Ngày 26/8, Bộ Thương mại, Công nghiệp và Năng lượng Hàn Quốc thông báo đang nỗ lực đạt mục tiêu thu hút 20 tỷ USD đầu tư trực tiếp của nước ngoài (FDI) trong năm nay.
Indonesia giữ nguyên lãi suất chuẩn để bảo vệ đồng rupiah
- Cập nhật : 26/08/2015
(Tin kinh te)
Ngân hàng trung ương Indonesia quyết định giữ nguyên mức lãi suất chuẩn 7,5%, duy trì liên tục trong 6 tháng qua nhằm duy trì sự ổn định của đồng nội tệ rupiah.
Ngân hàng trung ương Indonesia (BI) đã quyết định giữ nguyên mức lãi suất chuẩn 7,5%, duy trì liên tục trong sáu tháng qua nhằm hỗ trợ đồng nội tệ rupiah.
Ngoài ra, BI cũng duy trì mức lãi suất cho vay 8% và lãi suất tiền gửi là 5,5%.
Mặc dù BI đã có nhiều biện pháp nhằm duy trì sự ổn định của đồng rupiah, song thời gian qua, giá trị đồng rupiah đã liên tục sụt giảm gây nhiều lo ngại tại nước này.
Cuối tuần qua, đồng rupiah đã giảm xuống mức xấp xỉ 13.970 rupiah/USD, mức thấp nhất trong vòng 17 năm qua.
Nguyên nhân là do đồng rupiah phải chịu áp lực rất lớn từ quyết định giảm giá trị đồng nhân dân tệ của Trung Quốc trước đó một tuần.
Theo Bộ trưởng Tài chính Indonesia Bambang Brodjonegoro, chính phủ và Ngân hàng trung ương đã phối hợp chặt chẽ nhằm duy trì biên độ của đồng rupiah trong tầm kiểm soát do đồng tiền này đang chịu áp lực từ các yếu tố toàn cầu.
Ông cũng cho biết không chỉ đồng rupiah chịu những tác động này, mà hầu hết đồng tiền của các quốc gia khác cũng đang bị tác động bởi những yếu tố nói trên.
Ông Brodjonegoro cũng chỉ ra rằng Chính phủ Indonesia đã rất nỗ lực để duy trì sự ổn định của đồng rupiah.
Trong bối cảnh ảnh hưởng của khủng hoảng toàn cầu đang lan rộng, BI đã đưa ra ba chiến lược ngắn hạn để duy trì sự ổn định của đồng rupiah gồm tăng cường sự quản lý đối với khả năng thanh toán bằng tiền mặt trên thị trường tài chính, tăng cường nguồn cung-cầu ngoại tệ và tăng cường dự trữ ngoại tệ.
Ngoài ra, BI đã ban hành 7 biện pháp hỗ trợ đồng rupiah, gồm can thiệp vào thị trường ngoại tệ để quản lý tính không ổn định của đồng rupiah; mua trái phiếu trong nước tại thị trường thứ cấp; thực hiện hoạt động thị trường công khai; điều chỉnh tần suất về trao đổi ngoại tệ từ 2 lần/tuần xuống còn 1 lần/tuần.
Bên cạnh đó, BI cũng thay đổi cơ chế đấu giá của tiền gửi bằng ngoại tệ có thời hạn từ mức bỏ thầu có thể thay đổi thành mức bỏ thầu cố định, điều chỉnh giá và nới thời hạn phải thanh toán lên 3 tháng; giới hạn mỗi người chỉ được mua tối đa 25.000 USD/tháng thay vì 100.000 USD/tháng như trước đây; phối hợp với chính phủ và các ngân hàng trung ương khác để tăng cường dự trữ ngoại tệ./.