Người dân đem vàng miếng SJC một chữ đi bán bị SJC và các doanh nghiệp trừ tiền, trong khi NHNN vẫn khẳng định không phân biệt vàng một chữ hay hai chữ số và người dân nên bình tĩnh kẻo mất tiền oan.
Bức xúc vì bán vàng SJC không được
- Cập nhật : 30/12/2015
(Tin Kinh Te)
Nhiều bạn đọc bức xúc trước việc Công ty SJC ngừng mua vàng một chữ, móp méo, cong vênh…
Những ngày gần đây, xung quanh câu chuyện vàng miếng SJC một chữ số, móp méo, cong vênh… bị từ chối mua tạo nên nhiều ý kiến trái chiều.
Nhiều bạn đọc cho rằng Ngân hàng Nhà nước (NHNN) phải đứng ra giải quyết tình trạng trên, tránh thiệt thòi cho người dân vì đây là hậu quả của chính sách tạo ra cơ chế độc quyền cho SJC.
Bán ngay bây giờ sẽ chịu thiệt
Khảo sát thực tế cho thấy thị trường vàng vẫn diễn ra khá trầm lắng. Nhiều người cho biết họ lo lắng sau khi Công ty SJC tạm ngưng mua vàng miếng một chữ, móp méo, vênh. Nhiều người còn cho hay một số tiệm vàng vẫn mua lại dạng miếng vàng SJC trên nhưng với giá rất thấp hoặc không mua.
Lý giải về điều này, một chủ tiệm vàng trên đường Lê Văn Sỹ, quận 3, TP.HCM cho hay tiệm vàng không được cấp phép kinh doanh vàng miếng, chỉ được kinh doanh vàng nữ trang nên không dám mua vàng miếng. Vàng SJC móp méo, cong vênh cũng không dám mua.
“Bởi những dạng vàng trên cũng là vàng miếng. Hơn nữa, mua vàng miếng để làm ra vàng nhẫn thì phải chịu lỗ 3-4 triệu đồng/lượng” - chủ tiệm này nói thêm.
Trước đó, trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, đại diện Công ty SJC giải thích vàng móp méo, cong vênh, một chữ… trước đó vẫn được công ty mua vào bình thường. Điều này khiến số lượng loại vàng trên đang bị tồn đọng lớn trong kho, nếu tiếp tục mua vào thì rất khó khăn trong việc cân đối tài chính.
Đề cập đến vấn đề trên, ông Nguyễn Văn Dưng, Chủ tịch Hội Mỹ nghệ Kim hoàn Đá quý TP.HCM, cho rằng Công ty SJC không phải là đơn vị độc quyền trong tình huống này.
“Thời gian qua SJC vẫn mua vàng một chữ số, vàng móp méo… Tuy nhiên, khách hàng lại không chịu mua loại vàng này mà chỉ thích mua vàng miếng SJC hai chữ số dập sau này. Bản thân SJC cũng là một doanh nghiệp nên họ không thể tiếp tục thu mua vào loại vàng trên khi mua vào mà không thể bán ra” - ông Dưng phân tích.
Theo ông Nguyễn Hoàng Minh, Phó Giám đốc NHNN Chi nhánh TP.HCM, hạn mức gia công loại vàng miếng một chữ, cong vênh, móp méo… trong năm 2015 của SJC là 65.000 lượng nhưng đơn vị này đã sử dụng hết “quota”. SJC đang xin hạn mức bổ sung cho năm nay 4.000 lượng. Trước đó, năm 2014, SJC đã gia công 50.000 lượng vàng móp méo.
“SJC cũng đã đề nghị xin hạn mức gia công dạng vàng trên với tổng số 60.000 lượng trong năm 2016. Đề nghị của SJC đã được chúng tôi trình lên trung ương xem xét” - ông Minh cho biết thêm.
Trước diễn biến này, một chuyên gia khuyến cáo tạm thời những người đang có vàng SJC một chữ, móp méo chưa nên bán vội. Bởi dự báo NHNN sẽ cấp phép để cho dập lại số vàng này và các điểm được phép mua bán vàng miếng sẽ mua lại.
Độc quyền sản xuất vàng miếng
Nghị định 24/2012/NĐ-CP của Chính phủ về quản lý hoạt động kinh doanh vàng quy định Nhà nước độc quyền sản xuất vàng miếng, xuất khẩu vàng nguyên liệu và nhập khẩu vàng nguyên liệu để sản xuất vàng miếng. Chính phủ cũng giao cho NHNN thay mặt Chính phủ thống nhất quản lý các hoạt động kinh doanh vàng theo quy định.
