Theo dự báo của Viện Tài chính quốc tế (IIF), do các thị trường mới nổi giảm tốc và kinh tế Trung Quốc bấp bênh, tổng cộng 541 tỷ USD sẽ chảy ra khỏi các thị trường mới nổi trong năm nay.
4 lý do phát triển hoạt động cho vay tiêu dùng
- Cập nhật : 16/12/2015
(Tai chinh)
Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Nguyệt Hường (đoàn Hà Nội): GDP của Việt Nam tăng trưởng ổn định, dân số trẻ, thu hút đầu tư nước ngoài hiệu quả và dịch vụ bán lẻ phát triển mạnh trong những năm gần đây là tiền đề thuận lợi để phát triển thị trường tài chính tiêu dùng
Thưa, bà đánh giá như thế nào về thị trường cho vay tiêu dùng tại Việt Nam?
Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Nguyệt Hường: Thị trường cho vay tiêu dùng Việt Nam hiện chỉ mới ở giai đoạn hình thành. Dù được đánh giá là thị trường tiềm năng với tốc độ phát triển 20%/năm, nhưng sau 10 năm dư nợ cho vay tiêu dùng vẫn còn khá khiêm tốn, chỉ chiếm khoảng 8% GDP.
Có ba vấn đề khiến cho thị trường tín dụng tiêu dùng chưa thực sự phát triển. Trước tiên là do văn hóa tiêu dùng của người dân Việt Nam chủ yếu là tích cóp, vay qua bạn bè, người thân chứ chưa thực sự sẵn sàng đến với dịch vụ của các ngân hàng thương mại hay công ty tài chính.
Thứ hai, cho vay tiêu dùng bản chất là hoạt động cho vay tín chấp, thường rủi ro cao. Thực tế, đã có không ít trường hợp khách hàng không tôn trọng cam kết trả nợ, điều đó khiến cho các công ty tài chính phải cẩn trọng hơn với một số nhóm khách hàng.
Thứ ba, có thể là do khâu quảng bá sản phẩm của các tổ chức tín dụng chưa thực sự rộng rãi đến được với nhiều người tiêu dùng Việt Nam.
Tuy nhiên, tôi cho rằng đây là thị trường đầy tiềm năng, có thể phát triển mạnh mẽ trong tương lai gần tại Việt Nam, với 4 lý do:
Một là, GDP của Việt Nam tăng trưởng ổn định và vẫn tăng dần qua hàng năm, theo đó thu nhập bình quân đầu người cũng tăng lên. Khi thu nhập tăng, nhu cầu mua sắm của người dân cũng sẽ tỷ lệ thuận theo và đó là điều kiện và yếu tố rất quan trọng để thúc đẩy thị trường tài chính tiêu dùng.
Hai là, dân số Việt Nam trẻ, độ tuổi lao động hiện chiếm tới khoảng 60%, mà những đối tượng này có rất nhiều nhu cầu: mua nhà, sắm xe, các vật dụng cần thiết cho cuộc sống... Các bạn trẻ cũng có tư duy hiện đại hơn, quyết đoán trước các nhu cầu tài chính của bản thân và gia đình.
Ba là, những năm qua, Việt Nam thu hút đầu tư nước ngoài rất hiệu quả. Hàng chục tỷ USD của các nhà đầu tư nước ngoài đã đổ vào Việt Nam, số lượng chuyên gia, lao động người nước ngoài sang Việt Nam cũng rất nhiều và đây là những nhóm khách hàng ưa thích và sử dụng dịch vụ tài chính tiêu dùng.
Bốn là, dịch vụ bán lẻ ở Việt Nam những năm qua phát triển rất mạnh. Số lượng các bạn trẻ ra trường mỗi năm ở các thành phố rất lớn với con số hàng nghìn, và không phải ai cũng điều kiện để mua được một chiếc xe máy hay chiếc máy tính xách tay để làm việc. Đây cũng là một kênh đưa vốn tiêu dùng vào một cách thuận lợi, qua đó thúc đẩy thị trường tài chính tiêu dùng phát triển.
