tin kinh te
 
 
 
rss - tinkinhte.com

An ninh tài chính và nỗi lo từ "của để dành"

  • Cập nhật : 27/11/2015

(Tai chinh)

Từ thu nhập có được, sau khi chi tiêu cho đời sống, phần còn lại được dân cư tích lũy thành tiền tiết kiệm. Cùng với tốc độ tăng trưởng GDP bình quân 15 năm qua đạt 6,5%/năm, thu nhập của dân cư được cải thiện rõ rệt.

 

Từ năm 2002 - 2012, thu nhập cá nhân đã tăng liên tục, gấp 6 lần. Hằng năm, dân cư luôn tiết kiệm từ 12 - 20% tổng thu nhập để phục vụ cho các mục đích đầu tư, dự phòng, tích lũy... Tỷ lệ tiết kiệm so với thu nhập gia tăng theo thời gian chứng tỏ càng có thu nhập cao, dân cư càng có điều kiện "để dành" nhiều hơn.

Đây là đặc điểm nổi bât của người Việt Nam và một số nước châu Á. Tuy vậy, xét trên góc độ nền kinh tế, nếu dân cư tiết kiệm quá mức trên cơ sở tiết giảm chi tiêu sẽ ảnh hưởng xấu đến tăng trưởng kinh tế quốc gia.

Đến nay, chưa có thống kê đầy đủ và toàn diện về cơ cấu phân bổ tiết kiệm dân cư nên chỉ có thể tập trung vào số liệu về tiền gửi tại hệ thốngngân hàng thương mại (NHTM) để lý giải mối liên hệ giữa tiết kiệm dân cư và an ninh tài chính tiền tệ.

Dữ liệu tổng hợp của Stockplus cho thấy, tiền gửi của người dân tại hệ thống NHTM Việt Nam có xu hướng tăng theo thời gian, chiếm khoảng 48,08% đến 60,75% tổng tiền gửi. Trong đó, tập trung vào các NHTM cổ phần. Cá biệt, NHTM CP Liên Việt, Kiên Long, Đông Á hay Phát triển Mê Kông duy trì tỷ lệ này ở mức rất cao, từ 88,75% đến 100%.

Ngược lại, các NHTM do Nhà nước nắm giữ cổ phần chi phối như NHTM CP Đầu tư và Phát triển Việt Nam, Công thương, Ngoại thương, nhờ có lượng lớn tiền gửi của tổ chức kinh tế nên tỷ trọng tiền gửi dân cư chỉ khoảng 30 - 50%. Xét về cơ cấu thời gian, tiền gửi có kỳ hạn chiếm tỷ trọng tuyệt đối trong tổng tiền gửi của hệ thống NHTM.

Tuy không có số liệu thống kê đầy đủ nhưng đánh giá chung của các chuyên gia kinh tế, các nhà quản lý, kỳ hạn phổ biến được dân cư lựa chọn để gửi tiền là dưới 6 tháng. Tỷ lệ tiền gửi trung, dài hạn trong tổng tiền gửi khách hàng thấp, chỉ từ 0 - 10%.

Tỷ trọng tiền gửi bằng VNĐ vẫn chiếm ưu thế so với ngoại tệ nhưng chỉ tăng trong những năm gần đây khi Nhà nước áp dụng các chính sách kiểm soát lãi suất chặt chẽ. Do đó, nguy cơ ngoại tệ hóa đồng tiền vẫn tiềm ẩn.

Như vậy, tiền gửi tại hệ thống NHTM Việt Nam - nhóm định chế lớn nhất trên thị trường tài chính, chủ yếu là tiền gửi dân cư, có kỳ hạn ngắn và một phần bằng ngoại tệ. Thực trạng này tồn tại lâu dài và dễ dẫn đến "sai lệch kép" cả về kỳ hạn và loại tiền, nguyên nhân tiềm tàng dẫn tới khủng hoảng ngân hàng.

Kết hợp với khủng hoảng tiền tệ xuất phát từ xu hướng cho vay quá mức, nguy cơ khủng hoảng với cả nền kinh tế nói chung sẽ thành hiện thực như đã từng xảy ra tại các nước châu Á năm 1997 - 1998. Điều này được biểu hiện cụ thể hơn qua số liệu cho vay của cả thệ thống NHTM.

Từ năm 2008 đến năm 2013, dư nợ cho vay của hệ thống NHTM Việt Nam liên tục tăng. Kể cả trong giai đoạn suy thoái kinh tế, từ năm 2010 - 2013, tốc độ cho vay có giảm đi nhưng giá trị tuyệt đối vẫn gia tăng theo thời gian.

Thực trạng này phản ánh sự cho vay quá mức của hệ thống NHTM, đã được Ngân hàng Thế giới và Quỹ Tiền tệ Quốc tế cảnh báo. So với tổng tiền gửi của khách hàng, dư nợ thậm chí vượt quá 100%.

Do tác động chính sách thắt chặt tiền tệ của Chính phủ và sự kiểm soát chặt chẽ của Ngân hàng Nhà nước, tỷ trọng cho vay trên tổng tiền gửi của khách hàng nói chung đã giảm những năm gần đây, nhưng vẫn ở mức cao.

Đặc biệt, một số ngân hàng duy trì hệ thống này đến 200% như NHTM CP Phát triển Mê Kông, Đại chúng, Phát triển Việt Nam. Đây là những NHTM cổ phần nhỏ, vốn hoạt động chủ yếu bằng tiền gửi dân cư, sự gia tăng cho vay quá mức dẫn đến rủi ro tín dụng cao, có thể xảy ra vỡ nợ dây chuyền.

Trong cơ cấu cho vay, tỷ trọng cho vay ngắn hạn cũng có giá trị lớn hơn tỷ trọng cho vay trung, dài hạn, duy trì ở mức bình quân 58,61%. Đặc biệt, cho vay trung dài hạn lại được tài trợ một phần không nhỏ bởi nguồn vốn ngắn hạn của NHTM nên rủi ro cao.

Xét về loại tiền, cho vay bằng ngoại tệ vẫn tồn tại, chiếm tỷ trọng từ 9,91% đến 32,59% tổng dư nợ cho vay. Kết hợp với tỷ trọng tiền gửi bằng ngoại tệ trong tổng tiền gửi, nguy cơ ngoại tệ hóa đồng tiền vẫn luôn hiện hữu nếu không được kiểm soát chặt.

Đảm bảo an ninh tài chính là vấn đề của quốc gia đòi hỏi sự kiểm soát chặt từ nhiều phía để đề phòng các cú sốc rủi ro tín dụng, rủi ro thanh khoản và rủi ro thị trường. Do đó, Nhà nước cần có chính sách thích hợp để khuyến khích người dân sử dụng khoản tiết kiệm đó theo hướng tác động thích cực tới sự phát triển chung của nền kinh tế, như tự sản xuất, kinh doanh hay đầu tư vào thị trường tài chính.

(Theo CafeF)

Trở về

Bài cùng chuyên mục