Nhiều hộ gia đình ở Cà Mau đã đổi đời nhờ bồn bồn, một loại đặc sản nổi tiếng của vùng Đất Mũi mà trước kia từng bị triệt hạ vì "giành" đất của cây lúa.
Nuôi bồ câu làm giàu
- Cập nhật : 02/04/2017
Mô hình nuôi bồ câu của ông Mai Nhựt Tồn (50 tuổi, ngụ ấp Tân Long, xã Tân Lợi, H.Tịnh Biên, An Giang) đang được người dân quanh vùng học tập vì vốn đầu tư ít nhưng hiệu quả cao.
Ông Tồn cho biết cách đây hơn 10 năm, ông gom hết vốn liếng mua 5 ha đất rừng dưới chân núi Cấm với quyết tâm lập nghiệp bằng chăn nuôi và trồng trọt. Thời điểm đó, người dân sống ở đây gặp rất nhiều khó khăn do đường sá đi lại trắc trở, điện, nước thiếu thốn. Ông phải tìm nhiều cách khắc phục như khoan giếng, đào ao trữ nước, kéo điện về vườn nhà và mua một số máy móc để trồng cây ăn trái.
Nhờ kiên trì, chịu khó và chọn giống cây trồng phù hợp, hiện mỗi năm ông Tồn thu hàng trăm triệu đồng từ vườn cây ăn trái gồm: xoài, quýt, mít, mãng cầu… Bên cạnh đó, ông còn đầu tư 1 ha làm chuồng nuôi heo rừng, bò, dê, gà..., nhưng nhiều nhất là bồ câu.
“Tôi chọn bồ câu làm vật nuôi chủ lực vì nó là một trong những loài có giá trị dinh dưỡng cao, nhu cầu tiêu thụ mạnh, cho nguồn thu nhập ổn định”, ông Tồn cho biết.
Tính đến nay, đàn bồ câu của ông Tồn có hơn 2.000 con, gồm nhiều giống như: bồ câu Pháp, Nhật, Hà Lan, bồ câu gà, bồ câu nội địa... Theo ông Tồn, bồ câu tuy dễ nuôi, vốn đầu tư ít, không cần mặt bằng quá rộng nhưng muốn đạt năng suất và hiệu quả kinh tế cao phải nắm vững kỹ thuật nuôi. Trước tiên là chọn giống, kế đến là khâu thiết kế chuồng trại, máng ăn uống, ổ lót cho bồ câu đẻ và ấp trứng, nguồn thức ăn... Đặc biệt, chuồng trại phải thoáng mát, khô ráo, sạch sẽ, đủ ánh sáng. Thức ăn chính của bồ câu là lúa, gạo và thực phẩm bổ sung như đậu, bắp hoặc thức ăn viên.
Để bồ câu phát triển tốt, ông nuôi theo hình thức bán hoang dã, vừa thả vừa nhốt trong chuồng. Ông dùng lưới che thành khuôn viên lớn để bồ câu tự do bay nhảy và tiếp xúc với môi trường tự nhiên, nhờ đó bồ câu mau lớn và ít bị nhiễm bệnh.
Bồ câu nuôi 6 tháng bắt đầu đẻ trứng và tự ấp nở con. Mỗi năm bồ câu mái đẻ 7 - 8 lứa. Với gần 500 con bồ câu mái, bình quân mỗi tháng ông thu từ 200 - 300 cặp bồ câu ra ràng, bán với giá 80.000 - 100.000 đồng/cặp; còn bồ câu thương phẩm có giá từ 60.000 - 80.000 đồng/con. Tính ra mỗi tháng ông thu nhập trên 30 triệu đồng từ tiền bán bồ câu.
Thiên Lộc
Theo Thanh Niên