"Sa lầy" trong kiếp gia công, chỉ 50% dệt may xuất sang EU tận dụng được FTA?
(Thuong mai)
Có tới 75% DN dệt may làm gia công, cùng yêu cầu quy tắc xuất xứ từ vải có thể khiến cho DN dệt may chỉ tận dụng được khoảng 50% ưu đãi từ Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – EU.
Nội dung nổi bật:
- Toàn bộ hàng dệt may xuất khẩu sang EU sẽ được giảm thuế về 0% trong vòng 7 năm theo cam kết của Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU đang mở ra cơ hội cho DN mở rộng thị trường này.
- Tuy nhiên những yêu cầu xuất xứ từ vải đang đánh trúng vào điểm yếu của ngành. Với 75% DN làm gia công, bà Đặng Phương Dung, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội dệt may cho rằng khoảng 50% dệt may tận dụng FTA với EU đã là thành công.
- Để tận dụng thị trường EU và ưu đãi thuế quan, các chuyên gia cho rằng DN cần tính toán lại chiến lược đầu tư kinh doanh sản phẩm cho phù hợp, từng bước chuyển từ gia công sang các đơn hàng có giá trị cao như FOB, ODM.
Được đánh giá là thị trường tiềm năng, song xuất khẩu sang EU của Công ty Cổ phần May Đáp Cầu chỉ chiếm khoảng 25%. Ông Nguyễn Đắc Thăng, Giám đốc Điều hành của DN này đánh giá: EU là thị trường khó tính và không dễ “ăn”.
Bởi vậy mà ngay cả khi có FTA với EU, với lộ trình giảm thuế về 0% trong vòng 7 năm, đại diện DN này cũng không mấy hồ hởi lên kế hoạch để đẩy mạnh xuất khẩu vào thị trường này.
Thuế về 0%, không dễ tận dụng
“Việc có thêm FTA với EU sẽ giúp DN có đơn hàng nhiều hơn, cạnh tranh giảm bớt, và lợi nhuận cao hơn. Tuy nhiên, giá thuế giảm thì mình cũng phải giảm giá bán, nên người dân được hưởng lợi nhiều hơn chứ DN cũng chỉ được phần nào”- Ông Thăng phân tích.
heo thông báo chính thức từ Bộ Công Thương, EU sẽ xóa bỏ hoàn toàn thuế nhập khẩu cho các sản phẩm dệt may trong vòng 7 năm kể từ khi Hiệp định có hiệu lực. Tuy nhiên, câu chuyện xuất khẩu dệt may sang EU không chỉ đơn giản là tận dụng ưu đãi giảm thuế.
Bởi theo ông Jean-Jacques Bouflet - Tham tán thương mại phái đoàn EU tại Việt Nam – vấn đề của ngành dệt may là phải đáp ứng được yêu cầu quy tắc xuất xứ từ vải. Có nghĩa, sản phẩm xuất khẩu phải sử dụng vải được sản xuất tại Việt Nam, hoặc một đối tác của EU như Hàn Quốc.
Tuy nhiên, bà Đặng Phương Dung - Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Dệt may Việt Nam (Vitas) nói với phóng viên rằng yêu cầu từ vải của EU đang “đánh” trúng vào “điểm yếu” nhất của ngành dệt may.
Do đó, bà Dung cho rằng ngành dệt may tận dụng được khoảng 50% cơ hội từ FTA với EU đã là thành công.
Phân tích cụ thể hơn, bà Dung cho biết hiện dệt may phải nhập tới 70% nguyên phụ liệu từ nước ngoài. Trong đó, có tới 42% nguyên liệu nhập khẩu từ Trung Quốc, còn lại là một số nước như Hàn Quốc, Đài Loan, Asean…
Ông Jean-Jacques cũng khẳng định: Vấn đề duy nhất của dệt may là phải đảm bảo nguồn gốc xuất xứ chặt. Yêu cầu này nhằm ngăn "chặn" hàng Trung Quốc xuất sang EU và hưởng lợi từ FTA với Việt Nam.
Bởi vậy, việc tận dụng ưu đãi thuế quan từ EU khi FTA được ký kết và có hiệu lực, được nhận định là không dễ dàng. Dẫn chứng, trước khi có FTA với EU, một số FTA với các đối tác như Nhật Bản, Australia… cũng yêu cầu quy tắc xuất xứ từ vải. Song tỷ lệ tận dụng được ưu đãi rất thấp.
Nỗ lực thoát “kiếp” gia công
Chỉ riêng FTA giữa ASEAN với Hàn Quốc, với yêu cầu đáp ứng quy tắc xuất xứ cắt và may, thì tỷ lệ tận dụng ưu đãi cao hơn.
Song theo bà Dung, ngay cả yêu cầu quy tắc xuất xứ đơn giản như trên, thì cũng chỉ có khoảng 84% hàng xuất khẩu dệt may tận dụng được ưu đãi thuế.
Đại diện của Vitas cũng cho rằng, để khai thác và nắm bắt được cơ hội từ FTA với EU, yêu cầu DN phải chuyển từ gia công sang làm hàng FOB (tự chủ nguyên liệu), hoặc ODM (tự thiết kế mẫu).
Tuy nhiên, hiện có đến 75% DN hiện đang làm gia công, nên bà Dung cho rằng đây sẽ là thách thức không nhỏ khi đa phần các DN dệt may đều có quy mô nhỏ, yếu về nguồn lực tài chính, kinh nghiệm thị trường. Do đó, cùng với việc chuyển dần sang các sản phẩm có giá trị cao, DN cần chú trọng khai thác ngách thị trường.
Trao đổi với phóng viên, bà Nguyễn Thị Điền - Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng Giám đốc Công ty May thêu giày An Phước, cho rằng thị trường EU yêu cầu cao về sản phẩm, nên nếu biết tận dụng những ngách nhỏ, thì vẫn có thể mang lại cơ hội cho DN.
Dẫn chứng, hiện DN này đang xuất bộ veston sang Đức. Mặc dù lượng đơn hàng nhỏ, nhưng do làm theo đơn đặt hàng, DN thiết kế mẫu mã, chú trọng đến chất lượng, nên giá trị gia tăng mà DN thu về cao hơn từ 15 – 20% so với hàng gia công.
Xuất khẩu dệt may sang EU trong 6 tháng đầu năm ước đạt 1,45 tỷ USD, tăng 8,2% so với cùng kỳ.
Do vậy, dù còn nhiều những thách thức với ngành song việc FTA với EU cơ bản kết thúc đàm phán, vẫn mở ra nhiều cơ hội cho DN biết tính toán chiến lược sản phẩm phù hợp và tận dụng cơ hội thì các ngách thị trường.