Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào Việt Nam trong quý 1/2017 đã tăng trên 77% so với cùng kỳ năm ngoái...
Nhà đầu tư ngoại "xếp hàng" chờ mua Công ty tài chính tiêu dùng SHB
- Cập nhật : 20/12/2016
(Tai chinh)
Ngân hàng Nhà nước đã chính thức chấp thuận việc Công ty tài chính cổ phần Vinaconex - Viettel (VVF) sáp nhập vào SHB. Theo tiết lộ của Tổng Giám đốc SHB Nguyễn Văn Lê, hiện có một số đối tác nước ngoài đã đặt vấn đề được hợp tác với SHB để thúc đẩy hoạt động của công ty tài chính tiêu dùng.
Sau hai năm tiến hành các thủ tục theo qui định pháp luật, ngày 12/12, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã chính thức chấp thuận việc Công ty tài chính cổ phần Vinaconex - Viettel (VVF) sáp nhập vào Ngân hàng TMCP Sài Gòn - Hà Nội (SHB). Quyết định có hiệu lực từ ngày 12/1/2017 và vốn điều lệ của SHB sẽ tăng lên gần 12.000 tỷ đồng.
Ngân hàng Nhà nước cũng đã cấp giấy phép thành lập Công ty Tài chính TNHH MTV Ngân hàng TMCP Sài Gòn- Hà Nội (viết tắt là Công ty tài chính tiêu dùng SHB), với số vốn điều lệ là 1.000 tỷ đồng, hoạt động trong lĩnh vực tài chính tiêu dùng với các sản phẩm đa dạng, tiện ích trên cơ sở ứng dụng công nghệ tiên tiến, hiện đại, đáp ứng nhu cầu sử dụng vốn của người dân Việt Nam.
VVF được thành lập năm 2008, do hai cổ đông chính là Tổng công ty cổ phần Xuất nhập khẩu và xây dựng Việt Nam (Vinaconex) và Tổng công ty viễn thông Quân đội - Viettel sáng lập, là một công ty tài chính với mức vốn điều lệ 1.000 tỷ đồng, và tại 31/12/2015 tổng tài sản hơn 1,10 tỷ đồng.
Theo đánh giá của giới chuyên gia, việc SHB nhận sáp nhập VVF là tất yếu và phù hợp, góp phần vào việc nâng cao năng lực cạnh tranh của thị trường tài chính Việt Nam trong việc tạo ra các ngân hàng có quy mô lớn tầm cỡ khu vực. Đây cũng là cơ hội tốt giúp SHB hiện thực hóa chiến lược trở thành một trong những ngân hàng bán lẻ hàng đầu Việt Nam, ngày càng nâng cao sức cạnh tranh, vị thế ở thị trường trong nước và khu vực.
Thời gian qua, thị trường tài chính - ngân hàng Việt Nam chứng kiến một loạt thương vụ nhận sáp nhập công ty tài chính tiêu dùng (ảnh minh họa).
Tổng Giám đốc SHB, ông Nguyễn Văn Lê cho rằng: “SHB có định hướng và tiêu chí rất rõ ràng về phân khúc khách hàng mục tiêu và sản phẩm mục tiêu mà Công ty Tài chính tiêu dùng SHB sẽ tập trung phát triển. Do đó, sự ra đời của Công ty Tài chính tiêu dùng SHB sẽ không chồng chéo hay hạn chế sự phát triển của mảng tín dụng ngân hàng bán lẻ của SHB”.
Chia sẻ thêm với phóng viên Dân trí, ông Nguyễn Văn Lê cho biết: Hiện nay, một số đối tác nước ngoài đã đặt vấn đề được tham gia góp vốn mua cổ phần Công ty tài chính của Ngân hàng SHB để thúc đẩy hoạt động của công ty tài chính tiêu dùng. Khi các tổ chức này tham gia góp vốn, SHB sẽ tận dụng được kinh nghiệm triển khai, năng lực quản trị, hệ thống CNTT hiện đại, kinh nghiệm phát triển san phẩm dịch vụ tài chính tiêu dùng để đảm bảo Công ty Tài chính tiêu dùng SHB sẽ có một vị thế, thị phần đáng kể trên thị trường và phát triển đúng chiến lược của SHB.
Theo ông Lê, từ khi SHB công bố và thông qua đại hội cổ đông để thành lập công ty tài chính tiêu dùng, nhiều đối tác từ châu Âu, Mỹ, các nước trong khu vực châu Á đến đặt vấn đề tham gia mua cổ phần. HDQT SHB cũng đang cân nhắc lực chọn một số đối tác chiến lược với các tiêu chí như: đối tác đó phải là đối tác chiến lược tiềm năng có uy tín trên thị trường tài chính - ngân hàng thế giới, phải có kinh nghiệm về sản phẩm bán lẻ đã thành công ở các nước nhưng phù hợp với đặc điểm tiêu dùng khu vực châu Á, có công nghệ thông tin chiến lược, quản trị điều hành tốt...
