Tỷ giá các ngoại tệ của Ngân hàng thương mại cổ phần Ngoại thương Việt Nam - Vietcombank
Chuyên gia “bật mí” kế sách thu hút đầu tư quốc tế cho Quảng Ninh
- Cập nhật : 25/12/2015
(Kinh te)
Việc thu hút đầu tư có thành công hay không phụ thuộc rất nhiều vào sự cụ thể hóa các dự án thu hút đầu tư của Móng Cái và Quảng Ninh.
Phỏng vấn TS. Nguyễn Anh Tuấn, Phó chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài
Ông đánh giá thế nào về thực tế tiềm năng của Móng Cái nói riêng và Quảng Ninh nói chung trong bối cảnh hiện nay?
Trước hết phải đặt Móng Cái trong tổng thể bối cảnh phát triển của đất nước và đặc biệt là của tỉnh Quảng Ninh hiện nay.
Đặc biệt, tỉnh Quảnh Ninh là một tỉnh đã thể hiện được sự năng động và đã đạt được những kết quả hết sức tích cực trong thời gian gần đây,’’
Đặt trong trong tổng thể phát triển của tỉnh Quảng Ninh tức là phải đặt quy hoạch của Móng Cái trong tổng thể 7 quy hoạch phát triển Quảng Ninh đã được Chính phủ phê duyệt và Móng Cái là một bộ phận của tỉnh Quảng Ninh.
Cho nên phải đặt nó trong một cái tổng thể như vậy để thấy được sức lan tỏa của những vùng trọng điểm như Hạ Long, Vân Đồn và Móng Cái đang có sự chuyển động của nó
Tuy nhiên, cũng phải nói để mà đạt được mục tiêu đưa ra trong bản quy hoạch phát triển của Móng Cái mà Thủ tướng Chính phủ vừa phê duyệt thì còn rất nhiều việc phải làm, mà trong đó có những việc không dễ dàng.
Chẳng hạn như làm sao để Móng Cái có thể tạo ra cơ chế đặc thù để thu hút đầu tư là những câu chuyện đòi hỏi sự vào cuộc chung tay của rất nhiều bộ, ngành thì mới có được cơ chế đặc thù.
Hay như việc phát triển các dự án đầu tư các tuyến cao tốc lớn, ngay cả theo hình thức công – tư, thì cả phần vốn công hay phần vốn tư vẫn cần phải có một sự đảm bảo nhất định về việc nó sẽ sinh lời thì mới thu hút được các nhà đầu tư tư nhân tham gia.
Cho nên, theo tôi, để thực hiện được các mục tiêu đã đưa ra trong bản quy hoạch phát triển chung đòi hỏi sự nỗ lực rất lớn của chính quyền địa phương Quảng Ninh và đặc biệt là Móng Cái trong việc thực hiện các mục tiêu cụ thể.
Còn nói về tính khả thi của bản quy hoạch phát triển Móng Cái hay các bản quy hoạch của Quảng Ninh đã công bố trước đó, nhìn chung theo tôi là có tính khả thi, tuy nhiên nó đòi hỏi sự nỗ lực lớn của địa phương và sự ủng hộ của các bộ, ngành.
Sự kiện tranh chấp trên biển Đông giữa Việt Nam và Trung Quốc đã ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động kinh tế của Móng Cái nói riêng và Quảng Ninh nói chung, đặc biệt là ảnh hưởng đến tâm lý các nhà đầu tư nước ngoài đối với các dự án đầu tư tại đây. Ông nhìn nhận như thế nào về việc này và liệu rằng có giải pháp nào để khiến các nhà đầu tư yên tâm hơn khi đầu tư vào đây?
Rõ ràng là có tác dộng về mặt tâm lý sau sự kiện này. Nhưng chúng ta cũng phải thấy là trong bối cảnh hiện nay, xu hướng hợp tác trong khu vực và toàn cầu hóa là mang tính tất yếu. Trong bối cảnh hiện nay vấn đề tranh chấp về lãnh hải, lãnh thổ hoặc xuất hiện những xung đột cục bộ trong khu vực theo dự báo sẽ vẫn tiếp tục và là vấn đề lâu dài.
Tuy nhiên, xu hướng hòa hoãn và cùng nhau hợp tác phát triển khu vực kinh tế Châu Á – Thái Bình Dương đưa nó thành một cực quan trọng của thế giới, thực tế cho thấy, đây cũng là xu hướng khó thay đổi được.
