8 tháng năm 2015, sản lượng điện sản xuất và mua của EVN ước đạt 105,15 tỷ kWh, tăng 11,78% so với cùng kỳ năm 2014. Trong đó, nhập khẩu chiếm 1,11% cơ cấu sản lượng điện.
Không nên tăng thuế tài nguyên để bù đắp thất thu do giảm thuế khi hội nhập!
- Cập nhật : 05/09/2015
(Tin kinh te)
Một số doanh nghiệp khoáng sản cho rằng, việc tăng thuế tài nguyên để bù đắp phần miễn giảm thuế khi Việt Nam tham gia các FTA trong thời gian tới là không hợp lý...
Mới đây, Công ty TNHH Khai thác chế biến Khoáng sản Núi Pháo, Công ty TNHH Mỏ Nikel Bản Phúc và Hội Đá trắng Lục Yên – Yên Bái đã có văn bản góp ý dự thảo Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về ban hành biểu thuế suất thuế tài nguyên (thay thế Nghị quyết 712/2013/UBTVQH13 ngày 16/12/2013).
Theo đó, các doanh nghiệp này cho rằng, việc tăng thuế tài nguyên để bù đắp phần miễn giảm thuế khi Việt Nam tham gia các FTA trong thời gian tới là không hợp lý.
Thứ nhất, tăng thuế suất thuế tài nguyên sẽ làm tăng chi phí khai thác khoáng sản, khiến các doanh nghiệp đã đi vào khai thác chỉ tập trung khai thác ở phần quặng giàu với chi phí khai thác thấp mà bỏ lại quặng nghèo, gây lãng phí tài nguyên quốc gia.
Thứ hai, tăng thuế tài nguyên chỉ tác động đến các doanh nghiệp khai thác hợp pháp, làm ăn chân chính, gây tăng giá trên thị trường của nhiều loại khoáng sản, từ đó khuyến khích khai thác trái phép. Điều này đi ngược lại chủ trương quản lý hiệu quả, tiết kiệm tài nguyên và bảo vệ môi trường.
Thứ ba, tăng thuế suất có thể tác dụng tăng thu ngân sách trong ngắn hạn nhưng sẽ làm giảm thu ngân sách trong dài hạn. Nguyên nhân chính của hiện tượng này là do tổng lượng khoáng sản khai thác được sẽ giảm, từ đó làm giảm tổng số tiền thuế phải nộp, cả về thuế tài nguyên, phí bảo vệ môi trường, thuế giá trị gia tăng, thuế xuất khẩu, thuế thu nhập doanh nghiệp.
Thứ tư, các chính sách thuế thay đổi liên tục trong một khoảng thời gian ngắn sẽ gây mất ổn định môi trường kinh doanh của Việt Nam, khiến các doanh nghiệp không muốn đầu tư sâu vào chế biến khoáng sản mà chỉ tập trung vào khai thác nhỏ lẻ, bán khoáng sản thô. Nhìn rộng hơn, điều này đi ngược lại Nghị quyết 19 của Chính phủ về cải thiện môi trường kinh doanh và nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.
Thứ năm, việc tăng thuế tài nguyên để bù đắp thuế xuất khẩu khoáng sản sẽ bị giảm và xóa bỏ từ các FTA mà Việt Nam đang tham gia đàm phán là không hợp lý về mặt thời gian cũng như công cụ quản lý.
"Chúng tôi đề nghị Nhà nước cân nhắc lại đề xuất tăng thuế tài nguyên đối với khoáng sản mà tập trung vào các biện pháp như chống khai thác trái phép, thực thi các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật về an toàn, công nghệ khai thác, chế biến, bảo vệ môi trường, và các chính sách về quy hoạch, cấp phép hoạt động khoáng sản" - văn bản nêu rõ.
Bên cạnh đó, các doanh nghiệp khoáng sản cũng cho rằng, tăng thuế sẽ khiến một phần tài nguyên quốc gia bị bỏ lại trong lòng đất.
Hồng Lam
Theo Trí thức trẻ/CafeF