Định hướng này nhằm giảm bớt sai phạm, khả năng tổn thất, nguy cơ mất khả năng thanh toán, đổ vỡ của hệ thống...
Trump thắng lớn, kinh tế châu Á có thể "thua đau"
- Cập nhật : 11/11/2016
(Kinh te)
Khi mà kinh tế Trung Quốc chỉ vừa mới thoát khỏi nguy cơ “hạ cánh cứng” và đang dần đi vào ổn định, chiến thắng của Donald Trump tạo ra những rủi ro mới cho không chỉ kinh tế Trung Quốc mà cho cả châu Á.
Nguyên nhân là do trong suốt chiến dịch tranh cử của mình, Trump luôn lấy chủ nghĩa bảo hộ làm trọng tâm. Ông muốn đưa ra những hàng rào thuế quan cao ngất ngưởng đánh vào hàng hóa Trung Quốc, thêm nữa còn gắn cho nền kinh tế lớn thứ hai thế giới cái mác “thao túng tiền tệ”.
Chính sách của Trump không chỉ ảnh hưởng tiêu cực đến hoạt động xuất khẩu của Trung Quốc mà còn có thể thổi bùng lên một cuộc chiến thương mại, trong trường hợp Bắc Kinh đáp trả và khiến “đám cháy” lan sang cả các nền kinh tế châu Á khác.
Hiệp định thương mại tự do châu Á – Thái Bình Dương (TPP) được kỳ vọng sẽ là chiếc cầu nối dẫn dắt dòng chảy dịch vụ và hàng hóa xuyên suốt hai bên bờ Thái Bình Dương. Tuy nhiên với chiến thắng của Trump, TPP đang trở nên mong manh. Dòng chảy thương mại chậm chạp và bất ổn gia tăng cũng đồng nghĩa với đầu tư và tăng trưởng suy yếu. Tiếp theo sẽ là các biện pháp kiểm soát dòng chảy lao động, nguy cơ dòng vốn bị rút về Mỹ và những lo ngại khác về an ninh.
“Sẽ có những thay đổi lớn trong mối quan hệ thương mại và an ninh giữa Mỹ và khu vực châu Á, mà nhiều khả năng đó là những thay đổi tiêu cực”, các chuyên gia kinh tế của Morgan Stanley nhận định.
Còn theo các chuyên gia kinh tế của Goldman Sachs, nếu ông Trump nhằm vào Trung Quốc, có thể các nhà hoạch định chính sách Bắc Kinh sẽ phải đi đến một lựa chọn không hề dễ chịu: chấp nhận tăng trưởng suy giảm vì xuất khẩu yếu đi hoặc phản ứng lại. Một đồng nhân dân tệ giảm giá sẽ khiến dòng vốn bị rút ra khỏi Trung Quốc tăng mạnh, gây áp lực lên dự trữ ngoại hối của Trung Quốc và nền kinh tế (vốn đang giảm tốc) rơi vào tình trạng cạn tiền.
Theo một khảo sát được Nomura thực hiện hồi tháng 7, các nhà đầu tư đã liệt kê ra một danh sách dài những nỗi lo dưới thời Tổng thống Donald Trump, từ xu hướng gia tăng bảo hộ thương mại cho tới mối đe dọa đối với an ninh khu vực.
Kết luận ở đây rất rõ ràng: châu Á là khu vực rủi ro thứ hai, chỉ đứng sau Mexico.
Trong báo cáo của Nomura, 77% người được hỏi dự đoán Mỹ sẽ buộc tội Trung Quốc thao túng đồng nội tệ và 75% dự đoán Trump sẽ áp thuế lên hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc, Hàn Quốc và Nhật Bản. Chỉ có 37% nghĩ rằng ông sẽ giữ đúng cam kết xây một bức tường dọc biên giới với Mexico.
Nỗi lo của nhà đầu tư không phải là không có cơ sở. Châu Á là trung tâm sản xuất của thế giới và rất nhiều quốc gia có nền kinh tế phụ thuộc vào xuất khẩu, khiến họ đứng trước nhiều rủi ro nếu các rào cản thương mại được dựng lên. Trung Quốc là đối tác thương mại lớn nhất của Mỹ trong năm 2015.
Sau Trung Quốc, Hàn Quốc và Philippines là những quốc gia có độ nhạy cảm cao. Hàn Quốc phải đối mặt với rủi ro từ 2 phía: Trump đã phản đối hiệp định tự do thương mại Hàn Mỹ có hiệu lực từ năm 2012, cho rằng hiệp định này khiến gần 100.000 việc làm bị mất đi. Ông cũng hứa sẽ buộc Hàn Quốc phải chi trả sòng phẳng cho những hợp đồng quân sự với Mỹ - tin xấu cho ngân sách của nước này.
Trong khi đó Philippines đối mặt với nguy cơ từ dự định hạn chế người nhập cư của Trump. Mỹ là điểm đến của 35% người Philippines đang làm việc ở nước ngoài, và Nomura ước tính rằng lượng tiền gửi về từ Mỹ chiếm 31% tổng lượng kiều hối của Philippines. Đây cũng là nguồn thu ngoại tệ chính của nước này.
Philippines cũng xuất khẩu rất nhiều sang Mỹ. Cam kết mang việc làm trở về Mỹ của Trump đe dọa ngành outsourcing của Philippines. Hiện hầu hết khách hàng của ngành này đang là các doanh nghiệp Mỹ. Ngành outsourcing được dự báo sẽ đóng góp 9% GDP của Philippines.
Tất nhiên những dự báo trên đây chỉ dựa trên những lời cam kết khi tranh cử của Trump. Dẫu vậy, chỉ tính riêng mức độ phụ thuộc của các nền kinh tế châu Á vào xuất khẩu và tương lai khó đoán định ở phía trước, châu Á sẽ thiệt hại là điều không phải bàn cãi.