(Tin kinh te)
Không chỉ được biết đến là nhà đầu tư bất động sản tiên phong với các dự án cao cấp tiêu chuẩn quốc tế về khu đô thị, khách sạn, trung tâm thương mại…, Tập đoàn Bitexco còn nổi danh là doanh nghiệp tư nhân đầu tư rất nhiều công trình thủy điện, chinh phục muôn vàn khó khăn tưởng chừng như không thể vượt qua tại các địa bàn miền núi vô cùng hiểm trở
Cho tới nay, Tập đoàn Bitexco đã và đang tham gia đầu tư xây dựng 11 nhà máy thủy điện trên khắp lãnh thổ Việt Nam, với tổng công suất khoảng 700WM và tổng kinh phí đầu tư khoảng 900 triệu USD.
Trong đó, có 8 nhà máy thủy điện đã đi vào hoạt động là: Nho Quế 3, Đăkmi 4 (A,B,C), Tả Trạch, Nậm Mức, Bình Điền, Eakroong rou, Sê San 3A, Hố Hô. Lớn nhất phải kể đến dự án thủy điện Đăkmi (A,B,C) với công suất 208MW. Đặc biệt, Bitexco đầu tư tới 3 nhà máy thủy điện trên dòng sông Nho Quế.
Quyết tâm chinh phục khó khăn
Dòng sông Nho Quế bắt nguồn từ Vân Nam – Trung Quốc, đoạn chảy vào Việt Nam có chiều dài gần 50km rất thích hợp để làm thủy điện. Thực tế, có rất nhiều nhà đầu tư đã tới đây khảo sát, nhưng cuối cùng đều bỏ cuộc vì địa hình xây dựng quá nguy hiểm với các con đường nhỏ ven theo các vách đá, địa chất núi đá vôi phức tạp, rủi ro đầu tư rất cao. Với ý chí sắt đá vượt qua thách thức, và trên hết là mong muốn mang ánh sáng tới bản làng vùng cao của huyện Mèo Vạc, giúp cuộc sống của người dân nơi đây dần cải thiện, Tập đoàn Bitexco đã quyết định xây dựng cho bằng được nhà máy thủy điện Nho Quế 3, sau đó tiếp tục triển khai thêm nhà máy thủy điện Nho Quế 1 và 2.
Bitexco đã san đồi, bạt núi làm mới một con đường dài hơn 20 km từ Khâu Vai đến công trường, để có thể vận chuyển hơn 2.000 tấn thiết bị, máy móc từ dưới xuôi lên. Tưởng chừng đơn gian nhưng để mở được một con đường trên cao nguyên đá, thách thức vô cùng lớn. Địa chất phức tạp của Hà Giang mới thực sự là mối lo sợ với những người xây dựng thủy điện. Trong lòng núi đá vôi là rải rác các hang động carter, một loại hang trống chứa bùn và nếu không bịt được các hang này thì sẽ không xây dựng được thân đập và chân móng nhà máy. Khó khăn còn rất nhiều không sao kể hết, nhưng vượt lên tất cả, với khả năng quản trị, áp dụng công nghệ tiên tiến, Bitexco đã hoàn thành và đưa Nhà máy Thủy điện Nho Quế 3 vào vận hành thương mại từ Quý 2/2012.
Phá đá mở đường vào công trường thủy điện
Phá đá mở đường vào công trường thủy điện
Dự án thủy điện Nậm Mức tại huyện Mường Chà tỉnh Điện Biên một lần nữa chứng minh tinh thần luôn vượt lên khó khăn của Tập đoàn Bitexco. Khởi công vào tháng 12/2009, sau khi chặn dòng vào tháng 11.2010, công trường phải tạm dừng vì nhiều lý do, trong đó nguyên nhân cơ bản là "thiếu vốn". Đến đầu năm 2012, khi Tập đoàn Bitexco trở thành cổ đông chi phối Công ty Thủy điện Nậm Mức, dự án này mới được khởi động trở lại. Và sau nhiều nỗ lực, vượt qua bao thách thức, tháng 6 và tháng 8.2015, tổ máy số 1 và số 2 lần lượt hòa lưới điện Quốc gia.
Ý nghĩa về mặt kinh tế - xã hội
Khi triển khai dự án thủy điện Nho Quế 3, Bitexco đã mở thêm đường đến sát vùng biên giới. Ngoài ra, chủ đầu tư còn đầu tư xây dựng trường học khang trang cho các em nhỏ; xây chùa; xây chợ để người dân sinh hoạt thuận tiện, làm phong phú hơn các hoạt động mua bán…góp phần cải thiện chất lượng giáo dục, nâng cao đời sống xã hội và thay đổi tập tục sinh hoạt lạc hậu từ xa xưa ở khu vực cao nguyên đá này, đồng thời cũng giúp duy trì trật tự an ninh, an toàn xã hội vùng biên giới địa đầu Tổ Quốc.
Với những nỗ lực và đóng góp của Tập đoàn, UBND tỉnh Hà Giang đã ghi nhận và đánh giá cao những thành tự mà Bitexco đã làm được đối với sự phát triển của tỉnh. Riêng Ông Vũ Quang Hội – Chủ tịch Tập đoàn Bitexco còn được phong tặng danh hiệu cao quý “Công dân danh dự của huyện Mèo Vạc”.
Địa hình xây dựng quá nguy hiểm với các con đường nhỏ ven theo các vách đá
Ông Vũ Quang Hội tâm sự “Đầu tư các dự án thủy điện là vô cùng khó khăn, nếu không kiên gan bền chí thì rất dễ bỏ cuộc. Mục đích chính của chúng tôi là tạo ra những công trình có ý nghĩa, không chỉ là phát điện, mà còn giúp đồng bào mình ở những khu vực còn khó khăn phát triển hơn và cuộc sống ngày càng cải thiện ở mọi mặt”.
Nếu trong lĩnh vực bất động sản, ông Hội được biết đến là “người xây những công trình biểu tượng” thì trong lĩnh vực thủy điện, ông Hội lại được mệnh danh là “người mang ánh sáng tới bản làng xa xôi”.
Không chỉ dừng lại ở bất động sản và thủy điện, ông Hội nói riêng và Bitexco nói chung còn chứng minh năng lực và uy tín của mình ở rất nhiều lĩnh vực kinh tế then chốt khác như hạ tầng giao thông, dầu khí, khai thác khoáng sản, nước khoáng thiên nhiên,… Bitexco vẫn đang vững chãi tiến những bước xa hơn trên con đường hội nhập quốc tế và trở thành một Tập đoàn kinh tế đa ngành hàng đầu Việt Nam.
(Theo Báo Thanh Nien)