Biến động tại Thổ Nhĩ Kỳ đã tạo động lực cho giá vàng đi lên trong các phiên giao dịch gần đây.
Ông Trương Trọng Nghĩa: 'Vay ODA Trung Quốc dễ há miệng mắc quai'
- Cập nhật : 21/11/2015
(Kinh te)
Vốn vay chưa chắc rẻ, kèm nhiều điều kiện cũng như gây khó cho cuộc chiến pháp lý đòi chủ quyền... là những lý do khiến vị đại biểu Quốc hội, đồng thời là luật sư cho rằng Việt Nam không nên sử dụng ODA Trung Quốc.
- Trong phiên chất vấn ngày 17/11, ông từng đề nghị Chính phủ không nên vay tiền hay nhận viện trợ của Trung Quốc. Vì sao ông lại đưa ra đề xuất này?
- Nhận viện trợ và vay vốn ưu đãi (ODA) nói chung khác với quan hệ thương mại đầu tư thông thường. Hợp tác đầu tư cần theo các nguyên tắc quốc tế chung như không phân biệt đối xử nước này với nước kia, trong nước và quốc tế… Với ODA, bên vay có quyền chọn lựa, xem xét trên nhiều yếu tố, phụ thuộc quan hệ các nước với nhau.
Yếu tố đầu tiên là lãi suất rẻ. Thứ hai thường là do các ràng buộc, mỗi nước đưa ra một tiêu chí khác nhau như sử dụng công nghệ, trang thiết bị của nước cho vay... nhưng thường không có yếu tố lao động. Trung Quốc thì ngược lại, họ đưa sang rất nhiều lao động với lý do người Việt chưa làm được.
Một lý do nữa mà tôi kiến nghị thận trọng là Trung Quốc có thêm yếu tố các nước khác không có: Họ đã chiếm một phần lãnh thổ của Việt Nam. Do đó, quan hệ với Trung Quốc là hết sức nhạy cảm.
- Dù vậy nhưng vốn ODA vẫn là quan hệ thương mại, có vay có trả. Ông nghĩ sao về việc phải tách bạch chính trị với kinh tế?
- Về lý thuyết là như vậy nhưng trong lịch sử quan hệ hai nước, từng có tiền lệ họ đưa những dẫn chứng về giúp đỡ kinh tế để làm khó khi đàm phán chính trị. Mới đây tại Singapore, ông Tập Cận Bình lại nói Hoàng Sa, Trường Sa từ xưa đã là của Trung Quốc. Thậm chí một Thứ trưởng ngoại giao của họ còn nói Trung Quốc có quyền chiếm lại 2 quần đảo này nhưng chưa làm... Những điều này là sai trái.Điều tôi từng chờ đợi ở lãnh đạo Trung Quốc về việc tôn trọng chủ quyền, lãnh thổ của Việt Nam, chứ không phải những lời hứa như viện trợ một tỷ nhân dân tệ mà ông Tập Cận Bình đưa ra trong chuyến thăm gần đây. Cuối cùng thì không có những cam kết như vậy. Do đó, tôi cho rằng Việt Nam càng không nên dễ dãi trong các quan hệ kinh tế, trong đó có nhận viện trợ ODA. Ta phải có những suy xét, điều kiện để không cản trở việc khẳng định chủ quyền và sau này đi kiện cũng để họ không có lý do gì mà vặn vẹo, không "há miệng mắc quai".
Ông Trương Trọng Nghĩa lo ngại sẽ khó đòi chủ quyền một khi lệ thuộc vào ODA Trung Quốc. Ảnh: Giang Huy
- Ngoài yếu tố chính trị, còn lý do nào khác khiến ông cho rằng không nên vay ODA Trung Quốc?
- Với Trung Quốc, tôi không chỉ nói về riêng ODA mà là cả quan hệ kinh tế nói chung, quan hệ đấu thầu, mua sắm thiết bị... Qua trao đổi với các chuyên gia, tôi được biết dự án họ làm tưởng rẻ nhưng lại hóa đắt. Nhiều nơi nhà thầu họ không đủ năng lực, đòi tăng vốn, thậm chí bỏ về nửa chừng. Tình trạng này diễn ra ở khắp nơi, ở địa phương tôi là TP.HCM cũng đã có.
Tại không ít dự án ODA Trung Quốc, doanh nghiệp trong nước cho biết rất khó tham gia, không chỉ từ thiết kế, thi công mà đến lao động phổ thông, cung cấp thiết bị... Đến cái đinh ốc họ cũng làm. Trong khi đối với các dự án nhận ODA các nước khác, thì tỷ lệ công việc mà người Việt tham gia vào rất cao. Ngay với dự án vay các nước phát triển, công nghệ hiện đại thì ta cũng tham gia thầu phụ 80-90% và họ đồng ý chuyển giao công nghệ vì thấy doanh nghiệp Việt Nam có thể làm được. Tất cả yếu tố đó buộc Việt Nam phải cân nhắc khi làm ăn với họ.
- Khi thảo luận về vấn đề nhận viện trợ, ODA trong Luật Tham gia các điều ước quốc tế, có đại biểu đề xuất Quốc hội phải có ý kiến về vấn đề vay vốn Trung Quốc. Ý kiến của ông như thế nào?
- Quốc hội hay Chính phủ cũng đều là Nhà nước cả, chưa kể còn có sự lãnh đạo của Đảng. Trong tất cả các trường hợp, tôi nghĩ đều cần có xem xét kỹ lưỡng của Đảng, Nhà nước.
Tôi phản ánh tại Quốc hội chỉ là chuyển tải sư băn khoăn, lo ngại của người dân, nhất là trước các hành vi hiếu chiến, xâm lấn ngày càng tăng của Trung Quốc trong vấn đề chủ quyền của ta. Theo đó, nhân dân cảm thấy nếu bị ràng buộc ngày càng nhiều thì sẽ có trở ngại, khó khăn trong đấu tranh bảo vệ chủ quyền. Tôi chuyển nguyện vọng, băn khoăn ấy của cử tri để Quốc hội, lãnh đạo Đảng, Nhà nước suy ngẫm.
- Trả lời chất vấn của ông và một số đại biểu về vấn đề này ngày 18/11, Thủ tướng có nói với Trung Quốc thì chúng ta vừa hợp tác, vừa đấu tranh. Ông nghĩ sao về điều này?
- Thủ tướng không trả lời trực tiếp câu hỏi của tôi mà chỉ nói những nguyên tắc chung về quan hệ với Trung Quốc. Điều tôi muốn nói là nhân dân chờ đợi không chỉ một câu nói trên diễn đàn Quốc hội, mà là lãnh đạo Đảng, Nhà nước sẽ có hành động cụ thể gì cho thấy đã tôn trọng nỗi băn khoăn chính đáng của họ. Tôi cho rằng khi ra chủ trương cụ thể trong quan hệ với Trung Quốc cần thể hiện sự lắng nghe ấy.