Tăng VAT - Những tác động đến sản xuất và tiêu dùng
'Giải mã' làn sóng đầu tư từ Hàn Quốc vào Việt Nam
- Cập nhật : 01/10/2017
Nền kinh tế và chính trị của Việt Nam tăng trưởng ổn định; thị trường vẫn còn rất nhiều lĩnh vực tiềm năng; yếu tố Trung Quốc hay yếu tố Triều Tiên… đang kéo dòng vốn từ Hàn Quốc chảy vào Việt Nam. Đây sẽ là cơ hội cho các doanh nghiệp Việt cải cách để cùng phát triển và lớn mạnh nếu không muốn trở thành những “vị khách” trên chính sân nhà.
Sôi động đầu tư gián tiếp lẫn đầu tư trực tiếp vào Việt Nam
Trong quý III/2017 thị trường chứng khoán Việt Nam liên tiếp đón nhận thông tin về các tập đoàn lớn của Hàn Quốc như CJ, TaeKwang, Lotte, KB Financial… sẽ chi hàng chục triệu USD để thâu tóm các mảng kinh doanh vận tải, tiếp vận, tài chính tiêu dùng, chứng khoán hay thực phẩm.
Cụ thể như CJ Express – một thành viên của Tập đoàn CJ ước tính chi ra khoảng 125 triệu USD để mua lại 51% vốn cổ phần tại 2 công ty quản lý các mảng kinh doanh dịch vụ vận tải biển và Logistics của Gemadept.
Ngoài ra, trong quý III/2017, Gemadept và Tập đoàn Hoa Sen Group đã ra quyết nghị bán toàn bộ vốn tại Cảng Hoa Sen – Gemadept. Đối tác nhận chuyển nhượng cảng không được GMD và HSG tiết lộ, nhưng giới tài chính cho rằng, bên nhận chuyển nhượng đến từ Hàn Quốc.
Tae Kwang một đối tác lớn của NIKE cũng muốn thâu tóm GMD bằng việc mua lại 51% vốn của GMD với giá 442 triệu USD từ cổ đông của GMD là Tập đoàn Vietnam Investment Group. Tuy nhiên, thương vụ đã thất bại do 2 bên không đạt được thỏa thuận về giá, và CJ đang muốn nhảy vào cuộc đua này.
Trong lĩnh vực tiêu dùng cá nhân, Lotte Card Co., công ty con của Lotte Group đang thương lượng để mua lại mảng kinh doanh phát hành thẻ tín dụng của Ngân hàng Techcombank dưới hành thức mua 100% vốn của Công ty tài chính TechcomFinance với giá hàng chục triệu USD.
Lotte Group cũng đang lên kế hoạch đầu tư quy mô lớn 330 tỷ won để phát triển cửa hàng Lotte tại Hà Nội trong thời gian tới.
Trước đó, Mirae Asset Life Insurance (Hàn Quốc) cho biết họ đã mua lại 50% vốn của Prevoir Việt Nam – một công ty liên doanh giữa Việt Nam và Công ty bảo hiểm của Tập đoàn Prevoir với giá 48,4 triệu USD. Prevoir Việt Nam là 1 trong 10 công ty bảo hiểm nhân thọ uy tín nhất Việt Nam.
Cùng trong mảng tài chính, một công ty con của Tập đoàn Tài chính KB Financial sẽ mua lại 100% vốn của Công ty Chứng khoán Maritime (MSI) với giá hơn 33 triệu USD. Hay, việc Công ty Samsung Securities cùng Caldera Pacific, một quỹ đầu tư tư nhân của Hồng Kông sẽ trở thành nhà đầu tư lớn thứ hai khi nắm tổng cộng 40% vốn tại Công ty Quản lý quỹ Dragon Capital, trong đó Samsung Securities nắm 10% vốn.
Ở mảng thực phẩm, trong 6 tháng đầu năm 2017, CJ CheilJedang cùng CJ Food đã chi ra gần 33 triệu USD để nắm quyền kiểm soát tại Công ty Thực phẩm Minh Đạt và Công ty Chế biến hàng xuất khẩu Cầu Tre (nay là CJ Cầu Tre).