Nghĩa là không tổ chức, cá nhân nào, kể cả Công ty SJC được quyền sản xuất vàng miếng. SJC chỉ được gia công nếu có sự cấp phép của NHNN theo từng đợt. Điều này cũng có nghĩa vàng miếng SJC do NHNN độc quyền sản xuất.
Lý giải về tính chất độc quyền trên, NHNN cho rằng đây là biện pháp quan trọng để kiểm soát chặt chẽ hoạt động sản xuất vàng miếng, lượng cung vàng miếng trên thị trường. Qua đó ngăn chặn tình trạng sản xuất vàng miếng từ vàng nguyên liệu nhập lậu cũng như tạo điều kiện để kiểm soát vàng nhập lậu, góp phần ổn định tỉ giá, thị trường ngoại tệ và kinh tế vĩ mô.
Nhiều chuyên gia nhận định sau khi thực hiện Nghị định 24 cho thấy từ năm 2013 đến nay tình trạng mất cân đối về cung-cầu vàng miếng trên thị trường không còn xảy ra. Thị trường vàng đã chuyển biến tích cực, không còn những cơn sốt vàng như những năm 2011-2012.
Không được để dân thiệt thòi!
Tuy vậy, một số chuyên gia cũng cho rằng NHNN đã “thâu tóm” quyền quản lý, kiểm soát thị trường vàng, do vậy không thể từ chối trách nhiệm bình ổn thị trường vàng. Cụ thể trong trường hợp này là không được để xảy ra tình trạng người dân muốn bán vàng một chữ, móp méo, cong vênh... nhưng không được.
TS Ngô Trí Long, chuyên gia tài chính, người có nhiều năm nghiên cứu về thị trường vàng, băn khoăn tại sao một đất nước lại chỉ có một thương hiệu vàng độc quyền.
“Trên thế giới chưa trường hợp nào chỉ cho duy trì một thương hiệu vàng và độc quyền sản xuất vàng miếng. Tại nhiều nước, mỗi ngân hàng trung ương có tối thiểu 3-4 thương hiệu vàng, mỗi ngân hàng thương mại, doanh nghiệp lại có thương hiệu vàng của riêng mình” - ông Long nói.
Vàng là loại ngoại tệ đặc biệt có vai trò quan trọng trong điều hành chính sách tiền tệ quốc gia, là nguồn dự trữ ngoại tệ. Theo thông lệ, nguyên tắc tính giá trị của vàng dựa vào tuổi vàng.
Từ đó ông Long phân tích: “Chúng ta thực hiện chống vàng hóa nền kinh tế nhưng phải tôn trọng giá trị của vàng. Những trầy xước, móp méo, cong vênh của vàng chỉ là hình thức bên ngoài, có thể gia công, làm mới. Còn giá trị cốt lõi của vàng là tuổi vàng và chất lượng bên trong của sản phẩm. Do vậy nếu các doanh nghiệp lấy cái lỗi hình thức để từ chối giao dịch mua bán là sai quy định. Đây là cách làm cực đoan và gây thiệt hại cho người dân”.
Điều này, theo TS Long còn dẫn đến tình trạng những người có vàng lại không được thừa nhận tài sản của mình và đó cũng là tài sản quốc gia bị “loại” ra khỏi thị trường. “Vì vậy Nhà nước và các doanh nghiệp kinh doanh vàng cần phải thu mua các loại vàng móp méo bình thường bởi hình thức không ảnh hưởng đến giá trị miếng vàng” - ông Long nêu quan điểm.
Nhiều bạn đọc cũng đề nghị NHNN nên có hướng xử lý sớm số vàng cong vênh mà SJC đã thu mua từ người dân thời gian qua, tránh gây thiệt thòi cho người dân.
Vàng tiếp tục tuột dốc
Sáng 29-12, giá vàng SJC mua vào chỉ còn 32,51 triệu đồng/lượng, bán ra 32,9 triệu đồng/lượng. Trong khi đó vàng thế giới hiện giao dịch quanh ngưỡng 1.073 USD/ounce, tương đương 30,4 triệu đồng/lượng. Chênh lệch giữa giá vàng trong nước và giá vàng thế giới trên 3,5 triệu đồng/lượng.
Với mức giá trên, vàng thế giới đã chạm vùng thấp nhất tính từ năm 2010 đến nay.
Những lỗi như cong vênh, méo mó, móp méo… chỉ là hình thức bên ngoài do khâu bảo quản, chứ giá trị vàng không mất đi. Vàng vẫn là vàng. Do vậy người dân không nên bán tống bán tháo vàng trong thời điểm này để dẫn đến cảnh bị ép giá, thiệt thòi về giá trị.
TS NGÔ TRÍ LONG
YÊN TRANG - TRÀ PHƯƠNG
Theo PLO.VN