Tiết kiệm online sẽ là xu hướng chính của các ngân hàng trong tương lai, thay thế dần cho các giao dịch tại quầy chi nhánh.
Cho phép phá sản ngân hàng?
- Cập nhật : 03/11/2017
Đây là điều chưa từng được quy định trong khung pháp lý hoạt động ngân hàng - tài chính nhiều năm qua.
Đây là điều chưa từng được quy định trong khung pháp lý hoạt động ngân hàng - tài chính nhiều năm qua.Nguồn ảnh: TBKTSG
Sau những buổi thảo luận và những giải trình chi tiết từng điểm của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Lê Minh Hưng về dự thảo bổ sung, sửa đổi một số điều của Luật các tổ chức tín dụng, các đại biểu Quốc hội đứng trước việc thông qua hay không một trong những vấn đề lớn của quốc gia: luật cho phép ngân hàng phá sản.
Đây là điều chưa từng được quy định trong khung pháp lý hoạt động ngân hàng - tài chính nhiều năm qua và thực tiễn cũng chưa ghi nhận một vụ phá sản ngân hàng chính thức nào trong lịch sử ngành.
Để thuyết phục tối đa các đại biểu Quốc hội, Thống đốc Lê Minh Hưng nhấn mạnh Chính phủ là người phê duyệt phương án phá sản ngân hàng. Nói cách khác ông đề nghị Quốc hội xem xét đưa chủ trương phá sản ngân hàng vào luật như một giải pháp cuối cùng khi các giải pháp khác như tái cơ cấu nhằm phục hồi; sáp nhập, hợp nhất, giải thể; chuyển giao toàn bộ không phát huy tác dụng.
Điểm này không mới, nhưng thống đốc đã nhắc lại một thực tế tồn tại từ lâu. Đó là số phận cụ thể từng ngân hàng từ trước đến nay đều do Chính phủ quyết định. NHNN trực thuộc Chính phủ và thông thường việc tái cơ cấu, hợp nhất, sáp nhập, hoặc mua bắt buộc một tổ chức tín dụng phải có ý kiến phối hợp của những bộ, ngành liên quan.
Vì sao phải phá sản?
Ngân hàng TMCP Mê Kông, Ngân hàng TMCP châu Á - Thái Bình Dương là những cái tên hiếm hoi được giải thể sau khi đã trả hết tiền gửi cho dân và doanh nghiệp, giải quyết hết mọi công nợ. Ngân hàng TMCP Việt Hoa cũng đã hoàn tất xong nghĩa vụ trả lại hết tiền cho người gửi từ nhiều năm trước nhưng đến nay về nguyên tắc, trên giấy tờ Việt Hoa vẫn còn đó.
Ngành ngân hàng Việt Nam đã chứng kiến ít nhất hai đợt củng cố, chấn chỉnh và tái cơ cấu mạnh mẽ các tổ chức tín dụng và kết quả của cả hai đợt là tiền gửi của dân cư được đảm bảo, không có ngân hàng nào phá sản, hệ thống trở nên vững chắc hơn. Liều thuốc kê đơn kinh điển của cơ quan quản lý nhằm xử lý từng trường hợp yếu kém tuy có khác nhau về mức độ, liều lượng, thời gian “điều trị”, nhưng cơ bản vẫn là các bước đặt vào tình trạng kiểm soát đặc biệt, cho vay tái cấp vốn sáu tháng một lần, áp dụng cơ chế linh hoạt để phục hồi dần.
Đến nay liều thuốc kinh điển trên vẫn còn tốt, vẫn có thể sử dụng. Tuy nhiên quy mô của các tổ chức tín dụng ngày một lớn, không chỉ về mạng lưới, nhân lực, vốn tự có, mà cả tổng vốn huy động, tổng tín dụng cấp cho nền kinh tế. Vì thế, một khi một tổ chức tín dụng nào đó có vấn đề, việc “giải cứu” nó phải huy động đồng bộ nhiều nguồn lực với quy mô tầm cỡ. NHNN, Chính phủ tuyên bố không sử dụng ngân sách nhà nước để tái cấu trúc ngân hàng, song với việc áp dụng các cơ chế ưu đãi, kể cả miễn giảm thuế về bản chất là gián tiếp dùng tiền ngân sách. Cơ chế cũng là tiền!
