Được quy hoạch làm cụm cảng tổng hợp quốc gia, cửa ngõ quốc tế , cảng trung chuyển quốc tế cho tàu trọng tải lớn ra vào, nhưng lượng hàng qua hệ thống cảng trung chuyển quốc tế Cái Mép – Thị Vải quá “èo uột”.
Da giày và mục tiêu xuất khẩu 17 tỷ USD
- Cập nhật : 06/03/2016
(Tin kinh te)
Năm 2015, tốc độ xuất khẩu của ngành da giày sang các thị trường chủ lực như Mỹ, EU, Nhật Bản… đều tăng khá đã khiến tổng kim ngạch xuất khẩu toàn ngành đạt gần 15 tỷ USD, tăng hơn 16% so với 2014, trong đó, xuất khẩu giày dép đạt 12 tỷ USD, túi xách, va li, ô dù đạt hơn 2,9 tỷ USD.
Ông Nguyễn Đức Thuấn, Chủ tịch Hiệp hội Da - Giày - Túi xách Việt Nam (LEFASO) cho biết, trong năm 2015, các thị trường xuất khẩu truyền thống của ngành như thị trường Mỹ, tăng hơn 25%, thị trường EU tăng hơn 10%, đặc biệt, thị trường Trung Quốc tăng vượt bậc với gần 50% so với năm 2014.Năm 2016, cơ hội về tăng tốc xuất khẩu và mở rộng thị trường tiếp tục hiện hữu hơn với ngành da giày, nhờ cú hích từ các Hiệp định Thương mại tự do như (FTA) với EU, Hàn Quốc và đặc biệt là Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) đã kết thúc đàm phán, chuẩn bị được ký kết.
Những năm trước đây, EU là thị trường xuất khẩu chủ lực của ngành da giày, nhưng đến năm 2015, ngôi vị này đã có sự thay đổi, khi xuất khẩu sang thị trường Mỹ là năm đầu tiên chứng kiến giá trị xuất khẩu gần 5 tỷ USD, vượt EU. Đại diện LEFASO cũng cho rằng, những diễn biến trên đã khiến mức độ quan tâm và cơ hội của các doanh nghiệp Việt hướng tới thị trường Mỹ ngày một lớn.
Ngoài tín hiệu đáng mừng từ thị trường Mỹ, ngay trong những tháng đầu năm 2016, thông tin có lợi nữa với ngành da giày là Toà án Tư pháp thuộc Liên minh châu Âu (CJEU) đã ra thông báo quyết định áp thuế chống bán phá giá đối với sản phẩm giày mũ da (certain leather footware) nhập khẩu từ Việt Nam bị vô hiệu một phần.
Trước đó, vào tháng 10/2006, Ủy ban châu Âu (EC) đã ban hành quyết định áp thuế chống bán phá giá đối với sản phẩm giày mũ da nhập khẩu từ Trung Quốc và Việt Nam. Mức thuế áp dụng đối với Trung Quốc là 16,5%, Việt Nam là 10%.
Đến năm 2010 và 2012, nhà nhập khẩu giày Clark của Anh Quốc và nhà nhập khẩu Puma của Cộng hòa liên bang (CHLB) Đức đã yêu cầu cơ quan hải quan của hai nước này hoàn lại tiền thuế chống bán phá trị giá đã áp dụng với sản phẩm này, với lý do lệnh áp thuế chống bán phá giá không hợp lệ.
Như vậy, việc vô hiệu một phần thuế chống bán phá giá áp lên sản phẩm giày mũ da Việt Nam sẽ giúp ngành da giày giảm thiểu khó khăn khi xuất khẩu vào EU và đó là động lực để các doanh nghiệp trong ngành đầu tư mở rộng sản xuất.
Ngành da giày sẽ có thêm nhiều cơ hội thúc đẩy xuất khẩu, giảm thuế về 0% khi Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) và TPP có hiệu lực, dự kiến vào năm 2018.
Theo số liệu của Lefaso, Việt Nam nằm trong top 4 nước sản xuất giày dép lớn nhất thế giới về số lượng sau Trung Quốc, Ấn Độ và Brazil, nhưng là nước xuất khẩu lớn thứ 3 trên thế giới về trị giá trị, sau Trung Quốc và Italia. Sản phẩm giày dép của Việt Nam đã xuất khẩu tới trên 50 nước, tại Hoa Kỳ, EU và Nhật Bản, giày dép Việt Nam tiếp tục tăng thị phần và đứng vị trí thứ hai sau Trung Quốc.
Ông Hà Duy Hưng, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Công nghiệp Đông Hưng cho rằng, thời gian qua, xuất khẩu của ngành da giày Việt Nam đã xây dựng được những thị trường trọng điểm tại châu Âu, Mỹ, Nhật Bản… và những kết quả đạt được sẽ là bàn đạp để các doanh nghiệp có được thành tích xuất khẩu cao hơn nữa khi được hưởng những lợi ích từ các FTA.
Một bộ phận doanh nghiệp sản xuất có sản phẩm đáp ứng yêu cầu xuất khẩu và đang cải thiện ngày một tốt hơn tiến độ giao hàng, chủ động trong việc tổ chức sản xuất, tăng cường liên kết với các đối tác cung cấp nguyên phụ liệu…
“Xuất khẩu ngành da giày có cơ hội tăng trưởng ở mức 16- 20% trong năm 2016, nếu các doanh nghiệp chuẩn bị tốt về năng lực sản xuất để đón nhận đơn hàng, mức độ tăng còn có thể lớn hơn và cán đích kim ngạch xuất khẩu 17 tỷ USD”, ông Thuấn nhận định.
Hải Yến
(Theo Báo Đầu Tư)