Tổng giám đốc Ngân hàng (NH) TMCP Đông Á (DongA Bank) Trần Phương Bình cho biết đang có nhà đầu tư nước ngoài quan tâm đặt vấn đề mua 49% cổ phần của NH này để trở thành cổ đông chiến lược.
Nhiều quốc gia dừng hoặc giảm vốn ODA cho Việt Nam
- Cập nhật : 19/08/2015
(Tin kinh te)
Khi Việt Nam trở thành nước thu nhập trung bình, nhiều quốc gia đã chấm dứt hoặc giảm cấp vốn ODA cho Việt Nam, kể cả những nước có quan hệ mật thiết với Việt Nam.
Thông tin trên được đề cập trong Báo cáo Tình hình thu hút, quản lý và sử dụng nguồn vốn ODA và vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ 6 tháng đầu năm 2015 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư phục vụ cuộc họp ngày 12/8 của Ban Chỉ đạo Quốc gia về ODA và vốn vay ưu đãi.
Theo báo cáo, tổng giá trị các hiệp định ký kết có chiều hướng giảm kể từ năm 2013 đến nay.
Cụ thể tổng giá trị các hiệp định ký kết năm 2013 là 6,601 tỷ USD; năm 2014 giảm xuống còn 4,379 tỷ USD. Song năm 2015 dự kiến hạ xuống 3,313 tỷ USD (trong đó 6 tháng đầu năm 2015 là 1,590 tỷ USD).
Như vậy, vốn ODA cho Việt Nam năm 2015 có thể giảm 1 nửa so với năm 2013.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư đánh giá đây là xu thế chung hiện nay khi Việt Nam đã trở thành nước thu nhập trung bình thấp từ năm 2010 đồng thời phù hợp với chính sách huy động nguồn vốn ODA và vốn vay ưu đãi đặt trọng tâm vào chất lượng và hiệu quả sử dụng nguồn vốn ODA và vốn vay ưu đãi để đảm bảo nợ công bền vững.
Sau khi Việt Nam trở thành nước thu nhập trung bình, các nhà tài trợ song phương đã thay đổi chính sách viện trợ đối với Việt Nam theo hướng giảm dần hoặc chấm dứt viện trợ cho Việt Nam như Thụy Điển, Anh, Bỉ,...
“Ngay Nhật Bản là nhà tài trợ song phương lớn cũng cắt giảm viện trợ không hoàn lại trong những năm gần đây”, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết.
Cũng theo báo cáo trên, có 23 chương trình, dự án ODA và vốn vay ưu đãi trong Danh sách dự án chậm tiến độ năm 2015. Trong đó, có 14 dự án cần tiếp tục được giám sát thường xuyên, đặc biệt là các dự án đường sắt đô thị.
Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, ngoại trừ dự án Tuyến đường sắt đô thị thí điểm thành phố Hà Nội, đoạn Nhổn - ga Hà Nội và dự án Xây dựng tuyến đường sắt đô thị TPHMC, tuyến Bến Thành – Suối Tiên tiến độ thực hiện đã có cải thiện, 4/6 dự án đường sắt đô thị đang triển khai tại Hà Nội và TPHCM đều bị chậm trễ nghiêm trọng.
“Đây đều là những dự án đầu tư có quy mô và vốn đầu tư lớn, nên việc kéo dài thời gian thực hiện sẽ đẩy chi phí thực hiện dự án lên rất cao, giảm hiệu quả đầu tư và gây lãng phí nguồn lực. Việc đưa ra giải pháp cụ thể để giải quyết vướng mắc cho các dự án đường sắt đô thị hiện đang yêu cầu bức thiết”, Bộ Kế hoạch và Đầu tư lưu ý.
Gần đây, ngày 16/7/2015, Ngân hàng phát triển châu Á (ADB), Cơ quan phát triển Pháp (AFD), ngân hàng Tái thiết Đức (KFW) và Cơ quan hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA) đã có công thư gửi Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải đề xuất việc thành lập Ban Chỉ đạo cấp cao đối với các dự án đường sắt đô thị để giải quyết các vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ thực hiện của các dự án đường sắt đô thị đã triển khai và lập kế hoạch xây dựng các dự án đường sắt đô thị trong thời gian tới cho hiệu quả.