Các chuyên gia cảnh báo, những rủi ro trong việc đầu tư cho đồng tiền ảo Onecoin là rất rõ ràng.
Nguyên Thống đốc Lê Đức Thúy đang làm gì ở Eximbank?
- Cập nhật : 15/12/2015
(Tai chinh)
Không chỉ tranh cãi “nảy lửa” về nhân sự HĐQT, cổ đông Ngân hàng TMCP Xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank) còn chất vấn cả việc vì sao mời ông Lê Đức Thúy, nguyên Thống đốc Ngân hàng Nhà nước về làm cố vấn mà kết quả kinh doanh vẫn không mấy khả quan.
“Xin” 3 năm để khắc phục chỉnh sửa sau thanh tra
Sáng nay 15/12, Ngân hàng TMCP Xuất Nhập khẩu Việt Nam (Eximbank - mã: EIB) đã tổ chức Đại hội cổ đông (ĐHCĐ) bất thường để bầu nhân sự cấp cao cho nhiệm kỳ 2015 - 2020 với sự tham dự của 500 cổ đông, đại diện tỷ lệ 86,14% có quyền biểu quyết.
Trong tài liệu chính thức gửi đến cổ đông, danh sách ứng cử 8 thành viên làm thành viên sẽ được bầu vào Hội đồng quản trị (HĐQT) Eximbank nhiệm kỳ 2015-2020 bao gồm: Ông Cao Xuân Ninh, ông Lê Văn Quyết, ông Ngô Thanh Tùng, ông Đặng Anh Mai, ông Nguyễn Quang Thông, ông Hoàng Tuấn Khải, ông Naoki Nishizawa, ông Yashuiro, ông Lê Minh Quốc.
Thành viên dự kiến bầu vào HĐQT theo tài liệu tại ĐHCĐ bất thường thay đổi khá nhiều so với thông tin công bố cách đây ít ngày theo biên bản kiểm phiếu lấy ý kiến cổ đông về nhân sự dự kiến cho HĐQT của Eximbank. Đáng chú ý, hai cá nhân nguyên là lãnh đạo cao cấp của Nam A Bank là ông Trần Ngô Phúc Vũ và ông Trần Ngọc Tâm không xuất hiện trong danh sách bầu HĐQT Eximbank.
Báo cáo tóm tắt kết quả hoạt động kinh doanh trước Đại hội của Eximbank cho thấy, tính đến hết tháng 11/2015, lợi nhuận trước thuế của Eximbank đạt 552 tỷ đồng, hoàn thành 55,2% kế hoạch. Trong đó, lợi nhuận từ hoạt động kinh doanh 1.724 tỷ đồng, chi phí xử lý nợ xấu đã hạch toán trong năm là 1.172 tỷ đồng.
Về kết luận thanh tra của NHNN số 34/KL-CụcII.2.m ngày 19/10/2015 yêu cầu khắc phục việc ghi nhận thu nhập từ bán bất động sản cho Eximland, Eximbank đã bán các bất động sản cho Eximland và cho Eximland vay để thực hiện việc mua các bất động sản này, đã hạch toán tăng thu nhập của Eximbank (không phải thu nhập từ hoạt động kinh doanh) đến thời điểm cuối năm 2013 là 1,116 tỷ đồng.
Eximbank đã khắc phục 285 tỷ, còn 831 tỷ đồng phải tiếp tục chỉnh sửa. Bên cạnh đó, việc mua bán bất động sản đã phát sinh một số khoản chi phí có liên quan cần phải xử lý.
Kết luận thanh tra việc hạch toán vào thu nhập trong khi Eximbank vẫn còn quản lý và sử dụng bất động sản là chưa đúng theo quy định và cần ĐHCĐ thông qua phương án khắc phục.
Do đó, HĐQT Eximbank đã trình phương án trước đại hội để thông qua lộ trình xử lý trong thời gian 3 năm từ 2016-2018. Đồng thời, đại hội sẽ thống nhất ủy quyền cho HĐQT đề xuất phương án chi tiết trình NHNN trước khi thực hiện và báo cáo kết quả thực hiện cho cổ đông.
Nguyên Thống đốc Lê Đức Thúy đang làm gì ở Eximbank?
Đến đầu giờ chiều ngày 15/12, ĐHCĐ vẫn tranh cãi “nảy lửa” về nhân sự tham gia vào HĐQT.
