“VinaCapital lạc quan về bức tranh kinh tế khá hứa hẹn trong năm 2016”, Giám đốc Điều hành VinaCapital nói...
Chuyên gia kinh tế Đinh Thế Hiển: Góc nhìn đầu tư từ tín hiệu vĩ mô
- Cập nhật : 28/02/2016
(Tin kinh te)
Ngoài những dự báo tích cực cho mặt hàng xuất khẩu như dệt may, thuỷ sản, Logistics và ngành sữa...Chuyên gia dự báo ngành Thép, mía đường và Bất động sản sẽ gặp khó trong năm 2016.
Đầu năm 2016, thị trường tài chính thế giới đã có những biến động thiếu ổn định với những diễn biến phức tạp từ thị trường dầu mỏ vàkinh tế Trung Quốc. Bị tác động bởi các thị trường tài chính lớn, thị trường chứng khoán trong nước cũng có sự biến động bất thường. Tuy vậy, ở Việt Nam thì cái chính ảnh hưởng đến diễn biến thị trường vẫn là từ các yếu tố nội tại của nền kinh tế và bản thân các doanh nghiệp. Chúng tôi đã có cuộc trao đổi với Chuyên gia kinh tế Đinh Thế Hiển để có những cái nhìn rõ nét hơn về triển vọng kinh tế Việt Nam 2016 và một số lĩnh vực SXKD.
Năm 2015 là năm được đánh giá là thành công với kinh tế Việt Nam. TS có nhận xét như thế nào ?
Nhìn chung, năm 2015 kinh tế có bước phục hồi khá mạnh, lạm phát duy trì ở mức thấp nhất trong vòng 10 năm, môi trường kinh doanh có sự cải thiện, hội nhập kinh tế quốc tế được đẩy mạnh. Tuy nhiên, tăng trưởng có dấu hiệu chưa bền vững do vẫn dựa vào đầu tư công quá lớn và tín dụng tăng mạnh vào lĩnh vực BĐS; trong khi tình hình doanh nghiệp SME chưa được cải thiện, khu vực nông nghiệp vẫn gặp nhiều khó khăn; bên cạnh đó bội chi ngân sách và nợ công đang có xu hướng xấu và tăng rủi ro.
Và những dấu hiệu chưa bền vững của năm 2015 có ảnh hưởng như thế nào đến kinh tế 2016, thưa Ông?
Đánh giá chung thì năm 2016 tốc độ tăng trưởng sẽ thấp hơn một chút so với năm 2015 vào khoảng 6,2 – 6,5%. Nền kinh tế sẽ tiếp tục đối đầu với khó khăn về cân bằng ngân sách, nguồn vốn đầu tư cũng như tiêu dùng nội địa co hẹp, ngoài ra còn phải khắc phục nhiều khó khăn về cấu trúc phát triển kinh tế . Tuy nhiên, FDI tăng tốt, và tình hình SXKD từng bước cải thiện sẽ tạo xung lực vào cuối năm. Nền kinh tế kỳ vọng sẽ xuất hiện các chuyển biến tích cực về cấu trúc nền kinh tế theo hướng cải thiện môi trường kinh tế mạnh hơn, chú trọng vào phát triển SXKD.
Ông có dự báo như thế nào về bộ 3 “Lạm phát – tỷ giá – lãi suất” năm nay?
Lạm phát sẽ phụ thuộc rất lớn vào chính sách của Chính phủ. Với áp lực thúc đẩy kinh tế và bội chi ngân sách, Chính phủ có thể tăng cung tiền khiến cho lạm phát sẽ cao hơn năm 2015, dự kiến trong khoảng 4-6%.
Tỷ giá ngoại tệ 2016 sẽ tiếp tục chịu áp lực theo chiều hướng tăng. Với việc áp dụng chính sách tỷ giá trung tâm, tỷ giá trong nước sẽ chịu ảnh hưởng lớn từ thị trường tài chính thế giới, mà nổi bật là yếu tố đồng NDT và sự mạnh lên của đồng USD.
Tín dụng ngân hàng 2016 sẽ tiếp tục khởi sắc. Tuy nhiên hệ thống NHTM có thể gặp khó khăn về vốn khi đẩy mạnh cho vay BĐS nhưng nợ xấu của các khoản vay lớn về BĐS và có liên quan vẫn chưa được xử lý, cho nên sẽ tạo áp lực tăng lãi suất trong thời gian tới.