Nhìn từ đây đã đến lúc phải pháp luật hóa phá sản ngân hàng không chỉ bởi quy mô của các đề án tái cơ cấu đụng chạm gián tiếp đến ngân sách, đến quyền lợi của người gửi tiền cũng như tác động đến môi trường đầu tư, kinh doanh, mà còn vì sự chấp nhận những khắc nghiệt của nền kinh tế thị trường.
Những bàn tay hữu hình
Thống đốc Lê Minh Hưng, trong một lần trao đổi với người viết bài này, cho biết ông chịu không ít áp lực khi cải tổ các tổ chức tín dụng yếu kém, kể cả các cuộc điện thoại, nhưng ông luôn tin được lãnh đạo cấp trên ủng hộ vì ông công khai, minh bạch và quyết tâm tháo gỡ ách tắc, nếu có, đến cùng.
Chỉ cần Quốc hội đồng ý phê duyệt đưa quy định về phá sản ngân hàng vào Luật các tổ chức tín dụng, phần thực hiện còn lại thông qua các nghị định, thông tư hướng dẫn dưới luật mới thực sự là một cuộc “cách mạng”. Chẳng hạn một ngân hàng thua lỗ, giả dụ mất 50% vốn chủ sở hữu, những cổ đông chính sẽ phải bù đắp và khi không bù đắp được sẽ phải ra khỏi hội đồng quản trị. Số tiền họ góp vào ngân hàng có thể vẫn còn ở một mức độ nhất định, nhưng vai trò của họ ở ngân hàng đã chấm dứt.
Đi kèm theo đó, ngân hàng có thể phải giảm quy mô huy động vốn và hạn mức cấp tín dụng tương ứng với quy mô vốn tự có bị mất. Giảm quy mô huy động vốn là đơn thuốc kháng sinh liều cao vốn chưa từng được kê trong nhiệm kỳ của bất kỳ thống đốc NHNN nào từ trước đến nay. Các bàn tay kiểm soát hữu hình từ phía cơ quan quản lý sẽ có thật và nó được kỳ vọng là đủ cứng rắn để răn đe những sai phạm tiềm ẩn.
Nếu siết chặt quản lý các ngân hàng bằng những bàn tay hữu hình trên cơ sở thượng tôn pháp luật, rõ ràng phương án phá sản có thể sẽ không cần phải sử dụng đến. Mấu chốt vẫn là phải đảm bảo hài hòa quyền lợi của người gửi tiền, doanh nghiệp, sự an toàn của hệ thống và cuối cùng là cổ đông, nhà đầu tư.
Nên nhớ trước dự thảo sửa đổi bổ sung Luật các tổ chức tín dụng lần này, NHNN đã lấy xong ý kiến công luận về quy định xếp hạng tín nhiệm các ngân hàng. Cho dù việc xếp hạng tín nhiệm bước đầu chưa được công khai do độ chín muồi chưa đủ của thị trường tài chính, tiền tệ, song nó cũng là sự “báo động” cho các ngân hàng. Không có thứ gì có độ lan tỏa rộng bằng thông tin dù kín đến đâu, mà thông tin về xếp hạng tín nhiệm thường phản ánh, gắn với thực trạng các ngân hàng.
Điều đọng lại sau rốt, Thống đốc Hưng mong Quốc hội xem xét để có quy định cụ thể hơn trong luật sửa đổi, làm sao để mức chi trả tiền gửi đảm bảo cho khách hàng cao hơn 75 triệu đồng/người (tổ chức) như quy định của bảo hiểm tiền gửi. Đây có thể là dấu hiệu đầu tiên cho thấy trong tương lai dần dần NHNN sẽ không “chống lưng” tuyệt đối cho mọi ngân hàng như hiện tại và người gửi tiền sẽ phải chọn lựa tổ chức tín dụng đáng tin cậy để gửi gắm tài sản của mình, chứ không phải cứ ngân hàng nào có lãi suất tiết kiệm cao nhất!
Theo TBKTSG