Về bản chất, nợ xấu các ngân hàng có giảm nhưng chỉ giảm về tỷ lệ, còn xét về con số thực tế, nợ xấu, đặc biệt nợ có khả năng mất vốn không hề giảm mà ngược lại còn có dấu hiệu tăng mạnh.
Sau khủng bố tại Paris, FED có nên tăng lãi suất vào tháng 12 tới?
- Cập nhật : 19/11/2015
(Tai chinh)
Theo Bloomberg, giới đầu tư đã rục rịch quay lại thị trường khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) "bật đèn xanh" cho khả năng tăng lãi suất vào tháng 12 tới.
Tuy nhiên, các vụ tấn công tại Paris, kinh tế Nhật suy thoái, mức tiêu thụ hàng hóa tại nhiều nền kinh tế lớn liên tục sụt giảm... đã tạo ra không ít nhận định trái chiều về khả năng trên.
Mong chờ FED tăng lãi suất
Trong các tuyên bố gần đây, Chủ tịch FED Janet Yellen cho biết tháng 12 có thể là thời điểm thích hợp để nâng lãi suất lên khỏi mức 0%. Chính sự ổn định của thị trường ngoại hối trong thời gian vừa qua - trái ngược với cuộc khủng hoảng tiền tệ bắt nguồn từ Trung Quốc xảy ra hồi tháng Tám, đã từng bước làm thay đổi chính sách của FED.
Bloomberg dẫn lời Brendan Murphy – chuyên gia tài chính đến từ Quỹ đầu tư Standish Mellon cho biết, thị trường đã làm rất tốt công việc dự đoán biến động tỷ giá khi nhiều sự thay đổi của đồng USD “khớp” với nhận định thị trường.
Sáng 17/11, đồng USD tăng lên mức cao nhất trong 7 tháng qua do các nhà đầu tư quay lại với tâm lý kỳ vọng FED có thể sẽ nâng lãi suất vào tháng tới, theo Reuters.
Trước đó, Ngân hàng JPMorgan Chase đã tiến hành đo mức biến động tiền tệ trên toàn cầu, trong đó tăng khoảng 0,5 điểm trong tháng vừa qua - ít hơn so với mức biến động của 3 sự kiện lớn trong năm 2015 bao gồm việc Ngân hàng Trung ương Thụy Sĩ (SNB) thông báo thả nổi tỷ giá giữa đồng franc và euro, Ngân hàng Trung ương châu ÂU (ECB) triển khai gói nới lỏng định lượng (QE) trị giá 1.100 tỷ euro và thời điểm xảy ra khủng hoảng tài chính tại Trung Quốc.
Mức biến động tiền tệ trên toàn cầu từ đầu năm 2015 đến nay. Nguồn: Bloomberg
Cũng theo số liệu thống kê của Bloomberg, xác suất FED nâng lãi suất trong năm nay hiện đã tăng từ mức 50% lên 66% trước thời điểm Ủy ban thị trường mở (FOMC) ra quyết định chính thức vào ngày 16/12 tới.
Lý giải hiện tượng trên, tờ Time đã phân tích 2 nhân tố chính giúp củng cố niềm tin của giới đầu tư bao gồm sự "ấm" lên của thị trường lao động Mỹ và sự lạc quan về chỉ số lạm phát.
Cụ thể, theo báo cáo của Bộ Lao động Mỹ, trong tháng 10/2015 đã có thêm 271.000 việc làm mới được tạo ra (cao nhất kể từ đầu năm đến nay) và tỷ lệ thất nghiệp giảm xuống chỉ còn 5%.
Giới phân tích đánh giá, những tín hiệu tích cực này chứng tỏ nền kinh tế nước này đang tăng trưởng đủ mạnh để có thể chống lại bất cứ tác động tiêu cực nào từ quyết định FED tăng lãi suất trong những tháng tới.
Bên cạnh đó, mặc dù lạm phát lõi của Mỹ hiện ở mức 1,9% - thấp hơn mục tiêu 2% của FED trong hơn 3 năm qua, nhưng "đây vốn đã là nỗi lo kinh niên của FED kể từ sau cuộc Đại suy thoái", Time nhận định.
Nhưng vẫn lo ngại bất ổn
Trong khi đó, trái ngược với tâm lý mong chờ quyết định tăng lãi suất vào cuối năm, tác giả Ron Insana có bài bình luận trên CNBC hôm 17/11 cho rằng, sẽ thiếu khôn ngoan nếu FED quyết định tăng lãi suất ngay sau các vụ tấn công tại Paris, và trong bối cảnh kinh tế Nhật suy thoái, mức tiêu thụ hàng hóa liên tục sụt giảm...
Cụ thể, tác giả phân tích, sau khi xảy ra vụ thảm sát tại Paris, nhiều khả năng sức tiêu thụ hàng hóa trên thế giới sẽ sụt giảm khi người dân hạn chế tụ tập ở những nơi đông người như nhà hàng, trung tâm thương mại, cửa hàng mua sắm,... gây bất lợi không nhỏ đến hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp.
Trong khi đó, giới đầu tư cũng đang chờ đợi liệu Pháp có yêu cầu khối NATO đẩy mạnh các hoạt động quân sự nhằm vào IS.
Đồng thời, Nhật Bản đã lâm vào cuộc suy thoái kinh tế thứ hai trong hai năm qua, trong khi Trung Quốc nỗ lực kích thích và cải cách nền kinh tế vốn còn đang phụ thuộc vào xuất khẩu. Những mục tiêu này xuất hiện mâu thuẫn với nhau, tạo ra một cuộc suy thoái sản xuất tại Trung Quốc và làm suy yếu nền công nghiệp giữa các đối tác thương mại lớn khác, trong đó bao gồm Mỹ.
Lĩnh vực bất động sản thương mại đang được giới đầu tư quan tâm hàng đầu, do đó sẽ dễ bị tổn thương nếu FED quyết định tăng lãi suất.
Sau cùng, tác giả nhận định, với thời điểm "nhạy cảm" như hiện tại, đây không phải là lúc để kiểm tra khả năng phục hồi của nền kinh tế mà chính là lúc bảo vệ những thành quả đạt được từ trước đến nay.