Cổ đông bức xúc khi cho rằng, mặc dù kết quả kinh doanh đạt 1.700 tỷ đồng, lại xử lý nợ xấu hết hơn 1.100 tỷ đồng, lợi nhuận còn 550 tỷ đồng mà HĐQT đã “bỏ túi” 1,5% lợi nhuận thì cổ đông nhỏ còn gì.
Cổ đông cũng bức xúc khi 8 nhân sự tham gia HĐQT nhiệm kỳ 2016-2020 thì có nhiều người trong HĐQT cũ và một số người mới đang bị thanh tra. Những người trong HĐQT cũ điều hành không tốt, để xảy ra nhiều sai phạm.
Cổ đông cũng chất vấn HĐQT Eximbank vì sao khi mời ông Lê Đức Thúy, nguyên Thống đốc Ngân hàng Nhà nước làm cố vấn mà hoạt động kinh doanh của Eximbank vẫn thua lỗ. Cổ đông đề nghị xem xét trách nhiệm của ông Lê Đức Thúy.
Trước đề nghị của cổ đông, ông Lê Đức Thúy đã không ngần ngại đứng lên nói rõ về quan hệ giữa ông với HĐQT Eximbank.
Ông Thúy khẳng định, ông không nhận hợp đồng mà chỉ cố vấn khi HĐQT và Chủ tịch HĐQT Eximbank cần tham khảo ý kiến theo hợp đồng đã ký. Nếu không có đề nghị đó thì ông Thúy không có trách nhiệm can thiệp vào hoạt động của Eximbank.
“Tôi không có quyết định nào về việc tham gia điều hành Eximbank. Đánh giá tôi có hoàn thành nhiệm vụ hay không thì phải căn cứ vào hợp đồng giữa tôi và Eximbank. Tôi chưa hề vi phạm cái gì và không chịu trách nhiệm về quản trị, điều hành của Eximbank. Tôi chưa hề được hỏi ý kiến về việc điều hành”, ông Thúy nói.
Theo yêu cầu của cổ đông, với tư cách cố vấn, ông Thúy cần có ý kiến về đại hội này. Ông Thúy cho biết, với tư cách cá nhân, ông đề nghị đại hội tập trung vào việc lựa chọn những người xứng đáng vào HĐQT, rút kinh nghiệm từ cái sai cũng như học cái được của người đi trước để Eximbank sớm thành ngân hàng tốt. Những việc mà HĐQT cũ chưa làm được nên đưa vào nghị quyết và giám sát chặt chẽ.
Sau phần trả lời của nguyên Thống đốc Lê Đức Thúy, ông Lê Hùng Dũng, Chủ tịch HĐQT Eximbank đã gửi lời xin lỗi ông Thúy vì trong đại hội có nhiều người chưa hiểu nên chất vấn ông Thúy có phần gay gắt.
Theo ông Dũng, khi ông Thúy thôi công tác, rất nhiều cơ quan mời làm cố vấn vì ông Thúy có nhiều kinh nghiệm về kinh tế vĩ mô, nhận định chính sách nhưng ông Thúy đã nhận lời với Eximbank.
“Hàng tháng, anh Thúy đưa lời khuyên tầm vĩ mô, những nhận định, thông tin… còn chúng tôi tiếp nhận và triển khai như thế nào thì của chúng tôi. Đôi khi chúng tôi không tận dụng hết những lời khuyên ấy. Anh Thúy không dính líu gì đến công việc hằng ngày của Eximbank cả. Trách nhiệm mà các cổ đông hỏi là trách nhiệm của HĐQT, Chủ tịch HĐQT”, ông Dũng nói.
Chủ tịch HĐQT Eximbank cũng trần tình về việc kinh doanh không tốt, nợ xấu nhiều của ngân hàng này là do “dính” vào các mảng đầu tư liên quan đến địa ốc. Trong thời gian tới, Eximbank sẽ tập trung phát triển doanh nghiệp vừa và nhỏ, chuyển hướng cho vay tiêu dùng…
“Quan điểm của HĐQT Eximbank là không che giấu nợ xấu, hiệu quả kinh doanh thấp. Lợi nhuận năm nay không được khá vì nợ xấu đến với tốc độ cao. Chúng tôi đang từng bước tính toán lại và việc tổ chức ĐHCĐ lần này là để bầu ra vị lãnh đạo mới thay chúng tôi chèo chống giúp Eximbank vượt qua khó khăn”, ông Dũng nói.