Ông Nguyễn Văn Tường, xã Phú Bình, huyện Phú Tân, An Giang trồng tre để bán măng, lá và giống thu gần một triệu đồng mỗi ngày.
Nông dân trở thành tỷ phú nhờ bán cá giống và làm khô cá
- Cập nhật : 21/04/2017
Từ một nông dân bình thường, sau quá trình tìm tòi, học hỏi và tích lũy kinh nghiệm, anh Võ Đình Chiến ở Long Bình, Long Mỹ, Hậu Giang đã trở thànhtỷ phú nhờ bán cá giống và làm đặc sản cá thát lát, cá sặc rằn.
- Cơ duyên nào đưa anh đến với cá thát lát và cá sặc rằn?
- Năm 2004, sau khi tham gia lớp dạy nghề của tỉnh Hậu Giang do cán bộ thủy sản Đại học Cần Thơ trực tiếp giảng dạy, tôi quyết định chuyển đổi 3 công đất ruộng trồng lúa thành ao nuôi thả cá giống. Thời điểm đó, cá lóc được giá, lại dễ nuôi nên tôi chọn giống cá này để ươm. Tuy nhiên, sau một thời gian thử nghiệm, nhận thấy giống cá này không mang lại giá trị lâu dài, tôi lại chuyển sang sản xuất cá thát lát giống.
- Những ngày đầu khởi nghiệp, anh gặp khó khăn gì?
- Ngày đầu còn bỡ ngỡ, thiếu kinh nghiệm, nguồn vốn lại eo hẹp nên tôi sớm thất bại. Tuy nhiên, tôi vẫn trực tiếp đến nhờ các thầy ở khoa Thủy sản, trường Đại học Cần Thơ giúp đỡ về mặt kỹ thuật nuôi và cách phòng trừ dịch bệnh. May mắn là vụ cá năm đó đã thành công. Tôi thu được 150 triệu đồng tiền lãi từ việc bán cá thát lát giống.
Năm 2007, khi lượng khách hàng đặt mua cá giống liên tục tăng trong khi diện tích ao nuôi không đủ đáp ứng nhu cầu, tôi quyết định đầu tư, mở rộng trang trại và ươm thêm giống cá sặc rằn. Nhờ chất lượng giống đảm bảo nên chủ ao ở nhiều tỉnh đồng bằng sông Cửu Long đã chủ động tìm đến và đặt hàng.
- Ngoài việc bán cá giống, anh còn có nguồn thu lớn từ việc chế biến cá thát lát và cá sặc rằn, ý tưởng này xuất phát từ đâu?
- Trong quá trình đi giao hàng tại các tỉnh, tôi thấy món cá thát lát Hậu Giang tẩm gia vị được nhiều người ưa chuộng. Sẵn có nguồn cá thát lát và cá sặc rằn từ các chủ ao nuôi đã lấy giống của mình, tôi thử bắt tay vào chế biến sản phẩm cá thát lát tẩm gia vị và khô cá sặc rằn. Tôi nghĩ rằng mình là người khá may mắn vì sản phẩm nhận được nhiều tín hiệu tích cực từ người tiêu dùng.
- Thu nhập bình quân mỗi năm từ cá thát lát và cá sặc rằn của anh là bao nhiêu?
- Với 10 ao nuôi cá thát lát và sặc rằn giống, mỗi năm, tôi cung ứng ra thị trường khoảng một triệu con giống, bán giá 2.000 đồng một con. Với cá thát lát tẩm gia vị, mỗi năm, cơ sở của tôi cung cấp khoảng 200 tấn, với giá bán 120.000 đồng một kg. Ngoài ra, khô cá sặc rằn cũng đạt 70-90 tấn với giá dao động 120.000 -150.000 đồng một kg. Tổng doanh thu từ bán cá giống, cá thát lát tẩm gia vị và khô cá sặc rằn mỗi năm của cơ sở đạt cả vài chục tỷ đồng, chưa trừ chi phí.
- Theo anh, đâu là bí kíp để thành công?
- Gọi là bí kíp thì nghe có vẻ cao siêu quá. Tôi nghĩ rằng mọi thứ mình có được đều là nhờ sự say mê, kiên trì học hỏi, chăm chỉ và một chút may mắn. Có kiên trì, sẽ có thành công.
- Nghề bán cá không chỉ giúp anh thành tỷ phú, mà còn mang đến nhiều danh hiệu, bằng khen từ các cấp chính quyền. Anh có chia sẻ gì?
- Tôi từng là đại biểu điển hình nông dân sản xuất kinh doanh giỏi tham dự Đại hội thi đua yêu nước toàn quốc lần thứ IX. Ngoài ra, ấn tượng nhất là lần ra Hà Nội để nhận bằng khen của Thủ tướng Chính phủ năm 2013 về những đóng góp tích cực vào việc xây dựng và phát triển kinh tế, xã hội tại địa phương. Tôi mong bà con khắp nơi sẽ có thêm động lực, mạnh dạn đầu tư kinh doanh bằng đam mê và ý chí của mình.
Thu Nga
Theo Vnexpress