Giá vàng SJC mới nhất từ công ty Vàng Bạc Đá Quý Sài Gòn - SJC Bài thuộc chuyên mục
Hậu sáp nhập Sacombank, Southern Bank: Ông Trầm Bê thôi điều hành
- Cập nhật : 19/08/2015
(Tai chinh)
Ông Trầm Bê sẽ không tham gia quản trị, điều hành ngân hàng sau sáp nhập giữa Sacombank và Southern Bank...
Theo Ngân hàng Nhà nước, ông Trầm Bê cam kết trong quá trình thực hiện đề án tái cơ cấu và xử lý nợ xấu của ngân hàng sau sáp nhập, nếu giá trị tài sản đảm bảo cho các nghĩa vụ nợ của ông Trầm Bê và những người có liên quan không đủ, thì sẽ bổ sung thêm các tài sản khác thuộc sở hữu của ông.
Theo Ngân hàng Nhà nước, việc sáp nhập của hai ngân hàng nêu trên phù hợp với định hướng cơ cấu lại các tổ chức tín dụng.
Việc sáp nhập này theo nguyên tắc tự nguyện, bảo đảm quyền lợi của người gửi tiền và các quyền, nghĩa vụ kinh tế của các bên có liên quan theo quy định của pháp luật và đồng thời là bước đi nhằm hiện thực hóa đề án tái cơ cấu hai ngân hàng này, đã được Thủ tướng Chính phủ thông qua.
Ngân hàng Nhà nước cho biết, ông Trầm Bê - hiện là Phó chủ tịch Hội đồng Quản trị Sacombank - đã tự nguyện cam kết ủy quyền không hủy ngang, vô thời hạn cho Ngân hàng Nhà nước hoặc tổ chức, cá nhân do Ngân hàng Nhà nước chỉ định thực hiện đầy đủ các quyền của cổ đông theo quy định của pháp luật và điều lệ của Southern Bank, Sacombank, sau khi nhận sáp nhập Southern Bank đối với toàn bộ số cổ phần tại Southern Bank, Sacombank và ngân hàng sau sáp nhập thuộc quyền sở hữu của ông Trầm Bê và các bên có liên quan.
Như vậy, ông Trầm Bê sẽ không tham gia quản trị, điều hành ngân hàng sau sáp nhập.
Đồng thời, Ngân hàng Nhà nước sẽ thực hiện quyền cổ đông đối với toàn bộ số cổ phần thuộc sở hữu của ông Trầm Bê và những người có liên quan, cũng như sẽ cử người tham gia quản trị, điều hành ngân hàng sau sáp nhập, đảm bảo ngân hàng này hoạt động an toàn và thực hiện có hiệu quả đề án tái cơ cấu của hai ngân hàng.
Cũng theo Ngân hàng Nhà nước, ông Trầm Bê cam kết trong quá trình thực hiện đề án tái cơ cấu và xử lý nợ xấu của ngân hàng sau sáp nhập, nếu giá trị tài sản đảm bảo cho các nghĩa vụ nợ của ông Trầm Bê và những người có liên quan không đủ, thì sẽ bổ sung thêm các tài sản khác thuộc sở hữu của ông.
Trong suốt quá trình xây dựng và triển khai thực hiện đề án, Ngân hàng Nhà nước cho biết luôn phối hợp chặt chẽ với các cơ quan bảo vệ pháp luật để xử lý nghiêm minh theo đúng qui định của pháp luật các tập thể và cá nhân vi phạm pháp luật gây thất thoát tài sản của nhà nước, của nhân dân.
Trước đó, hôm 11/7, với tỷ lệ biểu quyết 93,71%, đại hội đồng cổ đông Sacombank đã thông qua đề án sáp nhập Southern Bank vào Sacombank.
Sau sáp nhập, ngân hàng dự kiến có 649 tổng số điểm giao dịch, trong đó có 112 chi nhánh và 526 phòng giao dịch trong nước và có 2 ngân hàng con cùng 9 chi nhánh ở nước ngoài; tổng nhân sự là 15.510 người.
Sacombank cho biết, dự kiến trong quý 3/2015 việc sáp nhập sẽ được Ngân hàng Nhà nước chấp thuận nguyên tắc và chính thức; sang quý 4/2015 sẽ xin lưu ký và niêm yết bổ sung cổ phiếu.
Tỷ lệ hoán đổi được xác định: 1 cổ phần của Southern Bank sẽ hoán đổi thành 0,75 cổ phần của Sacombank.
Về vấn đề xử lý nợ xấu sau sáp nhập, theo cập nhật gần đây, tỷ lệ nợ xấu của Sacombank ở khoảng 1,5%, còn của Southern Bank cuối tháng 12/2013 công bố là 3,39%.
Việc sáp nhập Southern Bank sẽ khiến dự phòng rủi ro của ngân hàng tăng, nên Sacombank dự kiến kết quả hoạt động trong 3 năm đầu sáp nhập giảm.
Cụ thể, lợi nhuận trước thuế năm 2015 khoảng 1.002 tỷ đồng (sau thuế 782 tỷ đồng), năm 2016 là 1.132 tỷ đồng (sau thuế 883 tỷ đồng) và năm 2017 đạt 1.333 tỷ đồng (1.039 tỷ đồng sau thuế), cùng giảm khá mạnh so với quy mô từ 2.800 - 3.000 tỷ đồng của Sacombank những năm gần đây.
(Theo Thời báo kinh tế Việt Nam)