Anh Huỳnh Hoàng Sơn (ngụ ấp Tân Quới, xã Phong Hòa, H.Lai Vung, Đồng Tháp) là một trong số ít người trồng thành công cam ruột đỏ không hạt ở miền Tây và làm giàu từ chính giống cam “độc, lạ” này.
Nơi nông dân cùng làm giàu
- Cập nhật : 18/10/2015
(Nong dan lam giau)
Thay vì sản xuất theo hướng tự phát, manh mún, nhiều hộ nông dân ở xã Đồng Tiến, H.Đồng Phú (Bình Phước) đã cùng nhau tập hợp lại thành lập CLB PTD (Paticipatory Technology Development - phát triển kỹ thuật có sự tham gia) để trao đổi kinh nghiệm làm ăn, đưa tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào sản xuất, đặc biệt cùng giúp nhau làm giàu.
Hiệu quả từ ứng dụng khoa học kỹ thuật
Năm 2010, CLB PTD xã Đồng Tiến được thành lập và chính thức đi vào hoạt động. Đa số thành viên của CLB đều là những nông dân chịu khó học hỏi tiến bộ khoa học - kỹ thuật, cùng tự nguyện đóng góp ý kiến để giải quyết những vấn đề khó khăn trong sản xuất theo phương pháp PTD .
Chương trình khuyến nông PTD là kết quả được kế thừa từ Dự án khuyến nông có sự tham (PAEX) do tổ chức VVOB của Bỉ tài trợ (từ 2009 đến 2012). Từ chỗ chỉ có 16 CLB PTD, đến nay đã có 32 CLB PTD được thành lập, mở hơn 50 lớp tập huấn về phương pháp PTD cho nông dân trong toàn tỉnh.
Đến thăm mô hình vườn - ao - chuồng (V.A.C) rộng hơn 2 ha của ông Tạ Đình Sai (ngụ ấp 1, xã Đồng Tiến) chúng tôi mới cảm nhận được thành quả lao động của người nông dân này. Ông Sai cho biết, trước đây việc thực hiện mô hình V.A.C của gia đình chỉ theo kinh nghiệm. Nhưng từ khi tham gia CLB PTD của xã, ông đã mạnh dạn cải tạo lại mô hình V.A.C của gia đình và đã thành công. Hơn 3 sào rau ăn lá, 3 hồ cá và đàn heo nái, heo thịt của ông Sai cho thu nhập hơn 200 triệu đồng/năm. Ngoài ra, ông còn mạnh dạn đầu tư trồng mới hơn 8 sào mít đang cho thu hoạch. “Nhờ tham gia CLB PTD của xã, giúp tôi hiểu hơn về cách trồng, chăm sóc các loại cây trồng và vật nuôi, đặc biệt kinh tế gia đình tôi luôn ổn định”, ông Sai nói.
Tương tự, mô hình V.A.C của ông Nguyễn Viết Xoan (ngụ ấp 1, xã Đồng Tiến) cũng là điển hình để nhiều người học hỏi. Ông Xoan cho biết, tham gia CLB đã giúp ông biết khai thác hiệu quả khu vườn của mình. Chỉ với 2ha đất nuôi heo, cá và trồng rau, hàng năm đã giúp gia đình ông thu về gần 200 triệu đồng. Hiện mô hình V.A.C của ông Xoan được chọn là mô hình điểm của xã Đồng Tiến và được người dân trong vùng thường xuyên đến tham quan học hỏi kinh nghiệm.
Khi nông dân thực sự làm chủ
Chị Đặng Xuân Nhạn, Phó chủ tịch Hội nông dân kiêm Chủ nhiệm CLB PTD xã Đồng Tiến cho biết, hiện CLB PTD có 20 thành viên tham gia, mỗi tháng tổ chức họp một lần để thảo luận và đưa ra những kinh nghiệm trồng, chăm sóc các loại cây đang canh tác, kinh nghiệm chăn nuôi cũng như ứng dụng tiến các bộ khoa học - kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp tại hộ gia đình. Ngoài ra, các thành viên trong CLB còn tham gia gây quỹ để hỗ trợ cho những thành viên khó khăn, giúp họ có thêm nguồn vốn yên tâm sản xuất.
Qua gần 3 năm, CLB PTD xã Đồng Tiến đã thực hiện thành công các mô hình thử nghiệm, hội thảo như: “Làm giàu từ mô hình VAC”, “Nuôi thử nghiệm mô hình chim bồ câu lai Pháp”, “Nuôi cá rô phi”… Từ những mô hình thử nghiệm này, kiến thức về chăn nuôi, trồng trọt của các thành viên được nâng cao, đúc rút nhiều phương pháp hay để áp dụng vào thực tế sản xuất.
Ông Trần Quốc Việt, cán bộ Trạm khuyến nông H. Đồng Phú, phụ trách về phương pháp PTD ở xã Đồng Tiến cho biết “Tham gia CLB PTD nông dân đóng vai trò chủ thể trong mọi hoạt động từ học tập đến thực hành trên diện tích đất sản xuất. Phương pháp này giúp nông dân học tập tốt nhất bằng kinh nghiệm thực tế, đồng thời nâng cao sự tương tác giữa nông dân, khuyến nông viên và nhà khoa học”, ông Việt chia sẻ.