(The gioi)
“Giảm giá đồng Nhân dân tệ có thể sẽ dẫn tới sự tháo chạy của các dòng vốn”...
Trước lần điều chỉnh tỷ giá này, PBoC đã hỗ trợ tỷ giá đồng Nhân dân tệ nhằm ngăn sự rút lui của các dòng vốn và khuyến khích việc sử dụng rộng rãi hơn đồng tiền của Trung Quốc trên toàn cầu - Ảnh: China Daily.
Ngân hàng Trung ương Trung Quốc (PBoC) ngày 11/8 đã bất ngờ hạ tỷ giá đồng Nhân dân tệ với mức giảm mạnh nhất trong hai thập niên.
Theo hãng tin Bloomberg, động thái trên của PBoC đặt dấu chấm cho đợt hỗ trợ tỷ giá đồng Nhân dân tệ trong suốt mấy quý liên tiếp vừa qua - hoạt động đẩy tỷ giá đồng tiền này tăng cao và khiến lĩnh vực xuất khẩu của Trung Quốc khốn đốn.
Tỷ giá tham chiếu hàng ngày của đồng Nhân dân tệ được PPoC đánh tụt 1,9%, khiến đồng tiền này có phiên mất giá mạnh nhất kể từ khi Trung Quốc hợp nhất tỷ giá chính thức và tỷ giá thị trường vào tháng 1/1994.
Trong tuyên bố được phát đi, PBoC nói đây là sự điều chỉnh một lần và cơ quan này có kế hoạch giữ tỷ giá đồng Nhân dân tệ ổn định ở mức “hợp lý” và sẽ tăng cường vai trò của thị trường trong việc thiết lập tỷ giá tham chiếu hàng ngày.
“Có vẻ như đây là sự kết thúc của tỷ giá tham chiếu đồng Nhân dân tệ như mọi người từng biết. Việc giảm giá một lần của tỷ giá tham chiếu và cho phép thị trường tham gia nhiều hơn vào việc thiết lập tỷ giá này dẫn tới một chế độ tỷ giá mới”, ông Khoon Goh, chiến lược gia ngân hàng ANZ ở Singapore, nhận xét.
Trước lần điều chỉnh tỷ giá này, PBoC đã hỗ trợ tỷ giá đồng Nhân dân tệ nhằm ngăn sự rút lui của các dòng vốn và khuyến khích việc sử dụng rộng rãi hơn đồng tiền của Trung Quốc trên toàn cầu. Việc hỗ trợ tỷ giá cũng là một nỗ lực của PBoC nhằm mục tiêu đồng Nhân dân tệ được Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) đưa vào giỏ Quyền rút vốn đặc biệt (SDR) gồm các đồng tiền dự trữ của thế giới.
Một phần do PBoC hỗ trợ tỷ giá đồng Nhân dân tệ, trong vòng 4 quý qua, dự trữ ngoại hối của Trung Quốc đã giảm 300 tỷ USD. Cùng với đó, đồng tiền này trở thành đồng tiền tăng giá mạnh nhất trong số các đồng tiền của các thị trường mới nổi, khiến năng lực cạnh tranh của hàng hóa Trung Quốc xuất khẩu suy giảm.
Vào lúc hơn 11h trưa ngày 11/8 theo giờ địa phương, tỷ giá đồng Nhân dân tệ so với đồng USD giảm 1,4%, còn 6,298 Nhân dân tệ đổi 1 USD. Mức tỷ giá này thấp hơn 1,1% so với tỷ giá tham chiếu 6,2298 Nhân dân tệ/USD.
Hiện nay, tỷ giá đồng Nhân dân tệ được phép dao động trong biên độ 2% so với tỷ giá tham chiếu mà PBoC đưa ra.
Theo ông Tom Orlik, chuyên gia kinh tế trưởng khu vực châu Á của Bloomberg Intelligence, Trung Quốc cần cân bằng giữa sự cần thiết phải thúc đẩy xuất khẩu với nguy cơ tháo chạy của các dòng vốn. Ông Orlik ước tính, cứ 1% giảm xuống trong tỷ giá thực tế của đồng Nhân dân tệ giúp tăng trưởng xuất khẩu của Trung Quốc tăng thêm 1 điểm phần trăm, với độ trễ là 3 tháng. Cùng với đó, tỷ giá giảm 1% sẽ khiến 40 tỷ USD vốn bị rút khỏi Trung Quốc.
“Giảm giá đồng Nhân dân tệ có thể sẽ dẫn tới sự tháo chạy của các dòng vốn, gây bất ổn hệ thống tài chính của Trung Quốc”, ông Orlik viết. Tuy vậy, với dự trữ ngoại hối 3,69 nghìn tỷ USD của Trung Quốc, chuyên gia này tin Bắc Kinh có thể kiểm soát được những rủi ro do thoái vốn gây ra..
PBoC nói việc giảm tỷ giá tham chiếu đồng Nhân dân tệ nhằm mục đích mang lại tỷ giá hối đoái hiệu quả cao. Tuy vậy, trước đó trong sáng 11/8, PBoC nói đồng Nhân dân tệ mạnh gây sức ép đối với lĩnh vực xuất khẩu.
Trong tháng 7, kim ngạch xuất khẩu tính bằng đồng USD của Trung Quốc giảm 8,3% so với cùng kỳ năm ngoái, vượt xa mức dự báo của giới quan sát.
Nền kinh tế Trung Quốc tăng trưởng 7% trong quý 2 năm nay, mức tăng chậm nhất trong 6 năm, dưới tác động cùng lúc của thị trường bất động sản trì trệ, nhu cầu tiêu dùng nội địa yếu, và xuất khẩu suy giảm. Tháng trước, Bắc Kinh tuyên bố sẽ miễn giảm thuế và đưa ra các biện pháp hỗ trợ khác để hỗ trợ lĩnh vực thương mại.
Ngoài ra, từ tháng 11 năm ngoái đến nay, PBoC đã 4 lần cắt giảm lãi suất nhằm cứu tăng trưởng.
Động thái hạ tỷ giá ngày 11/8 của PBoC khiến nhiều nhà phân tích đặt câu hỏi liệu Trung Quốc có thể tiếp tục thúc đẩy cải cách kinh tế theo hướng tăng cường vai trò của tiêu dùng nội địa và giảm bớt sự phụ thuộc vào xuất khẩu.
(Theo Thời báo kinh tế Việt Nam)