Muốn đầu tư vào cảng biển thì phải gánh thêm các tài sản cồng kềnh không sản sinh giá trị khác, liệu nhà đầu tư có thực sự hứng thú với Vinalines?
Phương án B của ô tô nội địa
- Cập nhật : 10/05/2017
Trái ngược với kỳ vọng xu thế khả quan sẽ tiếp tục, kế hoạch kinh doanh mà các doanh nghiệp ô tô đặt ra trong năm nay lại khá khiêm tốn.
2016 là năm khá viên mãn cho hầu hết các doanh nghiệp kinh doanh và sản xuất ô tô. Điển hình như Công ty Ô tô Trường Hải (Thaco) ghi nhận lợi nhuận 7.900 tỉ đồng, tăng 12% so với năm trước, hay Công ty Dịch vụ Tổng hợp Sài Gòn (Savico) ghi nhận lợi nhuận ròng 173 tỉ đồng, tăng 6,1% so với năm 2015. Nhưng trái ngược với nhiều kỳ vọng của nhà đầu tư rằng xu thế khả quan đó sẽ tiếp tục, kế hoạch kinh doanh mà các doanh nghiệp trên đặt ra trong năm nay lại khá khiêm tốn.
Thực tế, sau 2 năm bùng nổ nhờ các chính sách nới lỏng tín dụng của các ngân hàng và nhu cầu thị trường tăng mạnh (một phần lớn đến từ nhu cầu chạy taxi của các hãng Grab và Uber), thị trường ô tô dự đoán sẽ trầm lắng hơn, nhất là ở phân khúc xe du lịch trong năm nay. Việc các hãng ô tô mạnh tay giảm giá đang có tác động rất lớn tới thị trường, nhất là khi rất nhiều khách hàng chờ đợi một mức giá hấp dẫn hơn trong thời gian tới, khiến nhiều doanh nghiệp ô tô sụt giảm doanh số.
Theo lộ trình của các thỏa thuận thương mại quốc tế, từ năm 2018, thuế suất thuế nhập khẩu ô tô từ khu vực ASEAN về Việt Nam giảm xuống mức 0% và giá xe có thể giảm 20% so với hiện nay, gây nên áp lực cạnh tranh về giá cho các doanh nghiệp nội địa. Một số doanh nghiệp chọn nhập khẩu nguyên chiếc từ Indonesia về bán vì sản xuất ở đó vẫn rẻ hơn Việt Nam khoảng 20%.
Do vậy, trong bối cảnh xe nhập khẩu nguyên chiếc từ ASEAN sẽ giảm thuế về 0% thì sản xuất ô tô trong nước càng khó khăn. Đồng thời, Chính phủ cho biết sẽ giữ nguyên quyết định áp dụng tiêu chuẩn khí thải Euro 4 đối với dòng xe du lịch có động cơ xăng từ năm 2017, xe du lịch động cơ dầu từ năm 2018 và xe tải từ năm 2022, tạo ra thách thức cho các hãng xe và đồng thời có thể làm giảm sức tiêu thụ của toàn thị trường.
Theo dự báo của Trường Hải, doanh số mà các hãng có thể bán được trong năm nay có thể giảm 10% xuống chỉ còn 205.000 xe. Đi cùng với đó là áp lực giảm giá trước sức ép cạnh tranh khắc nghiệt khiến cho Trường Hải thận trọng đặt mục tiêu lợi nhuận ròng giảm mạnh đến 31% so với năm 2016. Kế hoạch niêm yết trên sàn chứng khoán cũng được dời sang năm sau để Công ty tập trung nguồn lực chuẩn bị cho giai đoạn cạnh tranh khốc liệt hơn kể từ năm 2018.
Nhờ quy mô đầu tư lớn và hoàn thiện được chuỗi kinh doanh từ khâu sản xuất, lắp ráp đến phân phối, Trường Hải có điều kiện thuận lợi hơn trong việc định vị lại các bộ phận để tiết giảm chi phí, nâng cao công suất và hạ giá thành sản phẩm. “Mục tiêu mà Trường Hải đặt ra là giảm được 5%/năm, lũy kế đến năm 2018 sẽ giảm khoảng 15%”, ông Trần Bá Dương, Chủ tịch Công ty Ô tô Trường Hải, chia sẻ.
Một doanh nghiệp khác trong ngành là Savico có phần thách thức hơn. Thị phần ô tô của công ty này trong năm 2016 đã cải thiện lên tới 8,6%, nhưng lợi nhuận từ mảng phân phối ô tô lại sụt giảm đến 10% do Savico phải giảm giá bán để cạnh tranh. Trong năm nay, bên cạnh các đối tác truyền thống như Toyota, Ford, GM... Savico mới đây đã quyết định dấn thân vào phân khúc cấp cao hơn khi hợp tác với Volvo với kỳ vọng biên lợi nhuận gộp sẽ cải thiện.
