Thông tư số 15/2015/TT-NHNN “Hướng dẫn giao dịch ngoại tệ trên thị trường ngoại tệ của các tổ chức tín dụng” ban hành ngày 2-10-2015 và có hiệu lực ngay từ đầu tuần này đưa ra những quy định mới có tính kỹ thuật về giao dịch ngoại hối của các ngân hàng.
Bán nợ xấu và tài sản bảo đảm: VAMC bị oan khi nói được trao “đặc quyền”
- Cập nhật : 16/09/2016
(Tai chinh)
Chính phủ thành lập VAMC để mua lại nợ xấu của các TCTD. Nói mua nhưng hạch toán hết chứ không có tiền để mua. Tức là giảm nợ xấu của NH nhưng cuối cùng phần giảm đó đem về để ở VAMC và còn chưa bán được. Bây giờ giao cho VAMC đi đấu giá là không bảo đảm tính minh bạch, không rõ ràng.
Lựa chọn phương thức bán khoản nợ xấu và bán tài sản bảo đảm của các khoản nợ xấu là quyền đương nhiên của VAMC. Nếu luật hóa việc đấu giá nợ xấu và tài sản bảo đảm của các khoản nợ xấu là hạn chế quyền đương nhiên của VAMC.
Không đưa vào luật
Báo cáo giải trình về một số vấn đề lớn còn có ý kiến khác nhau của dự án Luật Đấu giá tài sản tại phiên họp thứ 3 Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho biết, một số ý kiến đề nghị quy định 1 chương về đấu giá nợ xấu và tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu, trong đó quy định đầy đủ nguyên tắc, trình tự, thủ tục xử lý nợ xấu nhằm bảo đảm tính minh bạch. Có ý kiến đề nghị giao Chính phủ quy định về đấu giá nợ xấu vì cho rằng việc quy định cụ thể ngay trong Luật là không phù hợp, không đảm bảo sự linh hoạt.
Việc VAMC xử lý tài sản bảo đảm theo phương thức thỏa thuận không phải là “đặc quyền” trong việc xử lý tài sản bảo đảm
Ủy ban Kinh tế cho rằng, nhằm tạo điều kiện cho việc đấu giá nợ xấu và tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu mà VAMC sử dụng nguồn tiền có nguồn gốc ngân sách để mua được thực hiện theo trình tự, thủ tục thuận lợi, phù hợp với tình hình thực tiễn xử lý nợ xấu nhưng vẫn phải tuân thủ các nguyên tắc, quy định của Luật Đấu giá tài sản, nội dung về đấu giá nợ xấu và tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu được quy định mang tính nguyên tắc tại một số điều, khoản trong Luật và giao Chính phủ hướng dẫn về trình tự, thủ tục đấu giá đối với loại tài sản này.
Không đồng ý với quan điểm này, song Chủ tịch Quốc hội cho rằng: “Chính phủ thành lập VAMC để mua lại nợ xấu của các TCTD. Nói mua nhưng hạch toán hết chứ không có tiền để mua. Tức là giảm nợ xấu của NH nhưng cuối cùng phần giảm đó đem về để ở VAMC và còn chưa bán được. Bây giờ giao cho VAMC đi đấu giá là không bảo đảm tính minh bạch, không rõ ràng”.
Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Hà Ngọc Chiến cũng băn khoăn về quy định cho phép VAMC tự đấu giá hoặc ký kết hợp đồng dịch vụ đấu giá tài sản với tổ chức đấu giá tài sản để thực hiện việc đấu giá nợ xấu và tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu mà Công ty đã mua, bởi là tài sản nhà nước nhưng lại cho công ty này lựa chọn là không ổn.
Giao Chính phủ hướng dẫn chi tiết trình tự, thủ tục đấu giá nợ xấu và tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu mà VAMC đã mua cũng không yên tâm, mà quy định vào luật cũng vậy. Vì VAMC là mô hình mới, kể cả trên thế giới, tính hiệu quả cũng chưa được đánh giá, tổng kết.
Chủ tịch Quốc hội cũng phân tích thêm, Luật về đấu giá tài sản nhưng lại có điều quy định một doanh nghiệp mới được thành lập được hưởng quy định này thì vô lý. Đến khi hết nợ xấu rồi thì nó còn tồn tại không mà lại đưa vào một điều luật. “Tại sao lại có một đặc ân giao cho một doanh nghiệp mới thành lập gần đây, mà như anh Chiến nói là chưa đánh giá được có hiệu quả hay không. Đề nghị Ban soạn thảo, cơ quan thẩm tra nghiên cứu thêm điều này.
Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính ngân sách Quốc hội Nguyễn Đức Hải cũng cho rằng, mua bán nợ nhiều khi còn phụ thuộc vào cơ chế thị trường, các bên có thể trao đổi thỏa thuận với nhau rất công phu chứ không thể chỉ mang ra đấu giá là xong. Nợ xấu và tài sản bảo đảm các khoản nợ xấu liên quan đến nhiều dự án, nhiều vấn đề phức tạp liên quan đến đầu tư, nên việc này không thể chỉ đấu giá thông thường, vì vậy không nên đưa vào Luật.
