Theo Ngân hàng Nhà nước, tỉ lệ nợ xấu nội bảng đã kiểm soát ở mức dưới 3% nhưng nợ xấu có xu hướng tăng trở lại về quy mô. Tính đến 31-12-2016, tỉ lệ nợ xấu nội bảng, nợ xấu do Công ty quản lý tài sản các tổ chức tín dụng (VAMC) quản lý và nợ tiềm ẩn thành nợ xấu có khả năng lên đến 8,86% tổng dư nợ.
Vì sao dòng vốn từ Hàn Quốc ngày càng chảy mạnh vào Việt Nam?
- Cập nhật : 02/10/2017
Hàn Quốc tiếp tục là thị trường nhập siêu lớn nhất của Việt Nam sẽ là cơ hội cho các doanh nghiệp Việt cải cách để cùng phát triển và lớn mạnh.
Hàn Quốc tiếp tục là thị trường nhập siêu lớn nhất của Việt Nam sẽ là cơ hội cho các doanh nghiệp Việt cải cách để cùng phát triển và lớn mạnh.Nguồn ảnh: Enternews
Tiếp tục là thị trường nhập siêu lớn nhất của Việt Nam
Số liệu của Tổng cục Thống kê về kinh tế xã hội 9 tháng 2017 cho biết, kim ngạch xuất khẩu tháng 9 đạt 19 tỷ USD, tăng 23,6% so với cùng kỳ 2016. Tính chung 9 tháng xuất khẩu đạt 154 tỷ USD, tăng 19,8%. Nhập khẩu tháng 9 đạt 18,6 tỷ USD; tính chung 9 tháng là 154,5 tỷ USD, tăng 23,1% so với cùng kỳ.
Như vậy, Việt Nam nhập siêu 442 triệu USD trong 9 tháng, góp phần lớn vào con số này là khu vực trong nước với 18,08 tỷ USD, khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) xuất siêu 17,64 tỷ USD.
Đáng lưu ý, tiếp tục là thị trường nhập siêu lớn nhất của Việt Nam khi nhập siêu 9 tháng đầu năm lên đến 23,3 tỷ USD, tăng 57,7% so với cùng kỳ 2016. Mức thâm hụt thương mại này tăng gần 7,4 tỷ USD so với cách đây 3 tháng.
Về con số nhập siêu cao và tăng nhanh từ thị trường Hàn Quốc, đại diện Vụ thống kê thương mại - dịch vụ cho hay, phần lớn nhập siêu từ Hàn Quốc tăng nhanh chủ yếu do Samsung nhập khẩu lượng lớn, máy móc thiết bị để sản xuất sản phẩm mới – Galaxy Note 8. Trong khi đó xuất khẩu của Việt nam sang Hàn Quốc vẫn duy trì mức độ ổn định từ đầu năm.
“Chênh lệch cán cân thương mại này khiến nhập siêu từ Hàn Quốc tăng cao”, vị này cho biết và nói thêm, tỷ trọng xuất khẩu của Samsung góp trong xuất khẩu chung của Việt Nam là hơn 20%, nhập khẩu dưới 20%.
Ông Nguyễn Bích Lâm - Tổng cục trưởng Tổng cục thống kê (Bộ Kế hoạch & Đầu tư) cũng cho hay, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 12,7% trong quý III, trong đó góp gần một nửa vào mức tăng này đến từ Samsung (khoảng 45%). “Việc ra đời sản phẩm mới của hãng này đã đẩy kim ngạch nhập khẩu tăng nhanh và góp vào mức tăng chung của ngành công nghiệp chế biến, chế tạo”, ông Lâm chia sẻ.
Giải mã làn sóng đầu tư từ Hàn Quốc
Theo chuyên gia, DN Hàn Quốc đang sản xuất những ngành tiên tiến hơn Việt Nam. Khi đó, DN Việt Nam muốn vươn lên sẽ khó hơn. Trước đây, Việt Nam chỉ bị chặn ở dưới bởi hàng Trung Quốc giá rẻ, giờ đây còn bị chặn bởi hàng của Hàn Quốc cao cấp hơn.
Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Hàn Quốc ưa chuộng đầu tư vào công nghiệp chế biến, chế tạo, bất động sản, xây dựng, vận tải kho bãi và bán buôn bán lẻ, sửa chữa ôtô xe máy.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư nhận định, các doanh nghiệp Hàn Quốc đã giúp doanh nghiệp Việt nhận thức rõ về ưu và nhược điểm của mình. Chẳng hạn, Samsung - một trong những nhà đầu tư hàng đầu, đã tập trung đầu tư cho điện tử, công nghệ cao và nhiều dự án trọng điểm trong giao thông, điện lực, bất động sản với tổng vốn đăng ký gần 16 tỷ USD.
Lý giải làn sóng đầu tư Hàn, Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), ông Đỗ Nhất Hoàng cho rằng, có nhiều lý do khiến quyết định của các nhà đầu tư vào Việt Nam như tình hình chính trị ổn định và tăng trưởng kinh tế cao ( 5-6,5%/năm).
Hệ thống cơ sở hạ tầng đang ngày càng hoàn thiện và đang được đầu tư mạnh, với 20 sân bay, 39 cảng biển, hệ thống đường bộ được nâng cấp và xây mới. Nguồn nhân lực dồi dào với khoảng 93 triệu dân, trong đó 60% dân số đang trong độ tuổi lao động.
“Tôi cho rằng, việc cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, những đổi mới về luật pháp chính sách theo hướng minh bạch hoá thủ tục đầu tư và bình đẳng đối với nhà đầu tư nước ngoài. Việc tham gia các FTA thế hệ mới với cam kết giảm thuế sâu, bảo hộ sở hữu trí tuệ,…đã tạo ra động lực thu hút đầu tư”, Cục trưởng Hoàng khẳng định doanh nghiệp FDI Hàn Quốc đóng vai trò quan trọng trong nền kinh tế Việt Nam, tạo ra 70 vạn việc làm, góp 30% tổng giá trị xuất khẩu của Việt Nam.
Đặc biệt, với các chính sách ưu đãi của Việt Nam đang được định hình, ngành năng lượng được cho là có sức hút với nhà đầu tư Hàn Quốc: nhiệt điện, điện nguyên tử hay năng lượng tái tạo.
Trong dài hạn, tiềm năng thu hút vốn từ Hàn Quốc sẽ có nhiều thuận lợi do Hàn Quốc vẫn coi ASEAN là địa bàn trọng điểm. Về những tồn tại trong công nghiệp hỗ trợ, chất lượng nguồn nhân lực, cơ sở hạ tầng…Việt Nam sẽ tiếp tục khắc phục để tăng sức hấp dẫn với giới doanh nhân Hàn Quốc.
Như vậy, nền kinh tế Việt Nam tăng trưởng ổn định; chính trị ổn định; thị trường vẫn còn rất nhiều lĩnh vực tiềm năng và phù hợp với định hướng đầu tư chiến lược của các nhà đầu tư Hàn Quốc như cảng biển, logistics, hàng không hay bất động sản...; yếu tố Trung Quốc; hay các nhà đầu tư muốn phân tán rủi ro khi mà nguy cơ xung đột với Triều Tiên có thể xảy ra… đang kéo dòng vốn từ Hàn Quốc chảy vào Việt Nam.
Đây là cơ hội để Việt Nam cải cách, các doanh nghiệp Việt cùng cải cách để cùng phát triển và lớn mạnh nếu không muốn trở thành những “vị khách” trên chính sân nhà.
Theo Nhipcaudautu.vn