Năm 2015, nhiều ngành hàng xuất khẩu của Việt Nam có sự giảm sút. Theo ông thì năm 2016 có sự thay đổi gì không ?
Triển vọng Ngành xuất khẩu của Việt Nam năm 2016 sẽ khả quan nhờ môi trường kinh tế toàn cầu được cải thiện và những tiến bộ trong quá trình đàm phán các hiệp định thương mại. Ngoài ra, với những nhận định tỷ giá sẻ trượt khoảng 5% sẽ mang lại khoản lợi nhuận chênh lệch tỷ giá tốt cho một số mặt hàng xuất khẩu có nguyên liệu từ trong nước.
Những thị trường XK chính của VN được dự báo sẽ tiếp tục hồi phục ngoại trừ TQ. Trong đó, 3 trụ cột kinh tế toàn cầu là Mỹ, Châu Âu và Nhật Bản được xem là sẽ tiếp tục đà hồi phục kinh tế nhờ tăng nhu cầu tiêu thụ nội địa và xuất khẩu. Tuy nhiên, kinh tế Trung Quốc sẽ tăng trưởng chậm lại, do đó xuất khẩu của Việt Nam sang Trung Quốc sẽ bị ảnh hưởng. Điều này sẽ khiến những doanh nghiệp xuất khẩu sang nước này gặp khó.
Nhiều đánh giá lo ngại ngành thuỷ sản vẫn rất khó khăn do các yếu tố về thuế chống bán phá giá, nhu cầu sụt giảm, theo ông dự báo thì như thế nào?
Xuất khẩu thủy sản Việt Nam 2015 nhìn chung không như kỳ vọng, đạt 6,7 tỷ USD, chỉ bằng 84,5% so với cùng kỳ. Cả 3 mặt hàng thủy sản chính gồm tôm, cá tra và cá ngừ đều đồng loạt giảm, Tôm đã rơi từ mức kỷ lục 4 tỷ USD năm 2014 còn khoảng 3 tỷ USD năm 2015. Cá tra cũng ước giảm 10% so với cùng kỳ. Không chỉ suy giảm về giá trị, một số thị trường xuất khẩu chính của thủy sản Việt Nam như Mỹ, châu Âu (EU) đã bị mất 1 - 2% thị phần so với năm trước đó. Tỷ lệ hàng xuất đi bị trả về cũng gia tăng.
Đánh giá năm 2016, ngành thuỷ sản của Việt Nam sẽ còn khó khăn bên cạnh một vài điểm tích cực và từng bước phục hồi. Mặt hàng tôm của Việt Nam vẫn bị ảnh hưởng bởi làn sóng giảm giá, áp lực cạnh tranh và điều kiện xuất khẩu ngày một khắc nghiệt.
Năm 2016, xuất khẩu tôm dự kiến sẽ được cải thiện, dự báo sẽ tăng trưởng tốt với kim ngạch 3,3 tỉ USD, tăng 12% so với năm 2015. Thuận lợi về thuế đối với các thị trường chính như EU, Nhật Bản hay Hàn Quốc; trong khi đó, nhiều nước đối thủ chính như Ấn Độ, Thái Lan, Indonesia lại không tham gia TPP, hay chưa có Hiệp định Thương mại tự do với EU. Xuất khẩu tôm sang Mỹ cũng có thể tăng trở lại nhờ sự hồi phục kinh tế của quốc gia này.
Dự báo tổng kim ngạch xuất khẩu thủy sản của Việt Nam sẽ đạt khoảng 7,12 tỷ USD, tăng 6,3% so với năm 2015. Trong đó, xuất khẩu tôm năm 2016 là 3,3 tỷ USD, tăng 12% so với năm 2015. Cá ngừ đạt kim ngạch xuất khẩu 507 triệu USD, tăng 8%; xuất khẩu cá tra của năm 2016 sẽ tiếp tục giảm và ước đạt 1,5 tỷ USD, giảm 5% so với năm 2015. (Theo VASEP)
TS đánh giá như thế nào về triển vọng ngành Da giày – Dệt may trong năm nay?
