tin kinh te
 
 
 
rss - tinkinhte.com

Khám sức khỏe nhóm “Big 4” ngân hàng Việt Nam

  • Cập nhật : 10/10/2015

(Tai chinh)

Sau gần bốn năm triển khai các giải pháp cơ cấu lại, thế và lực của các ngân hàng thương mại nhà nước đã từng bước được củng cố và cải thiện, bảo đảm thực hiện được vai trò trụ cột của hệ thống”, cơ quan thanh tra giám sát của Ngân hàng Nhà nước vừa đưa ra đánh giá mới nhất.

 

Cùng với khối ngân hàng thương mại cổ phần, những đánh giá trên được tập hợp trước thềm khép lại quá trình tái cơ cấu hệ thống ngân hàng giai đoạn 2011-2015, để chuẩn bị bước sang một giai đoạn mới.

Xử lý nhanh nợ xấu

Trong gần bốn năm qua, Ngân hàng Nhà nước đã lần lượt phê duyệt đề án cơ cấu lại của Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank), Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) và Ngân hàng Công thương Việt Nam (Vietinbank).

Theo cơ quan thanh tra giám sát, đến nay các ngân hàng này đang tích cực tiến hành tái cơ cấu theo đúng mục tiêu, định hướng và lộ trình đề ra.

Riêng trường hợp Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam (Agribank), từ năm 2013 đề án tái cơ cấu cũng đã được phê duyệt, song Ngân hàng Nhà nước yêu cầu xây dựng 8 phương án cơ cấu lại cụ thể đối với từng lĩnh vực, hiện đã phê duyệt 5/8 phương án.

Về tổng thể, sau gần bốn năm thực hiện tái cơ cấu, nhóm “Big 4” gồm Agribank, Vietcombank, VietinBank và BIDV đều đã xử lý nhanh nợ xấu, nâng cao năng lực tài chính và mở rộng quy mô hoạt động.

Cụ thể, đến thời điểm 8/2015, tỷ lệ nợ xấu của nhóm này là 2,09%, lần lượt giảm từ 2,28% tại thời điểm 12/2014, 2,75% tại 12/2013, 3,18% tại 12/2012 và 2,83% vào 12/2011.

Trong thời gian từ 2012 đến tháng 7/2015, các ngân hàng thương mại nhà nước đã xử lý được 183,3 nghìn tỷ đồng nợ xấu; trong đó, 7 tháng đầu năm 2015 xử lý được 39,74 nghìn tỷ đồng.

Tỷ lệ an toàn vốn của nhóm ngân hàng này duy trì ổn định ở mức cao hơn quy định: năm 2011 là 9,06%, năm 2012 đạt 10,28%, năm 2013 đạt 10.91%, năm 2014 đạt 9,40% và tháng 7/2015 đạt 9,60%.

Một trong những điểm đáng quan ngại ở khối ngân hàng thương mại nhà nước những năm trước là tỷ lệ cho vay so với huy động (LDR) luôn ở mức cao, tiềm ẩn rủi ro thanh khoản. Như tại tháng 12/2011, LDR của khối lên tới 110,01%.

Tuy nhiên, dữ liệu thống kê cho thấy, đến tháng 8/2015, quan ngại trên đã có phần dịu bớt khi LDR giảm xuống còn 97,32%, và tính đến 21/9/2015 chỉ còn 93,2%. Với diễn biến này, Ngân hàng Nhà nước dự tính sẽ hạ được LDR của khối xuống không quá 90% vào cuối năm 2015 như mục tiêu đặt ra tại đề án tái cơ cấu mà Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt.

Về năng lực tài chính, sức mạnh của nhóm “Big 4” cũng liên tục tăng khá nhanh trong gần bốn năm qua.

Tổng quy mô vốn điều lệ đến cuối tháng 8/2015 đã đạt 135 nghìn tỷ đồng, tăng 0,58% so với 12/2014, tăng 5,38% so với 12/2013, tăng 21,0% so với 12/2012 và tăng 54,98% so với 12/2011; chiếm 30,03% tổng vốn điều lệ toàn hệ thống.

Quy mô tổng tài sản nhóm này đã chính thức vượt mốc 3 triệu tỷ đồng, đến tháng 8/2015 là 3.089,8 nghìn tỷ đồng, tăng 7,43% so với 12/2014, tăng 23,35% so với 12/2013, tăng 40,34% so với 12/2012 và 56,87% so với 12/2011.

Thị phần tài sản cũng tăng liên tục từ 39,44% cuối năm 2011 lên 42,9% cuối năm 2012, tiếp tục tăng lên 43,1% vào cuối năm 2013, tháng 12/2014 là 44,15% và tháng 8/2015 là 45,75% toàn hệ thống. Điểm này được cơ quan thanh tra giám sát nhấn mạnh ở việc nâng cao vai trò dẫn dắt và vị trí chi phối thị trường theo định hướng mà Ngân hàng Nhà nước xác định.

Hiệu quả kinh doanh cao hơn mức bình quân

Về kinh doanh, huy động vốn của nhóm “Big 4” tăng khá ổn định trong giai đoạn 2011-2015. Tốc độ tăng từng năm tương ứng là 12,64%, 23,96%, 15,72%, 16,65%, tháng 8/2015 tăng 11,84% so với năm 2014 (tăng 87,16% so với năm 2011). Khối này đang chiếm thị phần huy động vốn lớn nhất trong toàn hệ thống, đến tháng 8/2015 chiếm 45,94% (năm 2011 là 44,47%).
 
Tăng trưởng tín dụng cũng khá ổn định trong giai đoạn 2011-2015, tương ứng là 18,66%, 12,12%, 13,03%, 13,25%, tháng 8/2015 tăng 9,51% so với năm 2014 (tăng 57,17% so với 2011). Thị phần tín dụng nhóm “Big 4” vẫn tiếp tục chi phối trong hệ thống với tỷ trọng 50,35% tại thời điểm tháng 8/2015.

Trong giai đoạn 2011-2015, số liệu thống kê cho thấy, hiệu quả kinh doanh của khối ngân hàng thương mại nhà nước thường cao hơn so với mức bình quân toàn hệ thống.

Cụ thể, tỷ số sinh lời trên tổng tài sản (ROA) của nhóm này qua các năm: tháng 12/2011: 0,92% (hệ thống là 1%); tháng 12/2012: 0,76% (hệ thống là 0,48%); tháng 12/2013: 0,65% (hệ thống là 0,50%); tháng 12/2014 : 0,59% (hệ thống là 0,57%) và tháng 6/2015: 0,32% (hệ thống là 0,32%).

Và tỷ số lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu (ROE) qua các năm: tháng 12/2011: 12,46% (hệ thống là 10,81%); tháng 12/2012: 11,37% (hệ thống là 3,97%); tháng 12/2013: 8,10% (hệ thống là 5,56%); tháng 12/2014: 8,20% (hệ thống là 6,43%) và tháng 6/2015: 4,53% (hệ thống là 3,54%).

(Theo Trung tâm thông tin CN& TM Bộ Công Thương)

 

Trở về

Bài cùng chuyên mục