Lich sử cho thấy mặc dù quyết định của IMF mang ý nghĩa quan trọng về mặt biểu tượng, là thành viên của “câu lạc bộ” SDR không cần thiết và không tác động quá nhiều tới việc nhân dân tệ được chấp nhận là một đồng tiền
TS Trần Hoàng Ngân: Không nên tăng lãi suất
- Cập nhật : 07/09/2015
(Tin kinh te)
PGS-TS Trần Hoàng Ngân, thành viên Hội đồng Chính sách tiền tệ quốc gia, khuyến nghị các ngân hàng nên duy trì lãi suất tiền gửi VNĐ 4%-7%/năm, bảo đảm lãi suất cho vay phổ biến từ 6%-10%/năm để không tăng thêm chi phí sản xuất của doanh nghiệp
Phóng viên:Sau khi tỉ giá được điều chỉnh, lãi suất tiền gửi VNĐ có dấu hiệu đi lên, vì sao thưa ông?
- PGS-TS Trần Hoàng Ngân:Lãi suất tiền gửi tăng lên chỉ là một biến động nhỏ của thị trường khi tỉ giá VNĐ/USD tăng lên. Hiện nay, nhu cầu vay đang có xu hướng tăng lên, đặc biệt là trong các tháng cuối năm 2015. Từ đó, lãi suất có phần tăng nhẹ và đó là yếu tố bình thường trong việc cung cầu vốn cho thị trường.
Theo tôi, chênh lệch lãi suất USD/VNĐ hiện ở mức 4%-5% đã bảo đảm hài hòa cho việc điều hành chính sách tiền tệ, mục tiêu tăng trưởng, ổn định kinh tế vĩ mô và lợi ích của người gửi tiền. Việc điều chỉnh tỉ giá vừa qua cho thấy Việt Nam đã lường trước những cú sốc trên thị trường tiền tệ quốc tế và biến động lãi suất USD trong thời gian tới (nếu có). Như thế, chính sách tiền tệ của Việt Nam đang đi đúng hướng, làm cho kinh tế tăng trưởng như mong đợi. Như vậy, với lãi suất tiền gửi VNĐ phổ biến 4,5%-7%/năm đã bảo đảm lãi suất thực dương cho người gửi tiền, lãi suất cho vay phổ biến 6%-10%/năm là hợp lý. Vì thế, các ngân hàng (NH) nên giữ nguyên các mức lãi suất này để hỗ trợ chi phí sản xuất cho doanh nghiệp.
Giả sử Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) tăng lãi suất trong thời gian tới, điều đó sẽ tác động đến lãi suất VNĐ?
- Hàng loạt NH trung ương các nước đã lường trước việc FED tăng lãi suất nên tiêu hóa hết những tác động của nó thông qua việc giảm giá đồng bản tệ. Và nếu FED có tăng lãi suất thì chỉ tác động không đáng kể đến lãi suất thị trường toàn cầu, trong đó có Việt Nam.
Nếu từ nay đến hết năm 2015, FED không tăng lãi suất, Việt Nam có nên giảm thêm lãi suất tiền gửi ngoại tệ nhằm nới rộng chênh lệch lãi suất VNĐ và USD để kích thích người dân nắm giữ VNĐ?
- Lãi suất tiền gửi USD phổ biến 0,75%/năm. Đây là mức đáy thị trường rồi. Nếu chúng ta có giảm thêm lãi suất USD thì chênh lệch lãi suất giữa VNĐ và USD giảm không đáng kể.
Quan điểm của ông thế nào về việc bảo đảm giá trị VNĐ?
- Theo tôi, để khuyến khích người dân nắm giữ tiền đồng, chúng ta cần kiểm soát lạm phát theo đúng mục tiêu. Lãi suất tiền gửi phải bảo đảm mức sinh lời như hiện nay. Hệ thống NH phải bảo đảm an toàn hoạt động, quá trình tái cơ cấu cần thực hiện hiệu quả. NH Nhà nước cần khẳng định việc tái cơ cấu hệ thống NH đã ổn định, không còn những xáo trộn tại các NH thương mại và bắt đầu đi vào giai đoạn nâng cao chất lượng hoạt động để người gửi tiền tăng thêm niềm tin.
Thưa ông, lạm phát được kiểm soát ở mức thấp là cơ hội cho việc duy trì mặt bằng lãi suất?
- Đây là một trong những yếu tố làm cho lãi suất không đi lên. Vấn đề là chúng ta có biết cách tận dụng cơ hội này hay không? Bởi lẽ, trong bối cảnh chi phí sản xuất ở mức thấp, nhất là giá xăng dầu trên thế giới đã giảm mạnh và phải có sự lan tỏa đến nền kinh tế để phục hồi sản xuất - kinh doanh. Do đó, nhà nước nên tăng cường kiểm soát giá cả hàng hóa, dịch vụ; đặc biệt là giá cước vận tải chưa giảm tương thích với mức độ giảm giá nhiên liệu nhằm hỗ trợ người tiêu dùng, giảm thêm chi phí sản xuất, kích thích doanh nghiệp mở rộng hoạt động.
Theo Người Lao động