Xuất khẩu giày dép các loại của Việt Nam năm 2015 đạt 14,5 tỷ USD, tăng 16,3% so với năm 2014. Các thị trường xuất khẩu truyền thống của ngành đều đạt tốc độ tăng trưởng tốt, tiêu biểu như thị trường Hoa Kỳ tăng hơn 20%, thị trường EU tăng hơn 10%, đặc biệt, thị trường Trung Quốc tăng vượt bậc với gần 50% so với năm 2014.
Ngành Da giày – Túi xách 2016 sẽ tăng trưởng mạnh nhờ các thị trường xuất khẩu khả quan hơn và thu hút vốn FDI. Dự báo năm 2016 tăng trưởng XK của ngành dự kiến sẽ đạt 15% - 20% so với năm 2015.Lợi thế nguồn nhân công giá rẻ cũng như những ưu đãi mà Hiệp định Thương mại tự do mang lại dự kiến sẽ tạo xung lực cho ngành này tăng trưởng mạnh. Tuy nhiên, do đặc thù là ngành sử dụng nhiều lao động nên trong 2016 sẽ gặp một số khó khăn do tăng các chi phí như: mức lương mới của công nhân, phí đóng bảo hiểm xã hội, chi phí bến bãi, tàu thuyền…
Trong khi đó, năm 2015, Tổng kim ngạch xuất khẩu mặt hàng dệt may của cả nước trong đạt 22,81 tỷ USD, tăng 9,1%, thấp hơn nhiều so với mức tăng 16,4% của năm 2014.
Dự báo, dệt may 2016 sẽ là ngành XK chủ lực với mức trưởng tốt nhờ nền kính tế các nước phát triển phục hồi, các hiệp định hội nhập và thu hút vốn FDI. Mức độ tăng trưởng 2016 có thể đạt ở ngưỡng từ 29,5 đến 30 tỷ USD, tăng 8% so với năm 2015 và lợi nhuận trước thuế có thể tăng 10% so với năm 2015.
Nếu TPP được ký kết, dệt may và da giày sẽ được hưởng lợi nhiều nhất, do thuế xuất khẩu giảm về 0%, thay vì từ 12-17% như hiện nay sẽ tạo ra lợi thế cho hàng dệt may Việt Nam so với các nhà cung cấp cạnh tranh chính như Trung Quốc, Bangladesh, Indonesia...Giá bông sợi nhiều khả năng xuống thấp, kéo theo đơn giá sản phẩm dệt may có thể thấp hơn năm 2015, điều này sẽ giúp các công ty trong ngành tăng biên lợi nhuận gộp ngành dệt.
Các nhóm ngành nội địa thì sao thưa ông?
Nhìn chung, tình hình kinh doanh của các DN thuộc nhóm ngành nội địa trong năm 2015 có chút cải thiện, tuy nhiên có sự phân hóa giữa các ngành. Việc giá xăng dầu giảm mạnh, giá của một số mặt hàng do nhà nước quản lý như: điện, nước, y tế tăng chậm hơn những năm trước. Điều này hỗ trợ tiết giảm chi phí cho các doanh nghiệp. Đồng thời, lạm phát năm 2015 tăng thấp hỗ trợ sức mua trong nước, giúp tình hình kinh doanh của các nhóm ngành nội địa khả quan hơn.
Theo Ông thì triển vọng ngành bán lẻ trước áp lực cạnh tranh ngày càng lớn hiện nay ra sao?
Năm 2015 được xem là năm khá sôi động của lĩnh vực bán lẻ hàng hoá và tiêu dùng. Tổng mức hàng hóa bán lẻ và doanh thu dịch vụ tiêu dùng năm 2015 ước tính đạt 3243 nghìn tỷ đồng, tăng 9,5% so với năm 2014, loại trừ yếu tố giá năm 2013 tăng 8,4%; cao hơn mức tăng 8,1% của năm 2014).
Theo Economist, việc tự do hóa ngành bán lẻ khiến Việt Nam trở thành một thị trường cực kỳ hấp dẫn. Bất chấp sự giảm tốc của Trung Quốc, giống như Ấn Độ, tăng trưởng bán lẻ ở Việt Nam sẽ vượt qua hầu hết các nước khác, đặc biệt là thương mại điện tử.