Các chính trị gia đang cố gắng làm sao để ranh giới tranh chấp lãnh hải, lãnh thổ hay những xung đột cục bộ đạt tới một ranh giới là không cho phép phá vỡ môi trường hòa bình ổn định để phát triển vì đó là cái lợi ích rất lớn của mỗi quốc gia, ngay cả Trung Quốc cũng vậy.
Những tranh chấp trên biển Đông được dự báo là sẽ kéo dài nhưng rõ ràng ở góc độ kinh tế, xu hướng hợp tác, tiến trình hội nhập cùng phát triển trong khu vực này là khó thay đổi được. Đặc biệt với vị trí của Móng Cái, nó chính là cửa ngõ của Trung Quốc – ASEAN.
Với sự hình thành cộng đồng kinh tế ASEAN, nơi đây là một cửa ngõ sẽ được đặc biệt quan tâm, những dự án mới đặc biệt là phía các ngân hàng của Trung Quốc sẽ cho vay vốn để phát triển hạ tầng, kết nối giao thông từ Vân Đồn về Móng Cái cũng nằm trong chương trình phát triển cửa ngõ của Trung Quốc vào ASEAN, một thị trường với hơn 600 triệu dân, Trung Quốc cũng nhìn thấy rõ lợi ích của họ là như vậy.
Tóm lại, sự kiện tranh chấp trên biển Đông có ảnh hưởng đển tâm lý tuy nhiên nó cũng không thể cản trở việc thu hút các nhà đầu tư ngoại vào Việt Nam.
Gần đây Quảng Ninh liên tiếp đón các dự án lớn hàng trăm triệu USD từ Trung Quốc vào đầu tư, với những động thái như vậy ông có nghĩ rằng sẽ có một làn sóng đầu tư mới mạnh mẽ hơn từ Trung Quốc vào Quảng Ninh hay Móng Cái trong tương lai gần?
Thực sự mà nói, việc thu hút đầu tư nó phụ thuộc vào sự cụ thể hóa các dự án thu hút đầu tư của Móng Cái và Quảng Ninh.
Tôi thấy có nhiều dự án tại đây mà nhiều tập đoàn trong nước và các nhà đầu tư nước ngoài ngoài Trung Quốc hoàn toàn có thể tham gia đầu tư lớn được.
Ví dụ như, lĩnh vực du lịch chẳng hạn, nhiều tập đoàn lớn của Việt Nam đã có kinh nghiệm đầu tư lĩnh vực này tại Quảng Ninh và có thể nói là họ thân thiện hơn với chính quyền Quảng Ninh như Vingroup, Sungroup, BIM group…
Không những thế, họ đang làm rất lớn tại đây và thực tế cho thấy, họ đủ sức để phát triển các đại dự án du lịch ở tầm cỡ quốc tế.
Cho nên, theo tôi, những dự án đó sẽ thuộc về các tập đoàn của Việt Nam nếu như nó thực sự mang lại hiệu quả đầu tư.
Còn các dự án về xây dựng, kết cấu hạ tầng giao thông thì sẽ có câu chuyện: Sự tham gia của các nhà thầu Trung Quốc có lẽ sẽ khó tránh khỏi khi mà vốn đầu tư từ Trung Quốc.
Hay như các dự án đầu tư về dệt may từ Trung Quốc, Đài Loan, Hồng Kông… họ có thế mạnh trong việc sản xuất nguyên phụ liệu cho ngành này, việc liên tục các dự án dệt may đăng ký đầu tư vào Quảng Ninh hay các địa phương khác chính là mục tiêu đón đầu các Hiệp định thương mại sắp có hiệu lực chính thức.
Với sự có mặt của nhiều dự án lớn trong lĩnh vực dệt may như vậy, có thể giúp cho cán cân xuất nhập khẩu Việt Nam – Trung Quốc cân bằng hơn bởi lẽ có một số nguyên phụ liệu nhiều khả năng sẽ được sản xuất tại Việt Nam.
Đó là những định hướng mà tôi nghĩ Móng Cái và tỉnh Quảng Ninh rất nên nghiên cứu tập trung, không chỉ các dự án may mặc mà cả những dự án sản xuất linh phụ kiện cho ngành dệt may cũng đáng quan tâm.
Cho nên theo tôi, nói làn sóng từ Trung Quốc đổ bộ vào Quảng Ninh hay Móng Cái thì cũng khó với lại cũng không nên, bởi lẽ nên cân bằng các đối tác đầu tư chiến lược của chúng ta như Nhật Bản, Hàn Quốc và đặc biệt là Mỹ. Cơ hội đầu tư nào các nhà đầu tư nước ngoài mạnh thì chính quyền nên tập trung thu hút họ.
Xin cảm ơn ông!