Không dừng lại ở đó, 8 tháng đầu năm tổng vốn đầu tư trực tiếp từ Hàn Quốc vào Việt Nam hơn 6 tỷ USD, trong đó vốn đăng ký mới là 2,2 tỷ USD, vốn đăng ký tăng thêm 3,3 tỷ USD, góp vốn mua cổ phần là gần 533 triệu USD. Với tổng vốn FDI đầu tư vào Việt Nam hơn 6 tỷ USD trong 8 tháng đầu năm, Hàn Quốc đang là quốc gia dẫn đầu về đầu tư vào Việt Nam dưới hình thức trực tiếp.
Giả mã làn sóng đầu tư từ Hàn Quốc vào Việt Nam
Từ phía doanh nghiệp Hàn Quốc, Lotte Group đánh giá thị trường bán lẻ của Việt Nam có nhiều cơ hội kinh doanh cho các doanh nghiệp ngoại. Ngay như trong lĩnh vực phát hành thẻ tín dụng, hiện chỉ có khoảng 3 triệu người trong tổng khoảng 94 triệu dân sử dụng thẻ tín dụng. Lotte Group lạc quan về tiềm năng tăng trưởng của thị trường thẻ.
Dĩ nhiên, quy mô thị trường tiêu dùng ở Việt Nam và kinh tế phát triển ổn định là yếu tố hấp dẫn cho nhiều doanh nghiệp ngoại. Tuy nhiên, cũng cần nhìn nhận rằng, để có làn sóng đầu tư mạnh mẽ từ Hàn Quốc vào Việt Nam, Trung Quốc cũng là một yếu tố quan trọng.
Hãng tin của Hàn Quốc bình luận về động thái tăng đầu tư vào Việt Nam của các doanh nghiệp Hàn Quốc như Lotte Group rằng, Lotte đang gặp khó khăn tại Trung Quốc khi nhiều siêu thị của Lotte bị đóng cửa. Và để bù đắp cho những nguy cơ và tổn thất đang tăng ở Trung Quốc, Lotte Group đã chuyển hướng tập trung từ Trung Quốc sang Việt Nam, quốc gia mà nhiều công ty Hàn Quốc đang trên đà tăng trưởng vững chắc và mong muốn mở rộng sự hiện diện của họ.
Tương tự như Lotte Group, KB Financial cũng muốn mở rộng sự hiện diện của mình ở Đông Nam Á bao gồm cả ở Việt Nam.
Từ phía doanh nghiệp Việt Nam, thành viên HĐQT của CTCP Phát triển Nhà Thủ Đức – Thuduc House (mã TDH), trong phần chia sẻ với cổ đông tại kỳ họp thường niên năm 2017 đánh giá, sắp tới sẽ có làn sóng đầu tư từ Hàn Quốc sang đầu tư bất động sản tại Việt Nam ở những vị trí lân cận trung tâm TP. Hồ Chí Minh do ảnh hưởng chính sự tại Bắc Triều Tiên và Việt Nam là vùng đất ổn định chính trị.
TDH cũng đã chuẩn bị đón nhận làn sóng đầu tư từ Hàn Quốc vào Việt Nam bằng việc tập trung tạo quỹ đất cho 10 năm tới, địa bàn chủ yếu ở Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh cũng như các tỉnh lân cận 2 thành phố này.
Nền kinh tế Việt Nam tăng trưởng ổn định; chính trị ổn định; thị trường vẫn còn rất nhiều lĩnh vực tiềm năng và phù hợp với định hướng đầu tư chiến lược của các nhà đầu tư Hàn Quốc như cảng biển, logistics, hàng không hay bất động sản...; yếu tố Trung Quốc; hay các nhà đầu tư muốn phân tán rủi ro khi mà nguy cơ xung đột với Triều Tiên có thể xảy ra… đang kéo dòng vốn từ Hàn Quốc chảy vào Việt Nam.
Đây là cơ hội để Việt Nam cải cách, các doanh nghiệp Việt cùng cải cách để cùng phát triển và lớn mạnh nếu không muốn trở thành những “vị khách” trên chính sân nhà.
HỒNG QUÂN
Theo Bizlive.vn