Thấy loại trái có hình giống như bàn tay Phật, chín vàng ươm đẹp và lạ với người dân miền Nam, lão nông Huỳnh Văn Sơn (57 tuổi, ngụ xã Thạnh Tân, TP.Tây Ninh) quyết tìm hiểu và mang giống từ bắc vào nam để tạo nên vườn cây phật thủ độc đáo.
Những tỉ phú nông dân: Mô hình làm giàu đơn giản
- Cập nhật : 11/09/2015
(Doanh nhan)
Chí thú làm ăn và không lùi bước trước thất bại, nhiều nông dân chân chất đã trở thành những chủ trang trại thu nhập bạc tỉ mỗi năm, là ân nhân của nhiều “công nhân nông nghiệp”.
Chí thú làm ăn và không lùi bước trước thất bại, nhiều nông dân chân chất đã trở thành những chủ trang trại thu nhập bạc tỉ mỗi năm, là ân nhân của nhiều “công nhân nông nghiệp”.
Không dừng bước
Ông Võ Quan Huy (Út Huy) ấp Thuận Hòa, xã Hiệp Hòa, H.Đức Hòa, Long An được coi là nông dân tích tụ được nhiều đất nhất ĐBSCL khi đang canh tác trên 580 ha đất nông nghiệp.
Lãi lớn khi đưa cây ớt vào Đồng Tháp Mười “chiến đấu” với đất phèn nhưng Út Huy cũng sớm nhận ra rằng bài toán đó không bền vững nên năm 2007, ông quyết định chuyển sang chuyên canh cây ăn trái. Toàn bộ diện tích được tập trung trồng bưởi da xanh, xoài, mít và cây thanh long. Hiện vườn cây của Út Huy đã bắt đầu có thu hoạch nhưng vẫn chưa sinh lãi vì còn trong giai đoạn vừa làm vừa cải tiến.
Hiểu ra là không thể nóng vội, Út Huy lang thang khắp ĐBSCL để “tầm sư học đạo”. Sau hơn 1 năm trang bị thêm kiến thức nuôi tôm theo công nghệ sinh học, Út Huy quay lại Sóc Trăng làm lại với con tôm và gặt hái thành công trên diện tích 100 ha tại đây. Ông tìm về Bạc Liêu và gom tiếp 60 ha để mở rộng diện tích. Tiếp đó, ông lại về Long An mua thêm 20 ha thả nuôi cá đồng...
Hiện nay, trang trại của Út Huy có khoảng 300 nhân công làm việc thường xuyên, thu nhập ổn định. Nhiều gia đình sống lâu năm với Út Huy, cả vợ chồng con cái đều là “công nhân nông nghiệp” của ông.
Trang trại “gia công” khép kín
Quyết định chọn vùng đất đồi gò hoang hóa ở thôn Đông Bình, xã Nhơn Thọ để phát triển mô hình kinh tế trang trại, nông dân Nguyễn Văn Nam ở thôn Đông Bình, xã Nhơn Thọ, thị xã An Nhơn (Bình Định) giờ đây đã trở nên giàu có, với mức thu nhập trên 1,2 tỉ đồng mỗi năm.
Theo ông Nam, đây là khu đất có diện tích lớn, xa khu dân cư, thuận lợi để phát triển theo quy mô khép kín, ít ảnh hưởng đến môi trường và khả năng cách ly dịch bệnh cho đàn gia súc, gia cầm. Ngay sau khi được chính quyền địa phương chấp thuận cho thuê đất, ông Nam đã bắt tay ngay vào việc xây dựng cơ sở chuồng trại. Trang trại của ông xây dựng theo quy mô khép kín, chất thải của gia súc, gia cầm được tận dụng để nuôi cá, vừa tránh gây ô nhiễm môi trường, vừa tăng hiệu quả kinh tế; chuồng trại chăn nuôi gà, heo được xây dựng xa nhau để tránh lây lan dịch bệnh...
Qua thời gian đầu tư, phát triển mở rộng, đến nay trang trại của ông Nam có diện tích rộng hơn 7 ha, gồm khu phát triển chăn nuôi gà, heo; khu nuôi cá; khu chăn nuôi bò lai; khu trồng rừng; trồng mía. Chỉ tính riêng từ nuôi gia công, mỗi năm ông Nam có lợi nhuận do phía doanh nghhiệp chi trả trên 400 triệu đồng.
Ông Nam giải thích, sở dĩ ông chọn mô hình chăn nuôi gia công vì đây là cách làm ăn theo mô hình liên kết giữa nông dân và doanh nghiệp, có sự cộng đồng trách nhiệm giữa hai phía. Nông dân chịu trách nhiệm đầu tư cơ sở chuồng trại, công chăm sóc; doanh nghiệp cam kết bao tiêu toàn bộ nông sản làm ra theo hợp đồng và đầu tư toàn bộ con giống, thức ăn chăn nuôi, hỗ trợ kỹ thuật thú y. Do vậy, nông dân không đơn độc. Trong quá trình chăn nuôi, nếu có xảy ra bất trắc gì, nông dân sẽ được hỗ trợ kịp thời. Và thực tế với cách làm ăn này đã mang lại thành công cho ông Nam.
Né lũ, diệt chuột...
Đầu những năm 1990, đất Đồng Tháp Mười có thể làm 2 vụ nhưng giá đất vẫn rẻ như cho, không ai thèm làm. Thấy người ta bỏ đất hoang, nông dân Trần Hùng Tráng (Ba Tráng) hỏi mua lại rồi lao vào cải tạo, làm thủy lợi...
Hỏi tại sao nông dân thời đó phải bán đất trả nợ, Ba Tráng cười hà hà: “Bản thân tôi cũng mấy lần lâm vào thế phải bán đất nên tôi rút ra những bài học xương máu. Ở đây, trồng lúa 2 vụ nếu biết cách tránh con nước lũ hằng năm và không để chuột tự do hoành hành xem như chắc ăn ba bó một giạ. Muốn né lũ thì vụ hè thu phải gieo sạ sớm không cần phải chờ mưa, chủ động mở rộng đường nước bơm tưới cho ruộng. Còn muốn giảm thiệt hại do chuột thì phải gieo sạ đồng loạt trên diện tích rộng, đồng thời phải bằng mọi cách diệt chuột ngay từ đầu vụ chứ không chờ đến lúc lúa làm đòng, ngậm sữa”, Ba Tráng chia sẻ.
Nhờ chí thú làm ăn, tới năm 1994, Ba Tráng đã có trong tay 100 mẫu ruộng, trở thành một trong những người có nhiều đất ruộng nhất xứ Đồng Tháp Mười. Hiện trang trại lúa của Ba Tráng có đầy đủ máy cày, máy bơm nước, máy gặt đập liên hợp, kho chứa, nhà sấy... Ba Tráng sang tận Trà Vinh tìm nhân công hợp đồng dài hạn. Vào vụ, từng nhóm lao động được giao đảm nhận từng công việc cụ thể. Trong nhà giao vợ cùng hai con gái túc trực lo cơm nước cho hàng trăm nhân công ngày ba bữa no đủ. Riêng Ba Tráng cùng ba con trai túc trực suốt ngoài đồng đôn đốc, giám sát từng công đoạn sản xuất...
Với giá bình quân 500-600 triệu đồng/ha ruộng, tài sản đất đai của nông dân Trần Hùng Tráng vào khoảng 50 tỉ đồng. Số đất này nếu anh không trực tiếp làm mà đem cho thuê (khoảng 12 triệu đồng/ha/năm) thì mỗi năm thu lãi bét nhất cũng hơn 1 tỉ đồng!