánh giá kỹ tính hữu dụng của sản phẩm mới
Có những sản phẩm mà thị trường cần từ lâu, nhưng đến nay không có, chẳng hạn như sản phẩm bảo hiểm rủi ro tỷ giá, lãi suất.
Chúng ta đang tính toán triển khai sản phẩm hợp đồng tương lai trái phiếu chính phủ. Câu hỏi đặt ra là trong khi các thị trường lân cận Việt Nam không thành công trong triển khai sản phẩm này, thì liệu chúng ta có tạo ra sự khác biệt không?
Nhà quản lý, các thành viên thị trường đã lọ mọ xây dựng, đóng góp ý kiến xây dựng hợp đồng tương lai trái phiếu chính phủ suốt 3 năm qua, nhưng liệu sản phẩm này có được triển khai thành công hay không đang là ẩn số lớn, nhất là trong bối cảnh nhà quản lý định hướng triển khai sản phẩm này theo hướng không cho phép bán khống.
Ngay cả khi đến một thời điểm nào đó nhà quản lý cho phép bán khống, thì có khả năng dẫn đến nghiệp vụ và sản phẩm này hạn chễ lẫn nhau. Không có bán khống thì không có nhà tạo lập thị trường (market-maker), nếu được bán khống, thì không có nhu cầu giao dịch hợp đồng tương lai nữa.
Làm sao đưa các sản phẩm tài chính phức tạp đến NĐT cá nhân?
Kết quả một cuộc khảo sát nhanh của TCBS cho thấy các loại tài sản mà NĐT cá nhân tại Việt Nam ưa thích đầu tư nhất hiện tại lần lượt là: mua nhà hoặc cửa hàng cho thuê, tiếp đến là mua đất, cổ phiếu chứng khoán, gửi tiết kiệm… NĐT chọn kênh đầu tư bất động sản vì tạo ra nguồn thu nhập định kỳ, là tài sản hữu hình có thể cầm nắm được, đồng thời thu được một khoản tiền lớn trong tương lai.
Tuy nhiên, rủi ro khi đầu tư vào kênh này là thanh khoản thấp, cần vốn đầu tư cao, mất giá trị đồng tiền vì lạm phát, biến động tỷ giá… Còn với kênh đầu tư cổ phiếu, NĐT ưa thích sản phẩm này vì khả năng tạo lợi nhuận nhanh, thanh khoản tốt, nhưng kèm theo đó là rủi ro cao, không tạo ra thu nhập đều đặn, không có thời gian theo dõi.
Từ những điểm mạnh, yếu của các sản phẩm đầu tư trên, đòi hỏi khi thiết kế, phát triển các sản phẩm mới, các tổ chức trung gian tài chính phải trả lời thấu đáo 3 câu hỏi: sản phẩm tài chính nào có thể đáp ứng sự lựa chọn của khách hàng; đâu là các sản phẩm có tính ưu việt mà họ cần; sản phẩm tài chính nào giải quyết được nỗ lo lắng cho khách hàng?
Việc trả lời cả 3 câu hỏi này đều cần giải quyết một cái khó là làm sao để các sản phẩm tài chính vốn dĩ có tính phức tạp, khó hiểu với NĐT cá nhân phải trở nên dễ hiểu, dễ đầu tư với họ. Các nhà cung cấp sản phẩm tài chính đừng nói cho thị trường biết sẽ làm gì, mà điều quan trọng là phải xem thị trường muốn gì để phát triển các sản phẩm phù hợp.
Sản phẩm không hợp khẩu vị, nên khó hút tiền trong dân
Chỉ cần nhìn vào khoản tiền thu phí bảo hiểm hàng năm trung bình khoảng 2 tỷ USD cho thấy, tiền trong NĐT Việt Nam còn rất nhiều.
Thế nhưng, tại sao nó lại chưa chảy nhiều vào TTCK? Có nguyên nhân là sản phẩm, dịch vụ vừa chưa đa dạng, vừa chưa hấp dẫn NĐT, chưa đáp ứng được nhu cầu, cũng như đòi hỏi của NĐT cá nhân.
Đây là vấn đề cả nhà hoạch định chính sách, lẫn các tổ chức trung gian phát triển các sản phẩm, dịch vụ tài chính cần nhìn nhận sâu sắc, để có hướng khắc phục trong thời gian tới nếu muốn cải thiện thanh khoản cho TTCK.
Bất kỳ sản phẩm tài chính nào, từ đơn giản đến phức tạp, để được NĐT đón nhận, ngoài yếu tố chất lượng phải được đảm bảo, thì sự phù hợp với khẩu vị của NĐT, cũng như môi trường xung quanh hỗ trợ cho phổ cập các sản phẩm đó là rất quan trọng.