Đã có hàng nghìn lý do khác nhau được đưa ra khi có yêu cầu báo cáo giải trình về trách nhiệm làm “đội vốn” các dự án giao thông.
Giao thông Việt Nam sẽ kết nối hành lang kinh tế Á - Âu
- Cập nhật : 13/09/2015
(Tin kinh te)
Phát biểu tại lễ khai mạc ASEM tại Hàn Quốc, Bộ trưởng Thăng cho biết: Việt Nam sẽ tạo điều kiện tốt nhất để thu hút nguồn lực đầu tư vào hạ tầng giao thông cũng như logistics...
Phát biểu tại lễ khai mạc ASEM (diễn đàn hợp tác Á - Âu) về mạng lưới GTVT và Logistics ngày 10/9, tại Hàn Quốc, Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng khẳng định, Việt Nam sẽ tạo điều kiện tốt nhất để thu hút nguồn lực đầu tư vào hạ tầng giao thông cũng như logistics, theo hướng đẩy mạnh kết nối kinh tế Việt Nam với khu vực và thế giới.
Việt Nam sẽ là trung tâm trung chuyển khu vực
Là một trong những diễn giả chính của Diễn đàn ASEM về mạng lưới GTVT và Logistics, Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng đồng tình với việc xây dựng một mạng lưới GTVT và logistics thông suốt giữa các nước Á - Âu sẽ là cầu nối thúc đẩy hợp tác mọi mặt giữa các quốc gia ở hai châu lục.
Là một trong những thành viên tích cực của Diễn đàn ASEM, thời gian qua, ngành GTVT Việt Nam đã tích cực tham gia vào các chương trình, dự án tăng cường kết nối GTVT Á - Âu. Định hướng và kế hoạch phát triển GTVT của Việt Nam luôn gắn kết và hướng tới việc xây dựng hệ thống GTVT thông suốt trong khu vực, trên tất cả các lĩnh vực như: Đường bộ, đường sắt, hàng hải, hàng không...
Diễn đàn ASEM về mạng lưới GTVT và Logistics diễn ra từ 9-12/9, tại Seoul, Hàn Quốc nhằm mục tiêu nhìn nhận, đánh giá tình hình, vướng mắc đồng thời thảo luận giải pháp tăng cường hỗ trợ, hợp tác, thúc đẩy xây dựng một mạng lưới GTVT liền mạch khu vực Á - Âu. Cùng với phiên thảo luận chung, diễn đàn còn có các phiên thảo luận chuyên đề: Vận tải mặt đất và hàng không; Vận tải hàng hải và Hướng tới một lục địa Á - Âu thống nhất thông qua tạo thuận lợi và cung cấp tài chính.
Chẳng hạn, trong lĩnh vực đường bộ, Bộ trưởng Thăng cho biết, cùng với xây dựng, hoàn thiện nhiều công trình hạ tầng kết nối hành lang kinh tế đất nước với các nước trong khu vực, Việt Nam đã và đang cải cách hành chính mạnh mẽ tại cửa khẩu theo mô hình “một cửa một lần dừng”, góp phần tiết kiệm thời gian, chi phí cho hoạt động này.
Hay lĩnh vực hàng không, Việt Nam đã ký kết, gia nhập hơn 80 điều ước quốc tế. Hiện có 53 hãng hàng không nước ngoài thuộc 25 quốc gia đang khai thác đến Việt Nam. Các hãng hàng không Việt Nam đang khai thác 56 đường bay quốc tế đến 17 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới và đang có kế hoạch mở rộng...
Về lĩnh vực logistics, Việt Nam có khoảng 1.200 doanh nghiệp và 25/30 tập đoàn giao nhận hàng đầu thế giới tham gia đầu tư, kinh doanh và lĩnh vực này không ngừng được nâng hạng về Chỉ số hoạt động logistics (LPI)….
Bộ trưởng Đinh La Thăng khẳng định: “Chúng tôi sẽ tiếp tục xây dựng mới và nâng cấp đồng bộ hệ thống đường bộ, đường sắt cũng như các cảng hàng không, cảng biển quốc tế không chỉ là cửa ngõ kết nối Việt Nam với các nước mà còn đóng vai trò là trung tâm trung chuyển hàng không và hàng hải của khu vực. Đồng thời, sẽ đàm phán, ký kết và thực hiện các điều ước quốc tế nhằm tạo thuận lợi cho hoạt động vận tải cũng như logistics của các doanh nghiệp”.
Để tiếp tục hút mọi nguồn lực đầu tư cho GTVT, người đứng đầu ngành GTVT cũng cam kết, sẽ tiếp tục tạo điều kiện tốt nhất nhằm khuyến khích các tổ chức, doanh nghiệp trong nước và quốc tế đầu tư vào cơ sở hạ tầng, GTVT cũng như logistics.
Giao thông “không biên giới”
Phát biểu khai mạc Diễn đàn, Tổng thống Hàn Quốc Park Geun-hye ghi nhận sự quan tâm của Chính phủ các nước cũng như người đứng đầu lĩnh vực GTVT với mục tiêu kết nối hai lục địa. “Việc tạo thuận lợi về GTVT, logistics sẽ giúp giảm chi phí cho các doanh nghiệp, nền kinh tế. Do đó, các nước cần tăng cường hợp tác trên cơ sở đơn giản hoá thủ tục hành chính; tiêu chuẩn hoá các quy định về kiểm tra tại các cửa khẩu; cùng nghiên cứu dỡ bỏ rào cản”, bà Park Geun-hye kêu gọi.
