Đồng USD tiếp tục suy giảm so với euro và yên Nhật, song lại lên giá so với hầu hết các đồng tiền chủ chốt khác trong phiên giao dịch cuối tuần (kết thúc vào rạng sáng nay 5/9 – giờ Việt Nam). Hiện 1 USD đổi được 0,8969 EUR; 118,9900 JPY; 0,6592 GBP; 0,9714 CHF…
Thế giới đã sẵn sàng cho đợt tăng lãi suất của Fed?
- Cập nhật : 04/09/2015
(Tin kinh te)
Lãnh đạo của các NHTW trên khắp thế giới đang nói với những người đồng cấp ở Mỹ biết rằng họ đã sẵn sàng cho đợt tăng lãi suất sắp tới của Fed và Fed có thể làm điều đó mà không cần phải trì hoãn thêm nữa.
Trong cuộc hội nghị ngân hàng trung ương toàn cầu diễn ra vào tuần trước ở Jackson Hole, thông điệp mà các vị khách đưa ra là Fed không loại trừ khả năng thực hiện những bước đầu tiên trong lộ trình thắt chặt tiền tệ vào cuộc họp giữa tháng 9 và sau một năm tăng giá của đồng USD, các thị trường tài chính toàn cầu hiện đã sẵn sàng cho quyết định của Fed.
Hội nghị ở Jackson Hole diễn ra ngay sau khi thị trường tài chính thế giới có một tuần trồi sụt bất thường với các chỉ số đồng loạt "lao dốc không phanh" vào đầu tuần vì lo ngại tình hình suy thoái ở Trung Quốc, nhưng sau đó lại phục hồi ở mức cao hơn vào cuối tuần. Những phát biểu của các quan chức Fed rằng lãi suất có thể tăng vào tháng 9 được cho là cũng vì những biến động trên.
Tuy nhiên, đối với Agustin Carstens, người đứng đầu ngân hàng trung ương Mexico, một đợt tăng lãi suất mới từ “người hàng xóm” sẽ là dấu hiệu khuyến khích cho nền kinh tế, dù rằng nó buộc Mexico cũng phải tăng lãi suất trong những ngày sau đó. "Nếu Fed có những biện pháp thắt chặt tiền tệ, thì đó sẽ là do lạm phát đang tăng lên, nhưng quan trọng hơn là thất nghiệp sẽ giảm và kinh tế sẽ hồi phục. Đối với chúng tôi, đó là một tin rất tốt, " Carstens nói với hãng tin Reuters.
Mặc dù Yao Yudong, người đứng đầu Viện nghiên cứu tài chính và ngân hàng thuộc Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc, tuần trước đã đổ lỗi cho Fed về những hỗn loạn trên thị trường và cho rằng Mỹ nên hoãn lại việc tăng lãi suất, nhưng hầu hết các lãnh đạo của những ngân hàng trung ương ở các thị trường mới nổi đều có cùng quan điểm với Carstens.
Như vậy là sau 6 năm nằm ở mức đáy, lãi suất của Mỹ nhiều khả năng sẽ “khơi dậy” một làn sóng điều chỉnh mới vì các quốc gia sẽ phải đối mặt với một đồng USD thậm chí mạnh hơn, cũng như các dòng vốn sẽ chảy ra khỏi một số thị trường mới nổi và những thay đổi về giá cả của một số hàng hóa. Tuy nhiên, với các nhà làm chính sách, điều này có thể mang lại nhiều thứ tốt hơn so với những khó khăn đó.
Các tác động từ những đồng tiền “dễ dàng” của Fed đã được cảm nhận ở những quốc gia như Chile và Thụy Sĩ. Lạm phát hàng năm ở Chile luôn cao hơn so với mục tiêu đưa ra của ngân hàng trung ương nước này là từ 2% đến 4%. Còn ở Thụy Sĩ, ngân hàng trung ương buộc phải giữ lãi suất ở mức âm vì trước đây họ đã dỡ bỏ mức trần của đồng franc, khiến giá trị đồng tiền này tăng vọt và tạo ra gánh nặng đáng kể cho một nền kinh tế vốn dựa vào xuất khẩu.
Hai năm chuẩn bị
Những xu hướng đó đã bắt đầu khoảng hai năm qua, khi chủ tịch của Fed khi ấy là Ben Bernanke đã khởi xướng một đợt tăng lãi suất trái phiếu toàn cầu khi ông ngụ ý rằng ngân hàng trung ương chuẩn bị giảm quy mô chương trình mua trái phiếu của mình.
Hai năm sau đó, các quan chức của Fed nói rằng sự không ổn định là không thể tránh khỏi khi có thay đổi trong chính sách. “Đối với các thị trường mới nổi, những nền kinh tế nhỏ hơn, họ thường sẽ tìm kiếm một đồng tiền yếu hơn. Vì thế, từ quan điểm của họ, một bước đi thắt chặt tiền tệ của Fed có thể sẽ giúp làm yếu đồng nội tệ của họ và giúp họ làm được những gì mà họ muốn,” James Bullard, chủ tịch của ngân hàng dự trữ St. Louis, nói.
Dĩ nhiên cũng có những người phản đối đợt tăng lãi suất này, mà đáng chú ý nhất là ngân hàng trung ương Trung Quốc và Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF). Họ luôn yêu cầu Fed hoãn lại việc tăng lãi suất cho đến khi kinh tế thế giới mạnh hơn.
Nhưng tại hội nghị ở Jackson Hole, ngay cả những người thường chỉ trích Fed cũng nói rằng đã đến lúc tăng lãi suất. “Đó là một sự kiện đã được dự báo từ lâu. Đến lúc nào đó nó phải diễn ra, mọi người đều biết rằng nó phải xảy ra - nhưng hãy chọn đúng thời điểm,” thống đốc ngân hàng dự trữ Ấn Độ Raghuram Rajan phát biểu tại hội nghị.
Phát biểu đó cũng nhận được sự ủng hộ từ Nhật Bản, Hàn Quốc và Indonesia. Khi được hỏi là liệu Fed có nên tăng lãi suất trong tháng 9 này không, phó thống đốc ngân hàng trung ương Indonesia Mirza Adityaswara nói rằng: “Càng chắc chắn xảy ra thì càng tốt.”
Một nhà làm chính sách cao cấp xin giấu tên của Hàn Quốc cũng ủng hộ quan điểm trên. “Một đợt tăng lãi suất vào một thời điểm đã được mong chờ trước sẽ là tốt hơn vì nó sẽ xóa tan những sự nghi ngờ và cũng có nghĩa rằng hồi phục kinh tế của Mỹ đang được xem là bền vững,” ông nói.