Phá giá nhân dân tệ ảnh hưởng thế nào đến TTCK Việt Nam?
(Chung khoan)
Về tổng thể, TTCK sẽ chịu tác động do rủi ro tỷ giá đối với các NĐT nước ngoài tăng, tác động trực tiếp đến dòng vốn đổ vào thị trường. Tuy nhiên mức tác động tiêu cực nhìn chung sẽ không lớn.
Đây là bình luận của nhóm nghiên cứu CTCK MB (MBS) được đưa ra trong Bản báo cáo đánh giá nhanh tác động giảm giá nhân dân tệ (NDT) của NHTW Trung Quốc.
Nhóm nghiên cứu cho biết, sự ổn định của đồng NDT trước đây giúp thị trường tiền tệ khu vực giảm bớt trước lo ngại mạnh lên của đồng USD nhưng với nguy cơ đồng NDT tiếp tục yếu hơn sẽ là áp lực giảm giá cho các đồng tiền châu Á khác. Thị trường tiền tệ giảm giá tác động xấu đến thị trường chứng khoán khu vực dù thị trường Trung Quốc đóng cửa không thay đổi nhưng chỉ số JSX của Indonesia giảm 2,7%, Taiexcủa Đài Loan giảm 0,9% và Kospi của Hàn Quốc giảm 0,8%, S&P ASX 200 của Australia giảm 0,7% và Nikkei của Nhật Bản đóng cửa mất 0,4%.
“Hiệu ứng này sẽ tác động đến thị trường Việt Nam về tâm lý thị trường chung cũng như quyết định của các quỹ đầu tư nước ngoài” – Nhóm nghiên cứu nhận định.
Phá giá gần 3,5% (2 ngày liên tiếp) là một sự phá giá giá đáng kể. Trước đây, hàng hóa của Trung Quốc đã rất rẻ vì nhiều lý do. Nhưng bây giờ Trung Quốc phá giá thì chắc chắn sẽ làm cho hàng hóa của Trung Quốc rẻ hơn khi xuất khẩu và vì vậy cho nên Trung Quốc sẽ có khả năng đẩy mạnh xuất khẩu và hàng hóa Trung Quốc sẽ có năng lực cạnh tranh cao hơn so với mặt hàng của các nước khác, đặc biệt là của Việt Nam.
Đánh giá ảnh hưởng đến nhóm doanh nghiệp niêm yết, nhóm nghiên cứu MBS cho biết, việc Trung Quốc điều chỉnh tăng tỷ giá mạnh sẽ tạo áp lực điều chỉnh tỷ giá khá lớn đối với Việt Nam từ giờ đến cuối năm. Trong trường hợp nếu Fed vẫn quyết định tăng lãi suất vào tháng 9 và USD tiếp tục tăng giá sẽ ảnh hưởng không tích cực đến các doanh nghiệp có các khoản nợ nước ngoài bằng USD khi phải thực hiện trích lập dự phòng rủi ro tỷ giá cuối năm.
Bên cạnh những doanh nghiệp có khoản vay USD, các doanh nghiệp phải nhập khẩu phần lớn nguyên vật liệu từ nước ngoài và chủ yếu phục vụ nhu cầu trong nước cũng chịu tác động từ việc thay đổi tỷ giá khi chi phí đầu vào gia tăng.
“Nhóm ngành ảnh hưởng bất lợi trong hoạt động thương mại là nhóm sản phẩm tiêu dùng, sắt thép, phân bón (cạnh tranh với hàng nhập từ TQ) và nhóm nông lâm thủy sản, khoáng sản, cao su xuất khẩu sang Trung Quốc. Ngược lại, một số ngành gia công xuất khẩu có thể được hưởng lợi do giá nguyên vật liệu đầu vào giảm như dệt may, da giầy hoặc giá nhập giảm như kinh doanh xe tải” – nhóm nghiên cứu nhận định.
Ở chiều ngược lại, các doanh nghiệp xuất khẩu có nguồn thu ngoại tệ trực tiếp và có kết hợp sử dụng nguồn nguyên liệu trong nước sẽ được hưởng lợi từ việc điều chỉnh tỷ giá. Việc điều chỉnh VND giảm giá so với USD cũng sẽ khiến VND giảm giá so với các ngoại tệ khác như euro và yên. Do đó các công ty có các khoản vay bằng yên và euro cũng có khả năng chịu tác động tiêu cực.