Trong 2016, Việt Nam sẽ hoàn toàn mở cửa và sẽ chịu tác động mạnh mẽ từ các hiệp định thương mại tự do (FTA), đồng thời là năm đầu hình thành Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC). Hàng hóa trong nước sẽ chịu sự cạnh tranh trực tiếp từ các nước ASEAN.
Đánh giá ngành bán lẻ năm 2016 về cơ bản sẽ tiếp tục được cải thiện. Tuy nhiên, thị trường bán lẻ trong nước đang có sự phân hóa rất lớn, khi mà các doanh nghiệp nước ngoài chiếm đến 75% thị phần với hơn 20 doanh nghiệp. Doanh nghiệp bán lẻ nội với nguồn lực và năng lực cạnh tranh yếu đang dần đánh mất thị phần rơi vào tay các doanh nghiệp ngoại mà đặc biệt là các doanh nghiệp Thái Lan.
Theo TS thì liệu ngành mía đường có thoát khó trong năm 2015?
Dự báo ngành mía đường tiếp tục khó khăn, sẽ sụt giảm sản lượng và giá bán. Ngoài ra, năng lực cạnh tranh của ngành đường Việt Nam vẫn còn rất thấp do đó sẽ khó tạo được sự tăng trưởng tích cực trong thời gian tới.
Về mía đường, niên vụ 2014-2015 cả nước sản xuất được hơn 1,4 triệu tấn, sụt giảm gần 11% so với niên vụ trước, do một phần bị giảm diện tích, phần khác do khô hạn. Trong niên vụ mới 2015-2016, có nơi tăng có nơi giảm diện tích nhưng tổng hợp lại diện tích có giảm và vẫn bị khô hạn nên sản lượng dự báo cũng sẽ chỉ đạt như vụ trước.
Liên tục 4 năm qua, ngành mía đường phải đối mặt với tình trạng tiêu thụ đường khá khó khăn, giá đường giảm. Trong niên vụ 2014-2015, giá đường trắng loại 1 chỉ ở mức khoảng 11.000-13.000 đồng/kg. Giá mía đường thế giới giảm mạnh liên tục trong nhiều năm là thách thức rất lớn cho ngành Mía đường VN.
Ngành thép năm 2015 tăng trưởng khá tốt, liệu có duy trì được trong năm nay không, thưa Ông?
Năm 2015, ngành thép trăng trưởng khá tốt nhờ xây dựng và BĐS phục hồi. Sản xuất các sản phẩm thép đạt gần 15 triệu tấn, tăng 21,5% so với 2014. Tiêu thụ thép đạt gần 17, 9 triệu tấn (gồm cả thép NK), tăng 26% so với 2014. Tuy nhiên, năm 2016 được dự báo sẽ là năm tương đối khó khăn đối với các doanh nghiệp ngành thép với sự suy giảm BĐS và áp lực giá rẻ của thép TQ.
Các thị trường xuất khẩu sẽ tăng cường các biện pháp phòng vệ thương mại, khiến ngành hàng có nguy cơ bị mất thị trường, kim ngạch XK sẽ giảm. Giá cả nguyên vật liệu đầu vào biến động phức tạp khiến nhiều công ty thép nhỏ, có chính sách quản lý hàng tồn kho không tốt rơi vào tình trạng thua lỗ hoặc lợi nhuận thấp.
Bên cạnh đó là sự cạnh tranh trong ngành sẽ diễn ra gay gắt hơn. Công suất ngành thép xây dựng đang gấp đôi nhu cầu tiêu thụ trong nước. Trong khi đó, thép Trung quốc giá rẻ tiếp tục là trở ngại với các doanh nghiệp trong ngành.
Một số ý kiến cho rằng năm nay là năm bản lề cho các hoạt động đầu tư?
Tôi kỳ vọng nền kinh tế sẽ xuất hiện các chuyển biến tích cực về cấu trúc nền kinh tế theo hướng cải thiện môi trường kinh tế mạnh hơn, chú trọng vào phát triển SXKD. Và tất nhiên, cần có thời gian để những chuyển biến đó mang lại hiệu quả. Đối với TTCK thì dự kiến thị trường chứng khoán sẽ có đợt phục hồi trong đầu quý 3 và xuất hiện dòng vốn nước ngoài giúp thị trường tăng trong giai đoạn cuối năm.
Xin cảm ơn những chia sẽ của Ông!
Theo Huy Nguyên
Người đồng hành