Không có “đặc ân” hay “đặc quyền”
Kết thúc phiên họp, nhiều ý kiến không đồng tình với việc luật hóa đấu giá nợ xấu và tài sản bảo đảm nợ xấu. Mặc dù đồng ý với việc không luật hóa bán đấu giá nợ xấu, tài sản bảo đảm của VAMC, nhưng các chuyên gia pháp luật NH cho rằng, những lập luận để loại bỏ quy định này là chưa thuyết phục và không có căn cứ bởi lựa chọn phương thức bán nợ xấu và bán tài sản bảo đảm của các khoản nợ xấu là quyền đương nhiên của VAMC theo quy định của pháp luật. Nếu luật hóa việc đấu giá nợ xấu và tài sản bảo đảm nợ xấu là hạn chế quyền đương nhiên của VAMC.
Cụ thể, đối với quyền bán khoản nợ xấu của VAMC, bản chất việc mua bán nợ là việc mua bán quyền đòi nợ. Theo quy định tại BLDS, quyền đòi nợ là một loại tài sản được mua bán trong giao dịch dân sự. Việc mua bán quyền đòi nợ là một trong các căn cứ xác lập quyền sở hữu theo BLDS. Sau khi mua nợ, bên mua nợ sẽ trở thành chủ sở hữu đối với quyền đòi nợ.
Điều 194 BLDS 2015 cũng quy định, chủ sở hữu tài sản có quyền bán, trao đổi, tặng cho, cho vay, để thừa kế, từ bỏ quyền sở hữu, tiêu dùng, tiêu hủy hoặc thực hiện các hình thức định đoạt khác phù hợp với quy định của pháp luật đối với tài sản. Còn theo quy định của Nghị định 53/2013/NĐ-CP, VAMC được quyền kế thừa quyền và nghĩa vụ chủ nợ của TCTD bán nợ; thực hiện các quyền của chủ nợ đối với khách hàng vay, bên có nghĩa vụ trả nợ.
Như vậy, sau khi mua nợ, VAMC là chủ sở hữu đối với khoản nợ xấu được mua; và VAMC đương nhiên có các quyền của chủ sở hữu theo quy định của BLDS, quyền chủ nợ đối với khoản nợ xấu đã mua, trong đó có quyền bán khoản nợ xấu.
Bên cạnh đó, theo quy định tại Thông tư 19/2015/TT-NHNN thì TCTD có quyền lựa chọn một trong hai phương thức mua bán nợ đó là thỏa thuận hoặc thông qua bán đấu giá.
Như vậy, quy định VAMC được bán nợ xấu theo phương thức thỏa thuận là phù hợp với quy định của BLDS về quyền của chủ sở hữu, quyền của chủ nợ. Quyền được bán nợ theo phương thức thỏa thuận của VAMC cũng là quyền bán nợ của TCTD, VAMC không có bất kỳ “đặc quyền” nào so với các chủ thể mua nợ khác theo quy định của pháp luật. Do đó, nếu bắt buộc VAMC phải bán khoản nợ xấu thông qua bán đấu giá là hạn chế quyền đương nhiên của VAMC.
Về việc bán tài sản bảo đảm, theo BLDS, bên bảo đảm và bên nhận bảo đảm có quyền thỏa thuận về phương thức xử lý tài sản bảo đảm, bao gồm cả việc bên nhận bảo đảm tự bán tài sản bảo đảm mà không bắt buộc phải bán thông qua đấu giá.
Nghị định 53/2013/NĐ-CP cũng quy định, VAMC được quyền kế thừa quyền và nghĩa vụ chủ nợ của TCTD bán nợ, thực hiện các quyền của bên nhận bảo đảm đối với bên bảo đảm nhằm thu hồi nợ. Thông tư 09/2015/TT-NHNN cũng quy định khi mua nợ xấu từ TCTD, toàn bộ các quyền và lợi ích gắn liền với khoản nợ xấu, tài sản bảo đảm và biện pháp bảo đảm khác cho khoản nợ xấu được bên bán nợ giữ nguyên hiện trạng và chuyển giao cho bên mua nợ.
Như vậy, quyền bán tài sản bảo đảm theo phương thức thỏa thuận, bao gồm tự bán tài sản bảo đảm nếu có thỏa thuận với bên bảo đảm, không bắt buộc phải thông qua bán đấu giá là quyền của bất kỳ bên nhận bảo đảm nào không chỉ áp dụng riêng cho VAMC. Hay nói cách khác, việc VAMC xử lý tài sản bảo đảm theo phương thức thỏa thuận không phải là “đặc quyền” trong việc xử lý tài sản bảo đảm. Vì vậy, trường hợp bắt buộc VAMC phải bán tài sản bảo đảm thông qua đấu giá sẽ làm hạn chế quyền xử lý tài sản bảo đảm của VAMC so với các bên nhận thế chấp khác.