Dệt may Việt Nam đang đón “làn sóng” đầu tư lớn từ nước ngoài. Đây là cơ hội, đồng thời cũng là thách thức cho các doanh nghiệp (DN) dệt may trong nước.
Ngành thép trước nguy cơ bị lấn át bởi hàng nước Nga
- Cập nhật : 16/08/2015
(Doanh nghiep)
Không chỉ cạnh tranh với đối thủ truyền thống Trung Quốc, việc mở cửa thị trường khiến cho thép Nga tràn vào với mức giá rất rẻ, đang là nguy cơ cho DN sản xuất thép Việt Nam.
Ngành thép đứng trước nguy cơ cạnh tranh từ thép Nga theo đánh giá của VSA.
Nội dung nổi bật:
- Tình hình sản xuất và tiêu thụ thép khởi sắc trở lại trong 7 tháng đầu năm nay được ông Nguyễn Văn Sưa, Phó Chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA) nhận định tăng trưởng ngành sẽ đạt 18 - 19% trong năm nay.
- Tuy nhiên, lượng thép nhập khẩu ngày càng lớn đang tạo sức ép cạnh tranh gay gắt cho DN thép trên chính sân nhà, đặc biệt là từ Trung Quốc.
- Bài toán cạnh tranh của ngành thép còn được nhận định sẽ ngày càng khốc liệt hơn khi các dòng thuế được cắt giảm về 0% theo cam kết từ các hiệp định thương mại tự do. Theo đó, thép của Nga được nhận định sẽ là một đối thủ mới cho các DN thép của Việt Nam.
Trước tình hình nhập khẩu thép tăng mạnh trong 6 tháng đầu năm và giá thép trong nước giảm, ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh của DN thép, phóng viên đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Văn Sưa - Phó Chủ tịch Hiệp hội thép Việt Nam (VSA) về vấn đề này.
Thưa ông, tình hình sản xuất, tiêu thụ của ngành thép trong 7 tháng đầu năm ra sao?
Nhìn chung hoạt động sản xuất, tiêu thụ thép trong 7 tháng đầu năm 2015 khá tốt. Trong đó, sản xuất là có mức độ tăng trưởng tương đối khá, toàn ngành cỡ 18% – 19%.
Song hoạt động sản xuất của ngành thép năm nay khác các năm trước. Mọi năm tăng trưởng thép tập trung ở sản phẩm tôn mạ và thép ống, còn thép xây dựng tăng trưởng ít nhất.
Tuy nhiên, năm nay thì bức tranh lại ngược lại, khi thép ống tăng nhanh nhất, tiếp đến là thép xây dựng.
Cụ thể, trong 7 tháng đầu năm sản xuất thép xây dựng đạt trên 3,5 triệu, tăng 24%; thép ống đạt khoảng gần 700.000 tấn, tăng 29%. Các sản phẩm tôn mạ, tôn mầu tăng thấp hơn, chỉ khoảng 12%.
Tình hình tiêu thụ cũng đạt mức khá, tương ứng với sản xuất khi số tồn kho ở mức gối đầu hàng tháng.
Sản xuất và tiêu thụ đã có bước tăng trưởng đáng khích lệ trở lại, vậy DN thép còn gặp khó khăn nào không thưa ông?
Khó khăn lớn nhất của DN thép hiện nay là giá cả nguyên liệu đầu vào bến động rất nhiều. Từ đầu năm 2014 giá nguyên liệu giảm liên tục, gây khó khăn cho người kinh doanh.
Vì thông thường DN nhập về, nhưng phải 1 tháng sau mới đưa vào sản xuất. Trong khi giá bán liên tục giảm nên nhập về đã lỗ rồi chứ chưa nói đến khi bán ra thị trường, mức giảm lại không tương xứng được như vậy.
Cũng do ngành thép phụ thuộc nhập khẩu nguyên liệu đầu vào bên ngoài. Mức giảm giá lớn nhất là quặng sắt, từ 70 USD xuống còn 50 USD/tấn, tương ứng khoảng 28 – 29%. Song giá bán ra hiện chỉ giảm ở mức 300 nghìn/tấn, tương ứng gần 3%.
Bên cạnh đó, nhập khẩu thép chủ yếu từ Trung Quốc đang tăng mạnh. Đây là nước sản xuất nhiều thép lớn nhất thế giới, giá cả cạnh tranh, Chính phủ nước này cũng có nhiều chính sách ưu đãi cho xuất khẩu.
Do vậy, thép sản xuất trong nước luôn “hứng chịu” làn sóng nhập khẩu thép từ Trung Quốc. Điều này ảnh hưởng không tốt đến DN thép nội địa.
Trong 6 tháng đầu năm đặc biệt nổi lên là vấn đề tôn thép, khi nhập tới 500.000 tấn. Dự kiến năm nay có thể nhập tới 1 triệu, như vậy sẽ chiếm thị phần lớn và cạnh tranh với DN nội.
Nhiều DN lo ngại ngành thép sẽ chịu sức ép cạnh tranh lớn hơn là tận dụng cơ hội từ hội nhập. Ông đánh giá về vấn đề này thế nào?
Việc tham gia các hiệp định thương mại tự do tạo điều kiện cho nhà sản xuất thép Việt Nam mở rộng xuất khẩu. Xuất khẩu thép là một trong những hoạt động tương đối quan trọng.
Ví dụ năm 2014 ngành thép xuất khẩu được 3,4 triệu tấn, với kim ngạch là 2,8 tỷ USD. Do đó, khi ký FTA thì hàng rào thuế quan giảm đi, tạo cơ hội cho DN đẩy mạnh xuất khẩu.
Ngược lại, sản phẩm thép vào nhiều cũng làm ảnh hưởng đến các nhà sản xuất trong nước. Đặc biệt từ một số cường quốc thép như Trung Quốc, Nga họ sản xuất rất nhiều.
Đơn cử với Nga, hiện nhu cầu thép trong nước này giảm nhiều, trong khi các nhà xuất khẩu của Nga đã quen làm ăn với Việt Nam. Đồng Rup của Nga cũng đang mất giá nên giá bán sẽ rất rẻ. Đây chính là nguy cơ khi thép Nga tràn vào Việt Nam.
Do vậy, trong quá trình đàm phán VSA đã kiến nghị nên bảo vệ sản phẩm thép trong nước sản xuất được. Trên tinh thần ấy đoàn đàm phán đã đưa vấn đề và hầu hết đạt được yêu cầu. Với lộ trình giảm trong 5 – 7 năm hay thậm chí là 10 năm, DN sẽ có thời gian chuẩn bị tốt hơn.
Tình hình thị trường đang khả quan, vậy ông nhận định thế nào về tốc độ tăng trưởng của ngành trong năm nay?
Bức tranh thị trường đang sáng hơn, đặc biệt trong cuối năm các dự án triển khai. Đây là năm cuối cùng hoàn thành mục tiêu kinh tế xã hội 5 năm, cũng sẽ tác động khiến nhu cầu thép tăng lên.
Hiện thép xây dựng đang tăng khá, tôn mạ tăng kém, và chỉ có xuất khẩu giảm 5% so với năm trước. Do đó, nên tăng trưởng năm nay cố gắng tương đương năm ngoái là 18 – 19%.
(Theo CafeF)