Phân bón giả ngày càng tinh vi hơn. phân bón giả làm bao bì giống phân bón thật và nhiều tới nỗi đơn vị sản xuất chính thức buộc phải khai tử sản phẩm của mình
Tranh cãi nảy lửa về nhập “rác” Trung Quốc
- Cập nhật : 01/12/2015
(Kinh te)
"Tuy là máy mới nhưng máy do Trung Quốc sản xuất thì chỉ xài 2-3 năm là đã “rệu rã” rồi!” - ông Đỗ Phước Tống, Giám đốc Công ty Cơ khí Duy Khanh, Phó Chủ tịch Hội Cơ khí TP.HCM.
Bộ Khoa học và Công nghệ vừa ban hành Thông tư số 23/2015 quy định máy móc, thiết bị, dây chuyền công nghệ đã qua sử dụng phải đáp ứng tuổi thiết bị không quá 10 năm (thông tư cũ quy định là năm năm).
Thông tư 23/2015 vừa ra đời được hai tuần, những tưởng sửa đổi được các vướng mắc về nhập khẩu máy móc cũ, thế nhưng cộng đồng doanh nghiệp (DN) phản ứng dữ dội hơn thông tư trước đó.
Cấm máy cũ là mở đường cho “rác” Trung Quốc
Sáng 27-11, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam cùng Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) tổ chức Hội nghị tham vấn giữa DN với hải quan TP.HCM, Bình Dương, Đồng Nai và các cơ quan quản lý. Trong đó công bố kết quả rà soát của Liên minh Tạo thuận lợi thương mại Việt Nam (VTFA) về Thông tư 23/2015.
Đề cập đến thông tư trên, ông Đỗ Phước Tống, Phó Chủ tịch Hội Cơ khí TP.HCM và là Giám đốc Công ty Cơ khí Duy Khanh, trên 25 năm sản xuất cơ khí, không dưới năm lần xin phát biểu để “phản pháo” các căn cứ của Bộ Khoa học và Công nghệ.
Ông cho rằng DN cơ khí phải đầu tư trên vài chục tỉ đồng mới sản xuất tốt. Lâu nay DN mua các máy cũ 10-15-20 năm của Đức, Nhật, Mỹ về dùng, vẫn dùng tốt. Mua máy mới của Đức, Nhật, Mỹ thì DN ta không đủ tiền, thậm chí cũng không đủ tiền mua máy 3-5 năm tuổi vì giá vẫn rất đắt.
Nhà nước cấm nhập máy móc cũ thì DN ta chỉ có nước mua máy mới của Trung Quốc hoặc máy cũ dưới 10 năm của Trung Quốc sản xuất mà thôi.
Ông Tống cảnh báo: “Tuy là máy mới nhưng máy do Trung Quốc sản xuất thì chỉ xài 2-3 năm là đã “rệu rã” rồi!”. Do đó, cấm nhập máy móc cũ, những tưởng sẽ giúp ngăn chặn “rác” cũ công nghệ lỗi thời nhưng hóa ra lại khiến DN phải nhập loại “rác” mới!
Lo Trung Quốc bán máy xong lặn mất tăm
Vấn đề được xoáy sâu tại hội thảo này là chính sách cấm nhập máy cũ này nhằm bảo vệ cho ai và gây khó cho ai?
Ông Trương Quốc Tuấn, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Máy công cụ và thiết bị TAT (có kinh nghiệm 15 năm kinh doanh máy công cụ, công ty này có ba nhà máy sản xuất máy cơ khí), đưa ra những dẫn chứng cụ thể cho thấy 100% khách hàng mua máy của ông đều phản ứng với Thông tư 23/2015 vì nếu áp dụng thì DN chỉ có nước chết!
“Tôi khảo sát 500 khách hàng, 100% họ nói thông tư này không giúp ích cho họ một cái gì hết. Mỗi năm TAT bán khoảng 400 máy móc ra thị trường nội địa. Chỉ 1% trong số đó là máy dưới 10 năm, còn 99% là máy cũ trên 10 năm nhưng DN vẫn mua, vẫn dùng tốt. Nếu cấm nhập máy cũ trên 10 năm thì 99% DN sẽ bị ảnh hưởng”.
