Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam được đề xuất là chủ đầu tư giai đoạn khởi động sân bay Long Thành...
Ngành da giày lao đao vì quy định kiểm dịch thú y da thuộc
- Cập nhật : 05/12/2015
(Cong nghiep)
Hiệp hội da giày VN vừa có văn bản gởi các bộ phản đối về việc đưa da thuộc vào áp dụng kiểm dịch thú y.
Hiệp hội da giày VN (Lefaso) vừa có văn bản gởi các bộ: Nông nghiệp và phát triển nông thôn (NN&PTNT), Công thương và Tổng cục Hải quan, phản đối về việc đưa da thuộc (là một loại da thành phẩm) phải áp dụng kiểm dịch thú y theo quyết định số 4758/QĐ-BNN-TY do bộ NN&PTNT ban hành hôm 18-11.
Theo các chuyên gia trong ngành da giày, da chưa qua quá trình thuộc được gọi là da nguyên liệu. Da đã trải qua quá trình thuộc da có sử dụng các hóa chất gọi là da thành phẩm. Do sử dụng các hóa chất để thuộc nên da thành phẩm không còn vi khuẩn và mầm bệnh.
Chính vì vậy, da thuộc để sử dụng sản xuất giày dép, túi xách là da thành phẩm, “vốn đã được kiểm nghiệm trước khi xuất, không liên quan đến dịch bệnh và không có khả năng lây bệnh”, công văn của Lefaso khẳng định.
Trong khi đó, hiện năng lực cung ứng da thuộc trong nước chỉ mới đáp ứng chưa tới 40% nhu cầu của doanh nghiệp, hàng năm phải nhập khẩu 60% lượng da cần thiết, tương ứng khoảng 500 triệu square feet (đơn vị đo da quốc tế). Nên việc áp dụng kiểm dịch đối với da thuộc là không phù hợp đối với da thành phẩm, tạo ra một sức ép rất lớn về thời gian và chi phí không cần thiết cho doanh nghiệp.
Đáng ngạc nhiên hơn, quyết định ban hành ngày 18-11-2015 và có hiệu lực ngay lập tức kể từ ngày ký thì đến cuối tháng 11-2015, doanh nghiệp mới biết được thông tin khi hàng hóa nhập về bị yêu cầu kiểm dịch.
Trong khi đó, theo quy định về kiểm dịch, doanh nghiệp phải khai báo ít nhất 15 ngày trước khi hàng nhập đến cửa khẩu, khiến nhiều lô hàng của các doanh nghiệp hiện đang bị ách tắc ngoài cảng, không thể thông quan được.
Ngoài việc kiến nghị loại bỏ da thuộc ra khỏi danh mục bắt buộc kiểm dịch, Lefaso còn đề nghị các bộ liên quan chấp thuận cho doanh nghiệp nhập da sống, hoặc da sơ chế dùng cho công nghiệp thuộc da được thực hiện việc kiểm dịch tại nguồn (nơi nhập khẩu).
Việc này nhằm giúp doanh nghiệp giảm chi phí phí lưu kho tại cảng, giải phóng hàng nhanh và giảm thiểu được các rủi ro về cho an toàn vệ sinh dịch tể do lưu hàng lại tại cảng.
Theo nguồn tin của Tuổi Trẻ, trước đó Bộ NN&PTNT đã từng ban hành thông tư quy định mặt hàng da thuộc phải kiểm dịch khi làm thủ tục nhập khẩu. Tuy nhiên, khi Lefaso có công văn kiến nghị thì bộ này đã đồng ý đưa da thuộc ra khỏi danh mục kiểm dịch tại các cửa khẩu.
“Chúng tôi không hiểu vì sao quy định này lại tái lập. Các doanh nghiệp, lẫn hiệp hội ngành hàng cũng không hề được Bộ NN&PTNT tham vấn trước khi ban hành quyết định 4758 nói trên”, đại diện một doanh nghiệp xuất khẩu da giày có quy mô lớn khu vực phía Nam thắc mắc.