Giá vàng SJC mới nhất từ công ty Vàng Bạc Đá Quý Sài Gòn - SJC
4 nhiệm vụ trọng tâm Thủ tướng đề ra cho ngành Ngân hàng
- Cập nhật : 26/04/2016
(Tin kinh te)
Tiếp tục đẩy mạnh cơ cấu lại toàn diện các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu quyết liệt, hiệu quả là một trong 4 trọng tâm được Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đề ra cho ngành Ngân hàng.
Sáng 26/4, tại Hà Nội, ngành Ngân hàng Việt Nam tổ chức lễ mít tinh kỷ niệm 65 năm thành lập ngành Ngân hàng Việt Nam (6/5/1951 - /5/2016) và đón nhận Huân chương Hồ Chí Minh.
Tới dự và phát biểu tại lễ kỷ niệm, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc biểu dương những thành tích của ngành Ngân hàng trong suốt 65 năm qua. Thời gian qua, ngành Ngân hàng đã đạt được những kết quả quan trọng, góp phần kiểm soát lạm phát, điều hành linh hoạt lãi suất và tỷ giá, ổn định kinh tế vĩ mô, duy trì tăng trưởng hợp lý; đẩy mạnh tái cơ cấu, từng bước thiết lập trật tự kỷ cương, nâng cao hiệu quả hoạt động, bảo đảm an toàn hệ thống; tạo nền tảng phát triển bền vững thời gian tới. Thủ tướng mong muốn ngành Ngân hàng tiếp tục đổi mới mạnh mẽ, chủ động, linh hoạt và sáng tạo, nỗ lực phấn đấu thực hiện tốt các chức năng, nhiệm vụ được giao.
Thủ tướng nêu ra 4 nhóm nhiệm vụ trọng tâm mà ngành Ngân hàng cần tập trung thực hiện tốt trong thời gian tới.
Một là, tiếp tục hoàn thiện thể chế, nâng cao năng lực và hiệu quả chỉ đạo điều hành. Theo dõi, dự báo sát tình hình kinh tế trong và ngoài nước. Điều hành linh hoạt các công cụ của chính sách tiền tệ, phối hợp chặt chẽ với chính sách tài khoá và các chính sách khác, kiểm soát lạm phát theo mục tiêu đề ra, bảo đảm giá trị đồng tiền Việt Nam, duy trì mặt bằng lãi suất hợp lý, ổn định thị trường ngoại tệ, giảm dần tiến tới chấm dứt tình trạng đô la hoá, tăng dự trữ ngoại hối.
Hai là, tiếp tục đẩy mạnh cơ cấu lại toàn diện các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu quyết liệt, hiệu quả theo lộ trình và nâng cao chất lượng tín dụng; chủ động thực hiện hoặc đề xuất cấp có thẩm quyền những quyết sách phù hợp về tái cơ cấu, xử lý nợ xấu, giải phóng nguồn vốn tín dụng phục vụ phát triển KT-XH. Tập trung nâng cao năng lực tài chính, quản trị ngân hàng và hiệu quả hoạt động, chú trọng các biện pháp phòng ngừa và xử lý rủi ro của các tổ chức tín dụng, từng bước tiếp cận chuẩn mực quốc tế; đồng thời tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát, xử lý nghiêm các vi phạm, bảo đảm an toàn hệ thống. Tích cực thực hiện các giải pháp phát triển mạnh hệ thống thanh toán qua ngân hàng, hạn chế sử dụng tiền mặt, góp phần tăng cường minh bạch, phòng chống tham nhũng, rửa tiền.
Ba là, tập trung làm tốt hơn nữa cải cách thủ tục hành chính, đơn giản hoá quy trình, hồ sơ, thủ tục vay vốn, hỗ trợ và tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệptiếp cận và sử dụng vốn tín dụng hiệu quả. Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo các tổ chức tín dụng triệt để tiết giảm chi phí, bảo đảm lãi suất cho vay phù hợp, tập trung vốn tín dụng cho những lĩnh vực ưu tiên; tăng cường phối hợp với các bộ, ngành, địa phương tổ chức đối thoại thường xuyên, thực chất với các hiệp hội, cộng đồng doanh nghiệp, khách hàng để cùng tháo gỡ kịp thời những khó khăn, vướng mắc trong sản xuất kinh doanh, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
Bốn là, tiếp tục triển khai có hiệu quả Nghị quyết Trung ương 4 (khoá XI) về xây dựng Đảng và Chỉ thị 03 của Bộ Chính trị về học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, phấn đấu xây dựng đội ngũ cán bộ ngành Ngân hàng vững vàng về tư tưởng chính trị, có tư duy đổi mới, có phẩm chất, năng lực, tính chuyên nghiệp cao, đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá và hội nhập quốc tế.
Tại buổi lễ, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Lê Minh Hưng khẳng định ngành Ngân hàng sẽ tiếp tục đoàn kết một lòng, dưới sự lãnh đạo của Đảng, sáng tạo, hăng hái thi đua, phấn đấu hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được Đảng, Nhà nước và nhân dân giao phó.
Như Chính
(Theo Báo Đầu Tư)