Đã hơn hai năm kể từ khi câu chuyện tất toán trạng thái vàng kết thúc, dư âm vẫn còn. Rủi ro khách quan có, chủ quan có, và nhìn chung là đều nặng nề.
Đầu tư vàng: Ai được lợi, ai hụt hơi?
- Cập nhật : 04/09/2015
(Tin kinh te)
Người mua vàng cũng cần thận trọng trước các cơn “sóng” của thị trường và phải nắm bắt được thông tin của kinh tế Mỹ.
Chu kỳ giảm sẽ khó kéo dài
Thực tế cho thấy, giá vàng giảm ngay sau khi tăng nóng 1 vài ngày nhưng lượng giao dịch vàng trên thị trường không giảm. Bởi người ta vẫn tin rằng, với mặt hàng kim loại quý này và dầu thô sẽ chỉ giảm giá trong một mức độ, khó có thể tụt dốc mạnh. Vì vậy, cho dù các thông tin hỗ trợ cho lực tăng của giá vàng không còn nhiều như trước, nhưng vàng vẫn giữ được vai trò của nó.
Điều này được chị Hoàng Anh (tạm gọi nhà đầu tư vàng tại quận Bình Thạnh) chứng minh bằng lý thuyết cho khoảng 5 người (muốn mua vàng đầu tư) rằng: Vàng đã có những phiên giảm giá, thế nhưng giá vàng vẫn duy trì trên ngưỡng 1.100 USD/ounce và thậm chí đã nhanh chóng vượt ngưỡng trong những ngày gần đây làm khuynh đảo thị trường. Tại Việt Nam, chỉ trong khoảng 10 ngày, giá vàng có thời điểm đạt mức chênh lên tới hơn 2,7 triệu đồng/lượng.
“Các dự báo đưa ra cho thấy, kinh tế toàn cầu 2015 có thể sẽ hồi phục nếu tình hình chính trị ổn định. Nếu kinh tế đi lên, sức khỏe đô la Mỹ sẽ được hồi phục, do đó sẽ có những ảnh hưởng đến giá vàng khi không còn nhiều lực đẩy tăng giá mạnh như trước đây. Tuy nhiên, giới phân tích vàng chuyên nghiệp cho rằng, mặt hàng kim loại quý này vẫn giữ vai trò của nó nên khó có thể xuống sâu như kỳ vọng. Từ đây, tôi nghĩ giá vàng chỉ giảm trong ngắn hạn chứ không thể kéo dài chuỗi giảm giá trong một thời gian dài”, chị Anh phân tích.
Quả vậy, giá vàng trong nước và thế giới đã biến động mạnh kể từ khi Trung Quốc bắt đầu cho phá giá đồng Nhân dân tệ (11/8). Trong khoảng thời gian từ ngày 12 đến 28/8, giá vàng SJC tại thị trường Việt Nam có thời điểm đã đạt mức tăng tới 2,54 triệu đồng/lượng…
Cụ thể, trong khoảng thời gian này, giá vàng SJC biến động tăng giảm theo ngày là khá mạnh theo diễn biến tâm lý trên các thị trường vàng, dầu, chứng khoán của thế giới. Tuy nhiên, sau khi đạt mức tăng 35,6 triệu đồng/lượng, giá vàng SJC đã quay đầu đi xuống liên tục sau đó. Tính tại thời điểm ngày 1/9, giá vàng SJC niêm yết trên bảng giá của Công ty Vàng bạc Đá quý Sài Gòn đứng tại mức 34 - 34,4 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra).
Tính chung một tuần gần đây, giá vàng SJC giảm khoảng 750 ngàn đồng/lượng, nhưng so với mức giá đóng cửa tháng 7, giá vàng SJC hiện tại lại tăng lên tới 1,5 triệu đồng/lượng. Còn nếu tính trong tháng 8, mức chênh lệch giữa giá cao nhất và thấp nhất từ đạt khoảng 2,73 triệu đồng/lượng.
Xét theo các số liệu của nền kinh tế Mỹ, tình hình kinh tế vẫn còn nhiều khó khăn và chưa thể nói đã đi vào giai đoạn hồi phục. Nó khiến nhà đầu tư hy vọng vàng tiếp tục là công cụ tránh lạm phát và được xem là nơi gửi gắm vốn an toàn, lãi cao. Vì thế, vàng có nhiều lúc trồi sụt bất ngờ, nhưng tâm lý của nhà đầu tư trong và ngoài nước vẫn tin rằng: “Khó tránh được khi nào vàng sẽ bật tăng trở lại”.
Kỳ vọng có quá lớn?
Trao đổi với một nhà đầu tư có kinh nghiệm về vàng, thực tế, những dự đoán dựa trên số liệu của người thích đầu tư vàng là không sai. Với vàng thế giới, giá vàng giao ngay niêm yết trên sàn giao dịch Kitco của Singapore có mức tăng trung bình khoảng vài USD so với mức giá đóng cửa ngày liền trước. Trong khoảng thời gian từ 11 đến 28/8, giá vàng thế giới cũng biến động mạnh và có thời điểm đã tăng lên đạt mức 1.160 USD/ounce, tăng lên tới 70 USD/ounce so với trước thời điểm "cơn sóng" đồng Nhân dân tệ phá giá.