Lời kêu gọi của Tổng thống Hàn Quốc nhận được sự ủng hộ tích cực của các quan chức cấp cao lĩnh vực GTVT tham dự diễn đàn.
Sau một ngày tích cực thảo luận, những người đứng đầu lĩnh vực GTVT, các chuyên gia, doanh nghiệp… đã tìm được tiếng nói chung khi thống nhất cao một số nội dung quan trọng, như: Thành lập đối tác điều phối GTVT ASEM và tăng cường hoạt động của ban trung tâm ASEM để đảm bảo tính liên tục cho Hội nghị Bộ trưởng GTVT ASEM; Thành lập nhóm chuyên gia Á - Âu, làm việc, thảo luận định kỳ để tìm kiếm các biện pháp hợp tác nhằm tăng cường kết nối Á - Âu, bao gồm ba nhóm: Nhóm Logistics và các phương thức vận tải; Nhóm công tác về tạo thuận lợi GTVT và hợp tác xuyên biên giới; Nhóm công tác về tài chính.
“Nếu cần thiết, nhóm công tác này có quyền tổ chức các tổ làm việc để giải quyết các vấn đề cụ thể. Nhóm công tác Á - Âu lập mới sẽ hợp tác với các nhóm công tác Á - Âu hiện nay, như nhóm công tác về Hải quan của ASEM; hoặc có thể họp với các tổ chức trong khu vực, quốc tế như: WB, ADB, UIC, IRU…”, tuyên bố chung nhấn mạnh.
EDCF muốn tăng đầu tư vào Việt Nam
Tại cuộc làm việc với Chủ tịch Ngân hàng Xuất nhập khẩu Hàn Quốc (EDCF) Lee Duk-Hoon chiều 10/9, Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng đánh giá cao sự hỗ trợ của EDCF và đặc biệt của cá nhân Ngài Chủ tịch Lee Duk-Hoon trong lĩnh vực GTVT. Với sự hợp tác của ngân hàng này, một số dự án đã hoàn thành như: Dự án cải tạo QL18, cầu Vĩnh Thịnh, Hệ thống ITS cho đường cao tốc TP Hồ Chí Minh - Trung Lương, dự án Hành lang ven biển phía Nam giai đoạn 1. Hai bên cũng đang hợp tác triển khai một số dự án xây dựng cầu Vàm Cống; Tuyến Lộ Tẻ - Rạch Sỏi; cầu Hưng Hà; cầu Thịnh Long...
Bộ trưởng Thăng đề nghị EDCF kiến nghị Chính phủ Hàn Quốc xem xét sớm tài trợ cho các dự án hạ tầng giao thông quan trọng tại Việt Nam như: Dự án thành phần 1A thuộc dự án đường Tân Vạn - Nhơn Trạch, giai đoạn 1, Vành đai 3 - TP HCM (CIPM quản lý) trị giá 200 triệu USD; Dự án tín dụng ngành xây dựng các cầu kết nối các quốc lộ (PMU2 quản lý): 100 triệu USD; Dự án cải tạo đèo Khe Nét (Km414 - Km423) tuyến đường sắt Thống Nhất (85 triệu USD)…
Trân trọng sự quan tâm, sâu sát của Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng, Chủ tịch EDCF Lee Duk-Hoon bày tỏ mong muốn tăng cường hợp tác với các doanh nghiệp cũng như Bộ GTVT. Ông Lee Duk-Hoon cam kết sẽ kiểm tra việc lập hỗ trợ kỹ thuật cho các dự án vay vốn Hàn Quốc nhằm giúp tiết kiệm chi phí, nâng cao hiệu quả dự án.
Đại sứ quán là cầu nối thúc đẩy đầu tư, thương mại
Chiều 10/9, Bộ trưởng Đinh La Thăng đã tới thăm và làm việc với Đại sứ quán (ĐSQ) Việt Nam tại Hàn Quốc. Đại sứ đặc mệnh toàn quyền tại Hàn Quốc Phạm Hữu Chí báo cáo Bộ trưởng, sự hợp tác giữa Việt Nam - Hàn Quốc ngày một chặt chẽ và đi vào chiều sâu thời gian qua. Hàn Quốc hiện là nhà tài trợ song phương lớn thứ hai (sau Nhật Bản) cho ngành GTVT Việt Nam.
Bộ trưởng ghi nhận những đóng góp tích cực của ĐSQ Việt Nam tại Hàn Quốc, góp phần thúc đẩy mối quan hệ giữa hai nước, phát triển mạnh cả về đầu tư, thương mại, du lịch, văn hoá...
Lĩnh vực GTVT thời gian qua đã có nhiều nỗ lực cải thiện, năm 2014 được Diễn đàn Kinh tế thế giới ghi nhận tăng 24 bậc so với năm 2013. Tuy nhiên, ngành vẫn cần nỗ lực hơn nữa để nâng cao hiệu quả quản lý, hoạt động, đồng thời tiếp tục thu hút mọi nguồn lực đầu tư nhằm cải thiện hạ tầng giao thông. “Mong rằng ĐSQ tiếp tục phát huy tốt vai trò, là cầu nối để tăng hiệu quả hợp tác giữa hai Chính phủ, trong đó có lĩnh vực GTVT”, Bộ trưởng bày tỏ.