Sau 2 năm 2014-2015 chứng kiến kết quả kinh doanh tăng vọt do chính sách siết chặt lại tải trọng của Bộ Giao thông Vận tải, lợi nhuận sau thuế năm 2016 của đơn vị chuyên phân phối xe tải là Công ty Đầu tư Dịch vụ Hoàng Huy bất ngờ giảm đến 71%, xuống chỉ còn 138 tỉ đồng. Giá cổ phiếu của Hoàng Huy đã sụt giảm mạnh từ 20.000 đồng đầu năm 2015 xuống chỉ còn hơn 4.000 đồng những ngày cuối tháng 4.2017.
Rõ ràng, ngành kinh doanh ô tô vẫn còn dư địa tăng trưởng do thu nhập của người dân ngày càng tăng, nhưng áp lực cạnh tranh quá lớn cùng chính sách thường xuyên thay đổi của Nhà nước đã tạo ra nhiều thách thức cho các hãng ô tô trong việc duy trì đà tăng trưởng ổn định và giữ vững lợi thế cạnh tranh. Một trong những giải pháp được tính đến là áp dụng biện pháp tự vệ, nhằm bảo vệ nền sản xuất ô tô trong nước. Tuy nhiên, để áp dụng biện pháp này không đơn giản. Mặt khác, dù có áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại cũng chỉ là tạm thời, không phải là giải pháp dài hạn. Để phát triển được công nghiệp ô tô, cạnh tranh được với xe nhập khẩu thì một trong những nút thắt phải gỡ là giá.
Do đó, nếu không có những thay đổi về mặt chiến lược, các doanh nghiệp trong nước sẽ khó lòng duy trì được thị phần trước sức ép cạnh tranh với doanh nghiệp ngoại, nhất là các dòng xe được nhập từ thủ phủ ô tô của khu vực là Thái Lan trong những năm tới.
Thực tế, để đối phó với thách thức mới, một số doanh nghiệp đã lựa chọn đầu tư phát triển mạnh hơn chuỗi bán lẻ, nhất là thâu tóm mặt bằng đẹp tại những thành phố lớn để quảng bá thương hiệu và mở rộng thị phần. Theo chia sẻ của ông Mai Việt Hà, Tổng Giám đốc Savico, trong năm nay, Công ty dự kiến sẽ tiếp tục mở thêm 8 đại lý 2S - 3S trên toàn quốc, đồng thời tập trung nâng cao chất lượng dịch vụ chăm sóc khách hàng để cải thiện biên lợi nhuận.
Ở Trường Hải, lãnh đạo Công ty dự kiến sẽ tiếp tục mở rộng nhanh hệ thống phân phối với mục tiêu đạt được 218 showroom và đại lý vào cuối năm 2017, đi cùng với việc lần đầu tiên dấn thân vào lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao với thương vụ đầu tiên là hợp tác sản xuất và phân phối máy nông nghiệp với tập đoàn đến từ Hàn Quốc LS Mtron.
Một mảng kinh doanh khác được khá nhiều doanh nghiệp ô tô trong nước đặt cược là bất động sản. Nếu như Trường Hải đã đầu tư hàng ngàn tỉ đồng vào dự án Đại Quang Minh (quận 2, TP.HCM), thì trong năm nay, Savico dự kiến sẽ đẩy nhanh mảng này với các dự án về văn phòng và nhà ở có quy mô khá lớn. Ngoài ra, Savico còn lấn sân vào mảng giáo dục với khởi đầu là trường mầm non ở Thủ Đức.
Tham vọng hơn các đối thủ nói trên, nhà phân phối xe tải Hoàng Huy cho biết trong năm nay sẽ đầu tư mạnh vào một loạt dự án mới, hướng đến mục tiêu tung ra thị trường 10.000 căn hộ giá rẻ chỉ trong 3-5 năm tới.
Tất nhiên là chiến lược mở rộng sang các lĩnh vực ngoài ngành như bất động sản có hiệu quả hay không sẽ còn chờ thời gian trả lời. Bởi dù tiềm năng của thị trường địa ốc vẫn được đánh giá là khả quan nhờ nhu cầu còn lớn, nhưng ngành này lại khá nhạy cảm với chu kỳ của nền kinh tế. Một sự suy giảm về tốc độ tăng trưởng hay chính sách thay đổi của Chính phủ cũng có thể tác động lớn đến thị trường, kéo theo những rủi ro cho các tay chơi không chuyên nếu năng lực quản trị kém hiệu quả.
Sơn Nguyễn
Theo Nhipcaudautu.vn