So với giá vàng thì chuyện gom mua vàng của Trung Quốc mới là yếu tố quan trọng. Đến nay, đối với Trung Quốc, mãi lực vàng không chỉ có người dân mà ngay cả Ngân hàng Trung ương và ngân hàng thương mại của quốc gia này cũng đẩy mạnh mua vàng. Trong chính sách tiền tệ của Trung Quốc thì vàng vẫn được ưu tiên để mua. Vì thế, một khi giá vàng giảm sẽ là cơ hội để họ mua vàng… Đây là dữ liệu khá tích cực và nó đang giúp nhà đầu tư trong nước củng cố thêm niềm tin mua vàng kiểu gì cũng thắng.
Tuy nhiên, theo đánh giá của ông Huỳnh Trung Khánh – cố vấn cấp cao Hội đồng Vàng thế giới tại Việt Nam, mức cản kỹ thuật 1.200 USD/ounce (đây cũng là giá thành sản xuất của các mỏ vàng) sẽ là thước đo điểm dừng, nếu giá vàng giảm xuống tới ngưỡng này các mỏ sản xuất sẽ dừng sản xuất. Cung ra thị trường hạn chế sẽ tác động đẩy giá vàng tăng. Đồng thời, khi giá mặt hàng kim loại quý này xuống thấp sẽ là thời điểm cung – cầu có tiếng nói quyết định.
Tương tự, ông Nguyễn Ngọc Trọng, Giám đốc kinh doanh vàng miếng Công ty Vàng bạc đá quý Phú Nhuận (PNJ) cho rằng, vàng giảm luôn là thời điểm mãi lực tăng. Nhưng vấn đề đặt ra lúc này đối với nhà đầu tư trong nước là nếu quy đổi theo tỷ giá bình quân liên ngân hàng, giá vàng thế giới hiện thấp hơn giá vàng SJC bán ra trong nước khoảng 3,79 triệu đồng/lượng.
Quả vậy, nếu để ý, người mua vàng sẽ nhận ra rằng mức chênh lệch giữa giá vàng trong nước và thế giới khó có thể thu hẹp được. Do đó, người mua vàng trong nước vẫn phải mua vàng giá cao hơn so với giá thế giới, với mức chênh lệch duy trì từ 3-5 triệu đồng/lượng khoảng 2 năm nay. Cùng với các quy định của Nghị định 24 cũng hạn chế mua, bán vàng miếng của NHNN thì việc đầu tư vàng đang nằm ngoài sự bảo vệ của chính sách.
Như vậy, để thu hẹp được chênh lệch giá vàng quốc tế và trong nước là rất khó khi thị trường nội địa chưa được khơi thông. Vì thế, người mua vàng cũng cần thận trọng trước các cơn “sóng” của thị trường và phải nắm bắt được thông tin của kinh tế Mỹ.
Ngoài ra, việc tìm lãi ở vàng hiện không dành cho nhà đầu tư nhỏ lẻ. Nói như vậy vì nếu nhà đầu tư nhìn khoảng thời gian từ 12 đến 29/8, giá vàng SJC niêm yết ở các hiệu vàng có mức chênh lệch giữa bán ra - mua vào là rất lớn, thường có mức chênh từ 500 đến 800 ngàn đồng/lượng.
Thậm chí, có thời điểm mức chênh lệch này lên tới 1 triệu đồng/lượng (ngày 21/8 tại Công ty Vàng bạc Đá quý Sài Gòn có mức giá bán ra - mua vào là 35,4 - 34,4 triệu đồng/lượng). Trong khi trước đây, mức chênh lệch giữa giá bán ra tại SJC chỉ dao động trong khoảng từ 80 đến 120 ngàn đồng/lượng. Tại Tập đoàn DOJI, mức chênh lệch niêm yết giữa giá bán ra và mua vào có khi chỉ dao động quanh mức 50 ngàn đồng/lượng.
Rõ ràng, các công ty kinh doanh vàng đều luôn tạo một khoảng cách lớn giữa giá bán ra và mua vào, điều đó cũng đồng nghĩa với việc chỉ có nhà cái mới có thể đạt mức lợi nhuận cao, chứ người mua vàng chưa chắc đạt được kỳ vọng.
Chẳng hạn, trong ngày 12/8 (giá mua vào của SJC là 32,91 triệu đồng/lượng và giá bán ra ở mức 35,6 triệu đồng/lượng), cửa hàng thu lợi nhuận 2,69 triệu đồng/lượng chưa kể giá mua vàng nguyên liệu thấp. Nhưng cùng thời điểm mua - bán như trên, người mua (khách hàng) chỉ có thể đạt mức lợi nhuận là 1,66 triệu đồng/lượng (giá mua vào của khách hàng đầu ngày 12/8 là 33,04 triệu đồng/lượng và bán cho hiệu vàng mức giá đạt đỉnh ngày 22/8 là 34,70 triệu đồng/lượng).
Chưa kể, khi thị trường vàng sụp đổ, khách hàng - người có ít tiền hơn, chậm chân hơn luôn là người gánh chịu hậu quả thua lỗ nặng nề nhất.