Vậy để thị trường này phát triển thuận lợi hơn, theo bà, chúng ta nên xây dựng chính sách về cho vay tiêu dùng như thế nào?
Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Nguyệt Hường: Về mặt quản lý, theo tôi cần phải tạo mọi điều kiện thông thoáng nhất cho các tổ chức tín dụng hoạt động.
Tôi lấy ví dụ, nhiều bạn trẻ tốt nghiệp đại học có nhu cầu mua sắm một số phương tiện phục vụ cho công việc, tuy không phải là những thứ xa xỉ nhưng nhiều bạn hoàn cảnh khó khăn khó có thể lo đủ số tiền đó ngay một lúc.
Nhờ dịch vụ cho vay tiêu dùng tín chấp, các bạn trẻ có thể có ngay được những phương tiện cơ bản nhất phục vụ công việc. Như vậy, về mặt xã hội thì cho vay tiêu dùng đã mang đến cho nhiều người một kênh vay tiêu dùng chính thức, rất rõ ràng về mức lãi suất và không sợ bị “bóp chẹt” như vay tín dụng đen.
Tuy nhiên, những khoản cho vay tiêu dùng thường rất nhỏ, có khi chỉ vài triệu đồng để khách hàng mua máy tính, trong khi thời gian vay kéo dài, chi phí quản lý hệ thống thì lớn, do đó lãi suất không thể để ở mức như lãi suất của ngân hàng.
Chính vì vậy, hành lang pháp lý cho phát triển loại hình dịch vụ này trong thời gian tới, theo tôi, cần điều chỉnh theo hướng để các bên tự thỏa thuận mức lãi suất. Tuy nhiên, nói như vậy không có nghĩa là thả nổi, để cho các tổ chức tín dụng hoàn toàn tự do. Dù lãi suất mang tính thỏa thuận nhưng cũng phải hài hòa cho lợi ích của đôi bên, chứ không thể đẩy gánh nặng về phía khách hàng. Để điều chỉnh được vấn đề này là vô cùng khó, nó phụ thuộc rất nhiều vào những nhà làm chính sách.
Thưa bà, hiện không ít người dân cho rằng, lãi suất cho vay tiêu dùng vẫn cao trong khi các tổ chức tín dụng thì lại cho biết, khó có thể hạ thêm lãi suất vì họ đang phải bù đắp rủi ro. Ý kiến của bà như thế nào về vấn đề này?
Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Nguyệt Hường: Vay tín dụng tiêu dùng nhìn ở một góc độ nào đó thì chỉ là các khoản vay nhỏ, khách hàng không phải thế chấp tài sản, ở đây chỉ có niềm tin giữa hai bên. Và như vậy, các tổ chức tín dụng sẽ là phía phải chịu nhiều sức ép hơn cả, khi vẫn còn có một bộ phận khách hàng không thực hiện đúng cam kết trả nợ.
Chúng ta phải hiểu rằng, các công ty tài chính bản chất là doanh nghiệp kinh doanh. Theo luật, họ không được huy động trực tiếp tiền gửi từ người dân mà phải vay qua các định chế tài chính khác, do đó lãi suất đương nhiên phải cao mới có thể bù đắp chi phí đầu vào và chi phí vận hành hệ thống.
Mặc dù vậy, theo xu hướng phát triển của nền kinh tế thị trường, giao dịch cho vay tiêu dùng giữa các tổ chức tín dụng và khách hàng được xem là giao dịch dân sự, là sự thỏa thuận của đôi bên. Nếu ở đâu cho vay lãi suất thấp thì dịch vụ phát triển, còn ở đâu lãi suất cao quá thì khách hàng sẽ không sử dụng dịch vụ. Vậy nên, vấn đề này hãy cứ để thị trường tự điều tiết. Đó là cơ chế cạnh tranh của thị trường mà chúng ta không nên can thiệp bằng các biện pháp hành chính.
Trân trọng cảm ơn bà!