Dù ủng hộ chủ trương chống đôla hóa, nhưng nhiều doanh nghiệp (DN) xuất khẩu cho rằng cần có chính sách riêng cho một số đối tượng, thay vì dừng cho vay ngoại tệ đồng loạt như hiện nay khiến các DN xuất khẩu gặp bất lợi trong cạnh tranh.
Lãi suất huy động VND sẽ tăng bao nhiêu cho giai đoạn cuối năm?
- Cập nhật : 14/09/2015
(Tin kinh te)
Những biến động về tỷ giá tạo kỳ vọng và gây sức ép đối với mặt bằng lãi suất. Theo đánh giá của BVSC, mặc dù lãi suất có xu hướng tăng nhưng mức độ điều chỉnh của các ngân hàng sẽ không lớn, khoảng dưới 0,5% cho giai đoạn cuối năm.
Sau những biến động của tỷ giá USD/VND, một số ngân hàng tăng thêm lãi suất huy động với mức từ 0,1 - 0,4%/năm.
Điển hình như, lãi suất huy động một số kỳ hạn tại Ngân hàng TMCP Sài Gòn Công thương (Saigonbank) đã tăng thêm 0,1 %/năm, Ngân hàng TMCP Quốc tế (VIB) tăng thêm từ 0,2 - 0,3 %/năm.
Theo biểu lãi suất áp dụng từ ngày 24/8 tại Ngân hàng TMCP Bản Việt (Viet Capital Bank), lãi suất tiết kiệm kỳ hạn 3 tháng là 5,2%/năm (tăng 0,1%), kỳ hạn 6 tháng là 6,2%/năm và kỳ hạn 12 tháng là 7,4%/năm.
Ngân hàng TMCP Đông Nam Á (SeABank) cũng điều chỉnh lãi suất huy động kỳ hạn 6 tháng lên 5,9%, tăng 0,4%, kỳ hạn 12 tháng lên 6,8%, tăng 0,2%. Trước đó, ABBank cũng đã tăng các kỳ ngắn hạn thêm 0,2%...
Trên thị trường liên ngân hàng, sau 3 tuần tăng mạnh lãi suất liên ngân hàng hiện đã tạm thời ổn định trở lại nhưng xác lập một mặt bằng cao hơn tương đối so với tuần đầu tháng.
Số liệu do NHNN cung cấp cho thấy, tuần giao dịch cuối từ 17 - 21/8, tổng doanh số giao dịch trên thị trường liên ngân hàng trong kỳ bằng VND đạt xấp xỉ 114.652 tỷ đồng (bình quân 22.930 tỷ đồng/ngày) tăng 10.062 tỷ đồng so với tuần từ 10 - 14/8; bằng USD quy đổi ra VND đạt 37.454 tỷ đồng (bình quân khoảng 7.491 tỷ đồng/ngày), tăng 65 tỷ đồng so với tuần trước đó.
Theo kỳ hạn, các giao dịch VND chủ yếu tập trung vào kỳ hạn 1 tuần (chiếm 42%) và qua đêm (chiếm 32% tổng doanh số giao dịch VND). Và so với tuần từ 10 - 14/8, lãi suất bình quân trên thị trường liên ngân hàng tiếp tục tăng ở hầu hết các kỳ hạn chủ chốt.
Bên cạnh đó, các phiên đấu thầu Trái phiếu Chính phủ gần đây không nhận được nhiều sự quan tâm của các tổ chức tín dụng. Trong ba tuần trở lại đây, các nhà đầu tư thường đặt mức lãi suất đầu thầu cao hơn mức mà Kho bạc Nhà nước ấn định (6,4 - 6,5%/năm) và dẫn đến tỷ lệ trúng thầu giảm xuống mức thấp.
“Điều này phản ánh kỳ vọng của các tổ chức tín dụng đối với lãi suất đang theo hướng tăng lên”, Công ty Chứng khoán Bảo Việt (BVSC) phân tích.
Do đó, công ty này cho rằng, với những tín hiệu này và để giữ vững niềm tin của người người gửi tiền vào VND và tạo một khoảng cách đủ hấp dẫn so với lãi suất tiền gửi USD (đề phòng cả trường hợp FED tăng lãi suất trở lại), nhiều khả năng mặt bằng lãi suất huy động VND sẽ có xu hướng tăng lên trong thời gian tới.
Tuy nhiên, trong bối cảnh kỳ vọng về lạm phát đang ở mức thấp và Chính phủ đang muốn duy trì lãi suất ổn định một thời gian để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trở lại, Ngân hàng Nhà nước sẽ không để lãi suất huy động biến động quá mạnh. Bởi điều này có thể làm gia tăng áp lực lên hệ thống ngân hàng và làm gia tăng chi phí vốn vay của khu vực doanh nghiệp.
Như vậy, “chúng tôi cho rằng mặc dù có xu hướng tăng nhưng mức độ điều chỉnh của các ngân hàng có thể sẽ không lớn, khoảng dưới 0,5% cho giai đoạn cuối năm”, bản tin cho hay.
Còn theo Công ty Chứng khoán Rồng Việt (VDSC), với xu hướng tín dụng thường tăng trưởng mạnh trong những tháng cuối năm, theo nhận định của VDSC, mặt bằng lãi suất huy động có thể nhích nhẹ, điều này đồng nghĩa với khả năng lãi suất cho vay không giảm thêm.
Nhìn chung, VDSC cho rằng, NHNN sẽ không điều chỉnh lãi suất cho vay đối với các lĩnh vực ưu tiên, tuy nhiên, cân đối cung - cầu vốn cộng với áp lực xử lý nợ xấu sẽ khiến các ngân hàng thương mại điều chỉnh lãi suất cho vay đối với các đối tượng khác.
Còn nhớ, tại cuộc họp khẩn giữa Thống đốc Nguyễn Văn Bình với lãnh đạo các ngân hàng thương mại, trước diễn biến nóng của tỷ giá diễn ra vào ngày 25/8, lãnh đạo NHNN khẳng định chưa tính đến việc tăng lãi suất và yêu cầu các ngân hàng tạm thời hạn chế ký các hợp đồng kỳ hạn một năm và rút ngắn thời hạn các hợp đồng kỳ hạn.