Theo đánh giá của một lãnh đạo ngân hàng uy tín, mô hình kinh doanh bảo hiểm qua ngân hàng sẽ phát triển mạnh ở Việt Nam bởi đây là thị trường tiềm năng và bản thân mô hình này mang lại nhiều giá trị cộng hưởng cho khách hàng.
Tỷ giá VND/USD tăng kịch trần: “Ngân hàng Nhà nước nên thay đổi tư duy”
- Cập nhật : 15/12/2015
(Tai chinh)
Trao đổi với chúng tôi, ông Huỳnh Thế Du, Giám đốc Đào tạo Chương trình giảng dạy kinh tế Fulbright, bình luận Ngân hàng Nhà nước nên thay đổi tư duy, việc phá giá VND làm cho doanh nghiệp tốt lên.
“Đáng nhẽ vào thời điểm tháng 8 vừa qua, khi Trung Quốc phá giá đồng Nhân dân tệ, Ngân hàng Nhà nước quyết đoán mạnh dạn điều chỉnh cao hơn khoảng 3 - 4% để tạo lợi thế cho xuất khẩu và tốt cho doanh nghiệp, đừng bán ngoại tệ ra”, ông Du bình luận.
Chiều qua, ngày 14/12 giá USD tại nhiều ngân hàng thương mại như Techcombank, Eximbank đã chính thức được đẩy lên mức giá trần là 22.547 đồng/USD mà Ngân hàng Nhà nước đưa ra trong lần điều chỉnh gần đây nhất, ngày 19/8.
Bình luận về hiện tượng này, trao đổi với chúng tôi, TS. Trương Văn Phước, Phó chủ tịch Ủy ban giám sát tài chính quốc gia, cho rằng đó là tâm lý của thị trường trước khả năng tăng lãi suất USD của Cục dự trữ liên bang Mỹ (FED).
“Trong thứ 4 tuần này, tức ngày 15 - 16/12, FED sẽ họp với dự báo tăng lãi suất khoảng 0,25%. Thực ra dự báo tăng lãi suất của FED có cả năm nay rồi chứ không phải mới tuần này. Cho nên tâm lý thị trường là chờ đợi hoài và tuần này tăng thì họ đẩy giá lên. Xét yếu tố thị trường vẫn như vậy thôi, không có vấn đề gì cả”, TS. Phước nhận định.
"Không có chuyện tỷ giá sẽ điều chỉnh lúc này"
TS. Phước cho rằng thời điểm này NHNN sẽ không điều chỉnh tỷ giá. Trong năm 2015, NHNN đã nới biên độ, tăng tỷ giá rồi.
“Công việc bây giờ là chờ đợi xem diễn tiến của lãi suất USD, phản ứng của thị trường thế giới thế nào thì chúng ta sẽ tính tiếp”, TS. Phước nhận định.
Theo ông Phước, việc FED chuẩn bị tăng lãi suất, đã gợi nhớ cho thị trường về việc đồng VND có thể bị mất giá. Tuy nhiên, chúng ta cần phải nhìn diễn biến của đồng USD, mặc dù trong năm 2015 đã tăng 5% nhưng mấy hôm nay đã giảm giá, nếu so với đồng Yen của Nhật (JYP) thì trước đây là 1 USD đổi 124 JPY, nay giảm xuống còn 1 USD đổi 120 JPY…
Còn một yếu tố tác động tới tỷ giá của Việt Nam đó là dự báo của IMF khi đồng Nhân dân tệ sẽ vào rổ tiền tệ vào ngày 1/10/2016 tới sẽ bị mất giá khiến cho tâm lý kỳ vọng của thị trường cũng tăng lên.
Cái mới ở đây, theo ông Phước, đó là việc ngày 11/12 vừa qua, Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc đưa ra chỉ số tiền tệ của họ, còn gọi là Yuan Index và cũng giống như Mỹ đưa ra một chỉ số tiền tệ là Dollar Index.
Chỉ số đồng Yuan gồm có 13 đồng tiền gồm đồng Euro chiếm 21,4%, đồng Yên Nhật (JPY) chiếm 14,7%, đồng USD, đồng dollar Hồng Kông, dollar Úc, dollar Newzealand, dollar Singarpore, đồng Franc của Thụy Sỹ (CHF), đồng Ringgit của Malaysia, đồng Rúp của Nga (RUB)… với những tổng số khác nhau nhưng tỷ lệ nhỏ. Chủ yếu là đồng USD, JPY, Euro, dollar Hồng Kông, dollar Úc là có tỷ lệ cao.
“Hàm ý của chỉ số tiền tệ này là Trung Quốc muốn hướng quan sát, suy diễn của mình rằng đồng Nhân dân tệ không phải mất giá với đồng USD mà cần phải tính một cách rất cân đối trong một cái rổ tiền tệ. Điều này cho phép đồng Nhân dân tệ có thể mất giá hơn nữa. Chúng ta đều biết kinh tế Trung Quốc phát triển và đồng tiền của họ phản ánh lại tương quan đối với thương mại của nhiều quốc gia trên thế giới”, ông Phước phân tích.
Cùng quan điểm, PGS. TS. Đặng Ngọc Đức, Viện trưởng Viện Ngân hàng tài chính, Đại học Kinh tế Quốc dân, cho rằng NHNN sẽ không điều chỉnh tỷ giá vào thời điểm này, ít nhất là cho đến hết năm dương lịch.
