Các doanh nghiệp Nhật đang dần đóng cửa các nhà máy tại miền Nam Trung Quốc và di chuyển đến Việt Nam.
Logistics trước thềm TPP: Khó tứ bề
- Cập nhật : 25/08/2015
(Tin kinh te)
Theo lộ trình, lĩnh vực logistics đã mở cửa hoàn toàn cho các doanh nghiệp (DN) nước ngoài từ ngày 1/1/2014.
Đến nay, đã có trên 60 hãng tàu biển, 51 hãng hàng không quốc tế đang khai thác các tuyến vận tải kết nối Việt Nam với thế giới. Bên cạnh đó, xu hướng các nhà đầu tư nước ngoài thuê lại kho bãi của các DN trong nước để thành lập DN cung cấp dịch vụ logistics tại Việt Nam đang tăng lên.
Hiện Việt Nam có khoảng 1.200 DN hoạt động trong lĩnh vực logistics, nhưng đa phần là DN nhỏ và vừa, nên chỉ mang lại 4,4% tổng GDP. Trong khi tại Thái Lan, Singapore, ngành này mang lại 15% tổng GDP.
Vốn ít nên cơ cấu tổ chức của các DN Việt Nam đơn giản, không chuyên sâu, chưa tổ chức kết nối được vận tải đa phương thức, những công việc ở nước ngoài đều phải thông qua đại lý của các công ty đa quốc gia.
Điều này dẫn đến hầu hết DN Việt Nam chỉ làm đại lý cấp 2, cấp 3, thậm chí cấp 4 cho các công ty toàn cầu. Đến nay DN Việt Nam mới chỉ đáp ứng được 25% nhu cầu nội địa và chỉ tập trung vào một vài ngành dịch vụ trong chuỗi giá trị dịch vụ logistics.
Việt Nam đang trong quá trình phát triển dịch vụ 3PL (dịch vụ trọn gói, quản lý dòng chảy nguyên liệu, hàng hóa, thông tin), nhưng chủ yếu nằm trong tay các "đại gia" nước ngoài, hoặc các liên doanh như Maerk, NYK, APL, Linfox, Toll... Chỉ khoảng 10 - 15% DN hội viên Hiệp hội DN dịch vụ Việt Nam có khả năng cung ứng loại hình này.
Bên cạnh đó, phạm vi hoạt động của các DN Việt Nam rất hẹp, chỉ ở nội địa và một vài nước trong khu vực, trong khi phạm vi hoạt động của các DN nước ngoài như APL Logistics là gần 100 quốc gia, Mearsk Logistics là 60 quốc gia, Exel cũng vậy.
Trong xu thế tự do hóa thương mại gia tăng, chủ hàng thường có xu hướng lựa chọn phương thức thuê ngoài từ rất nhiều quốc gia và lãnh thổ trên thế giới. Với phạm vi hoạt động hẹp của DN Việt Nam, đây sẽ là một trong những yếu tố cản trở sự phát triển của thị trường.
Hiện nay Việt Nam vẫn bị xếp hạng thấp về cơ sở hạ tầng vận chuyển hàng hóa trong khu vực Đông Nam Á. Đây là nguyên nhân quan trọng, đầu tiên tác động đến sự phát triển của thị trường logistics.
Trong đó, hạn chế lớn nhất là giao thông vận tải thiếu kết nối đa phương thức, các khu cảng hiện đại, các vùng hậu phương sau cảng còn tùy thuộc quá nhiều vào đường bộ với tình trạng chung nhỏ hẹp, xuống cấp trầm trọng.
Phần lớn cảng biển Việt Nam không được thiết kế cho việc bốc dỡ hàng cho tàu chuyên dùng, nhiều cảng nằm ngoài TP.HCM chỉ được thiết kế cho hàng rời, không có trang thiết bị xếp dỡ container chuyên dụng. Các cảng không có dịch vụ hàng hải trực tiếp kết nối Việt Nam với các cảng biển châu Âu hay Mỹ.
Mặt khác, các sân bay trong nước cũng thiếu các thiết bị phù hợp để bốc dỡ hàng hóa, thiếu sự đầu tư kho bãi gần sân bay, bến cảng. Chưa kể đến tình trạng thiếu dịch vụ hỗ trợ giao tiếp thông tin, sự yếu kém trong công tác lập kế hoạch, thiếu đầu tư đã dẫn đến tình trạng ùn tắc hàng hóa.
Việc áp dụng công nghệ thông tin vào kinh doanh của DN Việt Nam còn yếu kém, chủ yếu giới thiệu về mình, thiếu hẳn các công cụ tiện ích khách hàng cần, trong khi khả năng nhìn thấy và kiểm soát đơn hàng, lịch tàu... là yếu tố được các chủ hàng đánh giá cao khi lựa chọn nhà cung cấp dịch vụ.
APL Logistics được Nike chọn cung cấp dịch vụ là do DN này có thể cung cấp cho họ công cụ hiển thị. Điều này giúp Nike tính toán tốt những dự báo, kiểm soát đơn hàng tồn, đáp ứng kịp thời yêu cầu của khách hàng ở chi phí tối ưu nhất.
Hiện nay, khung thể chế, pháp luật về lĩnh vực logistics khá đầy đủ, nhưng qua thời gian, một số quy định không còn phù hợp, thiếu cập nhật các định chế cần thiết, thiếu đầu mối quản lý thống nhất, nên chưa tạo ra thị trường minh bạch, cạnh tranh, tạo tiền đề cho thị trường logistics Việt Nam phát triển bền vững.
Một điểm nữa, do phát triển nóng nên nguồn nhân lực cung cấp cho thị trường logistics Việt Nam thiếu hụt trầm trọng cả về lượng và chất. Dù đã phát triển dịch vụ 3PL nhưng DN trong nước vẫn còn nhiều khoảng cách với DN nước ngoài về uy tín trên thương trường, dịch vụ khách hàng do yếu kém về công nghệ, trình độ tay nghề, tính chuyên nghiệp thấp...
Ước tính, tổng số 140 DN hội viên Hiệp hội DN dịch vụ logistics Việt Nam có khoảng 4.000 nhân viên chuyên nghiệp và 5.000 nhân viên bán chuyên nghiệp, nhưng chỉ đáp ứng 40% nhu cầu, trong khi dự báo, 3 năm tới các DN logistics cần thêm 18.000 lao động.
Để tận dụng những cơ hội từ tự do hóa dịch vụ logistics theo cam kết của Việt Nam với WTO, sự ra đời của AEC 2015 và hoàn tất đàm phán TPP trong tương lai gần, Nhà nước và các DN logistics cần nhìn nhận đúng thực trạng phát triển của ngành thời gian qua để từ đó xác định hướng phát triển thị trường logistics một cách bền vững.
Nhà nước cần xây dựng, hoàn thiện khung pháp lý, chuẩn hóa quy trình dịch vụ, nâng cấp cơ sở hạ tầng và chất lượng nguồn nhân lực cho lĩnh vực logistics. Nhà nước cũng cần có biện pháp hướng dẫn, thúc đẩy các DN logistics liên kết với nhau, hình thành các công ty có năng lực đủ mạnh, đủ sức cạnh tranh với các công ty nước ngoài.