tin kinh te
 
 
 
rss - tinkinhte.com

Thủy sản được gia cố bằng vốn ngoại

  • Cập nhật : 07/03/2016

(Tin Kinh Te)

Sự chủ động của các DN thủy sản cho thấy bức tranh chung trong việc thu hút vốn FDI vào nông nghiệp nói chung đã bắt đầu có nhiều mảng sáng.

Theo dự báo của Công ty Chứng khoán Ngân hàng BIDV (BSC), tình hình xuất khẩu thủy sản của Việt Nam năm 2016 sẽ tiếp tục khó khăn do tác động mạnh của việc phá giá đồng tiền ở các nước nhập khẩu. Ngoài ra, từ tháng 3/2016, Bộ Nông nghiệp Mỹ áp dụng quản lý chất lượng cá da trơn, theo đó, Việt Nam có nguy cơ mất thị trường này cho cá tra.

Còn đối với tôm, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) dự báo giá tôm năm 2016 sẽ giảm 4% so với năm 2015, từ năm 2017 đến năm 2020 giá tôm sẽ giảm thêm khoảng 20%/năm nữa so với thời điểm hiện tại do nhu cầu tiêu dùng yếu tại các thị trường như EU, Nhật Bản và dư cung tại các nước sản xuất lớn.

Đứng trước sự thu hẹp của thị trường cũng như suy giảm về nhu cầu tiêu thụ, thời gian gần đây hàng loạt các DN lớn ngành thủy sản Việt Nam đã tập trung vào chiến lược tìm kiếm sự hợp tác của các NĐT nước ngoài để đổi mới cách thức quản trị kinh doanh và gia tăng sức cạnh tranh trên các thị trường quốc tế.

anh minh hoa

Ảnh minh họa

Tiên phong cho việc bắt tay với các đối tác ngoại, trước hết có thể kể đến CTCP Thủy sản Hùng Vương (HVG). Bởi ngay từ đầu năm 2014, DN này đã chủ động thực hiện hàng loạt các thương vụ M&A trong nước với mục đích tạo nên chuỗi cung ứng khép kín với quy mô lớn. Khi đã thâu tóm thành công một số công ty nội địa như: Tắc Vân, Việt Thắng, Sao Ta… HVG chuyển sang phát hành 20 triệu cổ phiếu cho 2 đối tác ngoại là Tael Two Partners., Ltd và Tael Management Co. (Cayman) thu về 650 tỷ đồng.

Bước sang năm 2015, nhằm tiếp tục thu hút vốn ngoại, HVG phát hành thêm 30 triệu cổ phiếu cho đối tác chiến lược Singapore. Đồng thời đầu tư 30 triệu USD để thành lập công ty chuyên kinh doanh, phân phối, bán lẻ thủy sản ở Nga. Và tháng 1/2016 vừa qua, HVG đã chính thức mua 51% cổ phần Công ty Thủy sản Russia Fish và chính thức chiếm hữu 5% thị phần bán lẻ thủy sản tại thị trường Nga.

Không chịu kém cạnh, Công ty Thủy sản Minh Phú (MPC) hai năm gần đây cũng rất tích cực trong việc tìm kiếm sự hợp tác của các NĐT nước ngoài. Đầu năm 2014, MPC dự kiến bán một lượng vốn lớn cho CTCP Foods (Thái Lan), tuy nhiên thương vụ không thành công và MPC quay sang hợp tác với NĐT Nhật là Mitsui&Co.

Theo đó DN này đã bán 26,66 triệu cổ phiếu của Công ty Minh Phú Hậu Giang cho Mitsui&Co đổi lấy tỷ lệ đầu tư 67,5% của đối tác này vào nhà máy chế biến – xuất khẩu tôm vào loại lớn nhất Việt Nam vừa được MPC xây dựng.

Không chỉ HVG và MPC mở rộng tìm kiếm đối tác ngoại, mới đây hàng loạt DN khác như: CTCP Gò Đàng, CTCP Xuất nhập khẩu Thủy sản An Giang (Agifish), Công ty Thủy sản Việt Nhật (VNH)… cũng đã thực hiện phát hành cổ phiếu cho đối tác ngoại. Trong khi Gò Đàng bán 49% cổ phần cho đối tác Singapore thì VNH cũng đã bán 2 triệu cổ phiếu cho Công ty Internet Services của Nhật.

Còn Agifish cũng đang ráo riết tìm kiếm đối tác để chuyển nhượng 100% cổ phần của Công ty M&T Seafood’s Corp (trụ sở tại Mỹ) nhằm hút thêm nguồn vốn đầu tư vào vùng cá nguyên liệu tại các tỉnh ĐBSCL. Mới đây nhất, CTCP Vĩnh Hoàn (VHC) cũng đã chính thức nới tỷ lệ sở hữu tối đa của NĐT nước ngoài lên 100%. Bằng động thái này, VHC dự kiến thâm nhập sâu hơn vào các thị trường mới như Philippines, Đài Loan, Rumania trong các năm tới.

Như vậy, ở góc độ ngành hàng nông – lâm – thủy sản, có thể nhận thấy rõ ràng các DN thủy sản đang có sự chuyển hướng mạnh mẽ hơn so với các DN ở các khối ngành khác trong việc thu hút vốn đầu tư nước ngoài. Sự chủ động của các DN thủy sản cho thấy bức tranh chung trong việc thu hút vốn FDI vào nông nghiệp nói chung đã bắt đầu có nhiều mảng sáng.

Trong bối cảnh các hiệp định thương mại như EVFTA, AEC, TPP liên tiếp được ký kết và có hiệu lực, thì đây có thể xem như là những bước đệm khá dày dặn để các DN thủy sản của Việt Nam mở rộng quy mô và tạo thêm xung lực để phát triển trong giai đoạn mới.


Thạch Bình
(Thời báo Ngân hàng)

Trở về

Bài cùng chuyên mục