"Đối tác chiến lược, ngoài giá cả cổ phần phải liên quan tới vấn đề chiến lược kinh doanh để cùng phát triển bền vững, chứ không chọn các đối tác vào mua để làm đẹp công ty rồi sau đó bán là chúng tôi không lựa chọn. Theo đó, khi Công ty Tài chính tiêu dùng SHB ra đời và khi cổ phần hóa thì chúng tôi sẽ lựa chọn các đối tác chiến lược nước ngoài góp vốn mua cổ phần Công ty tài chính SHB và thương vụ này chắc chắn sẽ đóng góp thặng dư vốn đáng kể cho các cổ đông SHB cũng như nâng tầm ngân hàng lên một vị thế mới", ông Lê nhấn mạnh.
Nhận sáp nhập công ty tài chính, bước đi chiến lược của các ngân hàng
Ở 1 số nước như Ấn Độ, Philippines, Malaysia… tỷ lệ cho vay tiêu dùng chiếm tới 30%/tổng dư nợ, còn ở tại Việt Nam, tỷ lệ này vào thời điểm cuối 2015 chỉ khoảng 12%. Tài chính tiêu dùng là một thị trường lớn, với rất nhiều tiềm năng để phát triển, nhất là trong bối cảnh kinh tế Việt Nam đang hồi phục….
Đó cũng là lý do vì sao thời gian gần đây, thị trường tài chính ngân hàng Việt Nam liên tục chứng kiến sự ra đời của các công ty tài chính hoạt động trong lĩnh vực cho vay tiêu dùng mà phần lớn là kết quả của các cuộc “hôn nhân” giữa ngân hàng và công ty tài chính.
Trước SHB, làn sóng ngân hàng nhận sáp nhập công ty tài chính tiêu dùng đã mở màn bằng một loạt các thương vụ như HDBank mua lại Công ty Tài chính Việt Société Générale (SGVF) sau đó chuyển thành HDFinance có vốn điều lệ 550 tỷ, tiếp tục chuyển nhượng 49% cổ phần cho Tập đoàn Credit Saison (Nhật Bản) đồng thời đổi tên thành Công ty TNHH Tài chính HD Saison (HD Saison Finance); VPBank thành lập FE Credit sau khi nhận sáp nhập Công ty TNHH MTV tài chính Than khoáng sản; Techcombank mua lại Công ty tài chính cổ phần Hóa Chất (VCFC), chuyển thành Công ty tài chính TNHH MTV Kỹ thương (Techcom Finance) vốn 600 tỷ đồng; Ngân hàng Quân Đội nhận sáp nhập Công ty tài chính cổ phần Sông Đà (SDFC), thành lập Công ty Tài chính TNHH MTV MB (M Finance) với số vốn 500 tỷ đồng…
Theo đánh giá của một số chuyên gia, việc cho sáp nhập các công ty tài chính vào ngân hàng là một mũi tên của NHNN nhắm đến cả ba đối tượng: ngân hàng, công ty tài chính và các doanh nghiệp. Ngoài yếu tố thúc đẩy tăng trưởng tín dụng tiêu dùng ở các ngân hàng, việc sáp nhập còn giúp tái cấu trúc lại các công ty tài chính và cũng như giúp các tập đoàn nhà nước thoái vốn vì trên thực tế, tái cấu trúc các công ty tài chính cũng là một phần trong đề án tái cấu trúc hệ thống tài chính của Chính phủ và NHNN.
Đứng ở góc độ khách hàng, như chia sẻ của ông Nguyễn Văn Lê, các công ty tài chính tín dụng tiêu dùng ra đời sẽ giúp khách hàng có cơ hội được tiếp cận các sản phẩm/dịch vụ đa dạng, phù hợp với mọi nhu cầu vay vốn; tận hưởng dịch vụ thuận tiện với thủ tục nhanh gọn, mạng lưới phân phối rộng theo mô hình kinh doanh của các công ty tài chính tiêu dùng. Đặc biệt, với các khách hàng không đủ các điều kiện đáp ứng được chuẩn rủi ro của các ngân hàng thương mại có thể chuyển sang vay các công ty tài chính, thay vì phải sử dụng dịch vụ tín dụng phi chính thức như trước đây, từ đó góp phần hạn chế cho vay nặng lãi, đẩy lùi nạn “tín dụng đen” và giúp người dân được sử dụng các dịch vụ tài chính an toàn từ các tổ chức hợp pháp.
Trong 10 năm vừa qua, thị trường tín dụng tiêu dùng tại Việt Nam đã có sự phát triển nhanh chóng và dự báo sẽ còn phát triển mạnh hơn nữa trong tương lai, với mức tăng bình quân từ 20-30% cho tới năm 2019. Theo các chuyên gia, việc nhận sáp nhập/mua lại một công ty tài chính là bước đi rất khôn ngoan có tính chiến lược của các ngân hàng và có lợi hơn cho các tổ chức tín dụng. Bởi so với việc thành lập mới, các nhà băng sẽ tận dụng được nguồn lực sẵn có của công ty tài chính từ đội ngũ nhân sự, đối tác đến thị trường, phân khúc khách hàng, hệ thống công nghệ…