Ông Tuấn nhận xét thẳng thừng: Thông tư này giúp một số DN kinh doanh máy móc thiết bị của Trung Quốc vào Việt Nam dễ dàng hơn!
Trong khi Việt Nam muốn cấm nhập máy theo tuổi đã sử dụng thì các nước khác vẫn cho phép nhập. “Tôi có sẵn đây những tờ khai, TAT tìm mua máy về, xong xuất khẩu máy đi Nhật, Mỹ, mà máy cũ trên 25 năm họ vẫn mua, vẫn cho nhập khẩu”.
Nỗi lo ngay ngáy sắp tới khi mua máy Trung Quốc là các DN Trung Quốc bán máy xong thì lặn mất tăm. Đây là chuyện không mới trên thương trường, ông Tuấn cảnh báo.
"Chúng tôi phản đối"
Bà Trần Tuyết Nhung, Vụ phó Vụ Đánh giá, Thẩm định và Giám sát công nghệ (Bộ Khoa học và Công nghệ), cho rằng trong năm qua có hơn 100 trường hợp máy cũ nhập về không sử dụng được.
“Một tỉnh bé như Đắk Nông thôi mà đã bị 4-5 cái máy cũ, vay ngân hàng xong, mua máy mang về, ráp lại, máy không chạy được, tìm đối tác thì đã chạy đâu mất tiêu, nên tốn một đống tiền, Nhà nước lại tốn tiền lưu kho, lưu bãi chờ xử lý”!
Ông Tống “phản biện” ngay: Bộ nên thống kê lại cho rõ các trường hợp đấy là DN tư mua hay mấy anh DN nhà nước mua về?!
Luật sư Vũ Xuân Hưng, Phó phòng Pháp chế Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, cũng lưu ý rằng khối DN tư nhân mua máy bằng tiền túi, hơn ai hết, họ không dại nhập những máy cũ không hiệu quả, Nhà nước không cần lo thay cho họ. Thay vào đó, nên xem lại các quy định xem nó có hợp lý không, tại sao khiến DN cực lực phản đối trong suốt thời gian dài như vậy?
Đại diện Bộ lại cho rằng trước khi ban hành quy định này thì Hiệp hội Cơ khí Việt Nam đã có văn bản đồng ý.
Ý kiến này khiến ông Tống càng phản ứng: “Ở đó chỉ quy tụ một số ít DN lớn, chủ yếu là các DN nhà nước, không đại diện cho DN tư nhân”. Còn Hội Cơ khí TP.HCM nắm rõ đặc điểm DN, quy trình sản xuất, chúng tôi phản đối!
Thông tư quy định không rõ ràng
Quy định Thông tư 23/2015 rất chung chung, không cụ thể về thời gian duyệt hồ sơ nhập khẩu máy móc. Với quy định chung như vầy, DN nộp hồ sơ thì đợi biết đến bao giờ mới có kết quả? Không cho nhập thì trong thời hạn nào đó phải trả lời cho tôi biết để tôi còn tính đường khác nữa chứ!
(Đại diện Bộ Tư pháp)
Kết quả rà soát của VTFA cho thấy Thông tư 23/2015:
- Quy định cấm nhập máy cũ chỉ căn cứ vào độ tuổi dưới 10 năm là không hợp lý và thiếu cơ sở khoa học. Đề xuất chỉnh sửa, nên quy định căn cứ vào độ an toàn lao động, không gây ô nhiễm môi trường, không tiêu hao năng lượng vượt chuẩn.
- Thông tư 23/2015 buộc DN phải nộp hồ sơ xin các bộ chấp nhận mới được nhập, sẽ ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, thương mại, sự cạnh tranh và cơ hội kinh doanh của các DN Việt Nam...