“Có nhiều lý do khiến NHNN không điều chỉnh tỷ giá thời điểm này. Thứ nhất, theo lịch dương chỉ còn 2 tuần nữa. Thứ hai là vì lý do đã cam kết không phá giá tiền đồng nữa. Thời gian còn lại của năm cũng sắp hết rồi nên điều chỉnh nhanh chậm vài ngày không có ý nghĩa lắm. Quan trọng hơn, đây không phải là giai đoạn cấp thiết của thị trường về nhu cầu ngoại tệ mà là do tâm lý thị trường. Điều hành tỷ giá, vấn đề tâm lý thị trường rất quan trọng. Nếu xuất hiện tin đồn thì tỷ giá sẽ tăng”, ông Đức nhận định.
Đồng tiền yếu rất cần với Việt Nam
Ông Huỳnh Thế Du cho rằng, Việt Nam đang có một quan điểm chi phối đó là “khái niệm mạnh”. Có thể hiểu là mọi thứ trong nền kinh tế phải mạnh, đồng tiền phải mạnh.
“Thực tế lại khác, khái niệm mạnh có thể hiểu mọi thứ trong nền kinh tế đều phải mạnh, trừ đồng tiền. Đồng tiền trong nước mà mạnh thì sẽ ảnh hưởng tới sức cạnh tranh của nền kinh tế, đặc biệt là nước đang phát triển. Tuy nhiên, đồng tiền đừng có bất ổn quá, điều chỉnh liên tục”, ông Du phân tích.
Ông Huỳnh Thế Du cho rằng khi đồng tiền mất giá và yếu đi thì sẽ tốt hơn cho nền kinh tế. “Rất khó nói là cần phải điều chỉnh bao nhiêu trong lúc này. Nhưng quay lại thời điểm tháng 8, khi Trung Quốc phá giá đồng Nhân dân tệ, nếu lúc đó NHNN phá giá thêm 2 - 3% nữa thì tốt. Có nghĩa mức phá giá cần cao hơn trong thời điểm đó nhưng đừng để mức độ mất giá tiền VND lên mức 10% thì sốc cho nền kinh tế. Tuy nhiên, những người trực tiếp tham gia điều hành nền kinh tế lại nghĩ đồng tiền mạnh là tốt”, ông Du nhìn nói.
Để chứng minh tác động của đồng tiền mạnh, yếu đối với nền kinh tế, ông Du đã chỉ ra hai câu chuyện. Câu chuyện thứ nhất là thời điểm thập niên 90 của Việt Nam và Trung Quốc. Mọi người đều nói là Việt Nam và Trung Quốc đôi khi có suy nghĩ giống nhau. Nhưng thời điểm đó, Trung Quốc đã để đồng tiền yếu nhằm tạo lợi thế cho xuất khẩu, còn Việt Nam duy trì đồng tiền mạnh. Kết quả là bây giờ Trung Quốc đã trở thành một nước có nền kinh tế phát triển và đứng 2 hai trên thế giới về GDP.
Câu chuyện thứ hai là đồng JPY của Nhật sau thế chiến thứ 2. Thời điểm đó nền kinh tế Nhật đang bị Mỹ chi phối. Để phát triển nước Nhật, Mỹ đã buộc Nhật phải phá giá đồng JYP xuống 360 JPY đổi 1 USD. Thời điểm đó tỷ giá đang là 1 USD đổi 120 JPY. Người Nhật lúc đó có cảm giác như bị sỉ nhục. Tuy nhiên, nhờ việc phá giá đồng JPY lúc đó đã giúp vô cùng lớn cho nền kinh tế Nhật phát triển.
“Trung Quốc hay Nhật cũng như thế, họ đều có thời gian giữ đồng tiền trong nước yếu để giúp xuất khẩu tốt lên. Còn Việt Nam làm ngược lại, luôn giữ cho đồng tiền mạnh, điều đó làm cho ảnh hưởng đến cạnh tranh trong nước, kể cả sản xuất trong nước và xuất khẩu. Khi việc bán hàng trong nước cũng đã kém thế cạnh tranh so với hàng nhập khẩu thì khi xuất ra bên ngoài thì càng kém thế cạnh tranh”, ông Du bình luận.
Theo ông Du, NHNN nên thay đổi tư duy, việc phá giá tiền VND làm cho doanh nghiệp tốt lên. Cần hạn chế nhập khẩu. “Nhập khẩu để làm gì? Quan trọng nhất là vấn đề giá trị gia tăng thu được và vùng nguyên liệu trong nước. Việc cản trở nhập khẩu sẽ tốt cho sản xuất trong nước”, ông Du nhấn mạnh.
Một vấn đề nữa được ông Du chỉ ra, đó là lo ngại của Việt Nam khi phá giá VND sẽ làm cho nợ công cao ngất ngưỡng. Mọi người nhìn rất cơ học. Ví như tổng nợ ngoại tệ của nền kinh tế là 100 tỷ USD, tính tỷ giá 22.000 đồng/USD thì tổng nợ tính theo tiền VND chỉ khoảng 200.000 tỷ đồng. Nhưng nếu tỷ giá tăng lên, thì tổng nợ tính theo tiền VND sẽ tăng rất cao.
“Vấn đề rất đơn giản là Việt Nam cần phải nghĩ xem làm gì để có thể kiếm được 100 tỷ USD để trả nợ chứ không phải là việc quy đổi ra tiền VND. Với quan điểm như vậy, lúc đó tỷ giá VND/USD là 23.000 đồng/USD sẽ dễ kiếm 100 tỷ USD hơn ở mức 22.000 đồng/USD, tỷ giá 26.000 đồng/USD sẽ dễ kiếm 100 tỷ USD hơn 23.000 đồng/USD”, ông Du phân tích.
Với quan điểm duy trì đồng tiền yếu, ông Huỳnh Thế Du còn cho rằng sau khi điều chỉnh tỷ giá dòng vốn nước ngoài đổ vào Việt Nam sẽ tăng lên.