Ngày 4/12/2015, Ngân hàng Nhà nước ban hành Thông tư số 23/2015/TT-NHNN sửa đổi, bổ sung một số điều của quy chế dự trữ bắt buộc đối với các tổ chức tín dụng.
Các ngân hàng làm gì để tăng trưởng khách hàng?
- Cập nhật : 08/12/2015
(Tai chinh)
Thời gian gần đây, các ngân hàng TMCP đã cung cấp nhiều dịch vụ tài chính phong phú, tiện ích cho khách hàng. Bên cạnh việc đầu tư áp dụng công nghệ hiện đại, đa dạng hóa sản phẩm, nhiều ngân hàng còn nâng cao chất lượng phục vụ cũng như tung ra những chương trình chăm sóc khách hàng thân thiết nhằm tăng trưởng số lượng khách hàng.
Theo nhận định của Ngân hàng Nhà nước, từ nay đến năm 2020, ngành ngân hàng sẽ tập trung đẩy mạnh phát triển hệ thống các tổ chức tín dụng hiện đại, an toàn, đa dạng về cấu trúc sở hữu, quy mô và loại hình, có khả năng cạnh tranh cao dựa trên nền tảng công nghệ và kỹ năng quản trị tiên tiến theo chuẩn mực quốc tế.
Với việc Việt Nam hội nhập ngày càng sâu rộng thì bên cạnh việc cạnh tranh giữa các ngân hàng trong nước với nhau còn phải cạnh tranh với ngân hàng nước ngoài. Điều này đã tạo sức ép, buộc các ngân hàng trong nước phải đổi mới, nâng cao công nghệ, tăng cường năng lực quản trị, qua đó góp phần thúc đẩy sự phát triển hệ thống ngân hàng thương mại nói chung, tăng trưởng khách hàng nói riêng.
Nắm bắt xu hướng này, các ngân hàng đã không ngừng gia tăng số lượng khách hàng với tốc độ tăng trưởng mạnh mẽ. Đơn cử như BIDV, một trong 3 “đại gia” ngân hàng của Việt Nam, khách hàng cá nhân tăng trưởng mạnh cả về số lượng và chất lượng, đạt mốc 6,5 triệu hàng khách hàng. Không kém cạnh các “anh cả”, những ngân hàng TMCP cũng ghi dấu với những con số tăng trưởng ấn tượng.
Mới đây, TPBank cũng đã ghi nhận khách hàng thứ 1 triệu, tăng trưởng khách hàng gấp hơn 14 lần sau 7 năm tự tái cơ cấu. Bên cạnh đó, hướng tới mục tiêu làm hài lòng khách hàng mọi lúc, mọi nơi, các ngân hàng đã tập trung đầu tư phát triển mạnh các dịch vụ hiện đại như Internet Banking, Mobile Banking, SMS Banking, Autobanking... Những dịch vụ này đã giúp các nhà băng nhanh chóng gia tăng số lượng khách hàng.
Một số ngân hàng lại hút khách bằng chính sách chăm sóc khách hàng. Đơn cử như Vietcombank, với mục tiêu nỗ lực để chăm sóc và phục vụ khách hàng nhanh chóng, kịp thời và hiệu quả, Vietcombank đã triển khai chức năng hỗ trợ khách hàng qua email khi sử dụng dịch vụ ngân hàng trực tuyến VCB-iB@nking. Với chức năng này, khách hàng có thể gửi thắc mắc/yêu cầu cung cấp thông tin của mình liên quan tới các sản phẩm, dịch vụ của Vietcombank thuận lợi, dễ dàng mà không cần gọi điện thoại hay trực tiếp đến điểm giao dịch của Vietcombank.
Ngân hàng VIB thì áp dụng chính sách tặng quà cho khách hàng nhân ngày sinh nhật và các ngày lễ đặc biệt, tư vấn miễn phí về sản phẩm dịch vụ và các kênh đầu tư nguồn vốn của khách hàng …
Trong khi đó, TPBank lại chú trọng đầu tư và phát triển mạnh nền tảng công nghệ và dịch vụ ngân hàng số coi đây như một trong những mảng chiến lược để nâng cao tính cạnh tranh, thu hút khách hàng khi mà lượng người dùng Internet tại Việt Nam đang ngày càng tăng. Riêng trong năm 2015, nhà băng này đã giới thiệu tài khoản Easy Link và Ebank phiên bản 6.0. Đây được được coi là bước đột phá trong lĩnh vực ngân hàng nói chung và quản lý tài khoản ngân hàng nói riêng tại Việt Nam. Bởi EasyLink cho phép kết nối tất cả các tài khoản thanh toán, tiết kiệm và tín dụng mà khách hàng có để điều chuyển linh hoạt các hạn mức ứng, vay trả một cách tiện lợi và thông minh. Thay vì quản lý nhiều tài khoản với những số dư khác nhau, người dùng khi đăng ký tài khoản EasyLink trên TPBank Ebank chỉ cần thực hiện giao dịch trên duy nhất một tài khoản.
Ngoài ra, TPBank cũng chú trọng mở rộng mạng lưới chi nhánh, phòng giao dịch khắp cả nước. Với những nỗ lực không mệt mỏi, TPBank đã được vinh dự nhận giải thưởng quốc tế “Ngân hàng Bán lẻ tốt nhất Việt Nam” do Tạp chí Global Financial Market Review (GFM) trao tặng cho các tổ chức xuất sắc trong khối ngân hàng bán lẻ, có sự vượt trội về hiệu suất kinh doanh cũng như sự hài lòng của khách hàng về sản phẩm, dịch vụ trong năm 2015.
Theo ông Đinh Văn Chiến, Giám đốc Khách hàng Cá nhân TPBank thì: “Việc đạt 1 triệu khách hàng là dấu mốc quan trọng trong quá trình tăng trưởng của TPBank. Đối với các ngân hàng thương mại của Việt Nam nói riêng và thế giới nói chung thường tính mốc triệu khách hàng để đánh dấu mức phát triển".
Có thể nói, trong quá trình hội nhập ngày càng sâu rộng trong lĩnh vực tài chính ngân hàng hiện nay, theo lộ trình đã cam kết, Việt Nam sẽ phải mở cửa, xóa bỏ các hạn chế trong ngành ngân hàng. Vì thế, để nâng cao năng lực cạnh tranh trên thị trường, ngoài việc tăng cường vốn điều lệ, nâng cao chất lượng tín dụng, phát triển nguồn nhân lực thì việc đa dạng hóa các sản phẩm dịch vụ theo hướng công nghệ và chính sách chăm sóc khách hàng chính là cách để các ngân hàng TMCP trong nước tiếp tục duy trì thị phần và phát triển, mở rộng thị trường.