Bên cạnh các rủi ro cạnh tranh, một nguy cơ đáng lo ngại hơn là Việt Nam có thể trở thành bãi rác, thụ hưởng công nghệ lạc hậu và ô nhiễm.
Vinalines: Mót vàng trong sắt rỉ
- Cập nhật : 23/05/2017
Muốn đầu tư vào cảng biển thì phải gánh thêm các tài sản cồng kềnh không sản sinh giá trị khác, liệu nhà đầu tư có thực sự hứng thú với Vinalines?
Theo phương án cổ phần hóa Tổng công ty Hàng hải Việt Nam (Vinalines), Nhà nước vẫn sẽ nắm 65% cổ phần. Các nhà đầu tư chiến lược có cơ hội nắm giữ 17,25% cổ phần và 17,25% sẽ được bán đấu giá cho nhà đầu tư đại chúng. Mức vốn điều lệ dự kiến của Vinalines sẽ lên đến 550 triệu USD.
Mặc dù trong quá khứ, Vinalines gắn liền với danh hiệu doanh nghiệp nhà nước thua lỗ “hàng đầu”, với khoản lỗ lũy kế khổng lồ hơn 24.000 tỉ đồng vào thời điểm cuối năm 2015. Vinalines cũng gắn liền với vụ án Vinashin, ụ nổi 83M và hàng loạt các sai phạm trong quản lý kinh tế, tham nhũng. Nếu chỉ dựa vào những thông tin này, thì khả năng phát hành cổ phiếu lần đầu (IPO) của Vinalines trong tháng 11 tới sẽ không thu hút được nhà đầu tư. Tuy nhiên, Vinalines lại nắm trong tay cổ phần của nhiều công ty kinh doanh có lợi nhuận cao trong lĩnh vực cảng biển và dịch vụ hàng hải. Kết quả kinh doanh của các công ty con này được hợp nhất vào báo cáo tài chính của Vinalines, góp phần giảm lỗ của mảng vận tải biển.
Sót lại “mỏ vàng” cảng biển
Dễ dàng nhìn thấy được mảng kinh doanh cảng biển đem lại biên lợi nhuận cao nhất và cao hơn hẳn các mảng còn lại. Ngoài ra, mảng này cũng là mảng duy nhất tăng trưởng về mặt lợi nhuận. Các công ty con của Vinalines thuộc lĩnh vực này gồm có 3 trụ cột chính là Công ty Cổ phần Cảng Hải Phòng (PHP), Công ty Cổ phần Cảng Đà Nẵng (CDN), và Công ty Cổ phần Cảng Sài Gòn (SGP). Trong 3 cảng lớn này, Cảng Hải Phòng đóng góp lớn nhất vào lợi nhuận trước thuế năm 2016 của mảng cảng biển Vinalines và đóng góp năm sau nhiều hơn năm trước.
Do lịch sử hình thành của Vinalines cũng như của các tập đoàn, tổng công ty nhà nước khác, Vinalines là tổ hợp nhiều công ty con có lịch sử và thời điểm hình thành khác nhau. Bản thân các công ty con này lại sở hữu những “công ty cháu” khác. PHP sở hữu cụm cảng Hải Phòng và một loạt các công ty dịch vụ kho vận, vận tải biển. Trong số các cảng biển nổi bật của PHP có cảng Đình Vũ, đơn vị nhiều năm liền kinh doanh có hiệu quả cao, lợi nhuận duy trì ở mức ổn định và cao so với các công ty cùng ngành.
Cụ thể, trong năm 2016, cảng Đình Vũ đạt lợi nhuận trước thuế là 317 tỉ đồng, tăng 2% so với năm 2015. Sở dĩ cảng Đình Vũ đạt được kết quả kinh doanh tốt so với các cảng khác là nhờ vị trí tương đối thuận lợi, nằm sát cạnh Khu Công nghiệp Đình Vũ, đồng thời là cảng chuyên container, có khả năng tiếp nhận tàu có tải trọng đến 30.000 tấn. Ngoài Đình Vũ, PHP còn sở hữu và vận hành cảng Hoàng Diệu, cảng Chùa Vẽ và cảng Tân Vũ. Tuy nhiên, cảng Hoàng Diệu đang nằm trong đề án di dời ra khỏi nội đô thành phố Hải Phòng và năng lực phục vụ của cảng Chùa Vẽ trong tương lai sẽ bị ảnh hưởng bởi cầu Bạch Đằng, cầu có chiều cao thấp làm mất khả năng tiếp tàu có tải trọng từ 10.000 tấn trở lên của các cảng thượng nguồn sông Cấm như cảng Chùa Vẽ, cảng VIP Green Port.
Theo báo cáo của Công ty Chứng khoán Vietcombank, trong năm 2019, khả năng cảng Đình Vũ cũng như các cảng khác trong cụm cảng Hải Phòng sẽ mất đi một số khách hàng khi cảng Lạch Huyện đi vào hoạt động. Ngoài ra, trong năm 2017, sản lượng khai thác container qua cảng Chùa Vẽ cũng sẽ giảm đi do quá trình xây dựng cầu Bạch Đằng, sản lượng container giảm đi này có thể được chuyển qua cụm cảng Đình Vũ, Tân Vũ. Tuy nhiên, cảng Đình Vũ hiện nay đã hoạt động vượt công suất thiết kế nên khó có thể nhận thêm lượng hàng container này. Nhìn chung, tăng trưởng tương lai của PHP đều phải dựa vào 2 bến cảng được phép đầu tư trong dự án cảng cửa ngõ quốc tế Lạch Huyện.
Tách đồng khỏi thau
Trong đề án tái cơ cấu Vinalines, Cảng Hải Phòng, Cảng Đà Nẵng, Cảng Sài Gòn nằm trong nhóm cảng chiến lược Nhà nước dự định vẫn nắm giữ ít nhất 65% cổ phần. Điều này làm cho IPO Vinalines hấp dẫn hơn, vì cách duy nhất để có thể nắm quyền kiểm soát 3 cảng lợi nhuận cao này là thông qua Vinalines. Khó khăn ở chỗ Nhà nước lại muốn giữ 65% của Vinalines sau IPO.
Năm 2014, IPO Vinatex đã diễn ra với chỉ 90% lượng cổ phần chào bán được đăng ký đấu giá. Nếu so với Vinalines tại thời điểm năm 2016 thì Vinatex còn hấp dẫn hơn nhiều vì sở hữu nhiều khu đất vàng, hệ thống bán lẻ Vinatexmart, kết quả kinh doanh ổn định và có lợi nhuận qua nhiều năm. Sau Vinatex là IPO của Vietnam Airlines, với số cổ phần nắm giữ của Nhà nước sau IPO lên đến 75%. Tuy 100% số cổ phần phát hành của Vietnam Airlines được bán hết, nhưng lại là bán cho 2 ngân hàng thương mại có các khoản cho vay lớn với Vietnam Airlines. Thị trường hàng không Việt Nam được dự báo tăng trưởng mạnh trong thập niên tới, nhưng IPO Vietnam Airlines lại không thu hút nhà đầu tư nước ngoài nào. Nếu như lịch sử các kỳ IPO của các công ty nhà nước là minh chứng, thì khả năng bán được cổ phần của Vinalines cho đối tác chiến lược hoặc cho khối tư nhân là thấp, đặc biệt khi Vinalines vẫn còn mảng vận tải biển thua lỗ liên miên.
Cấu trúc sở hữu vốn của Vinalines tại các công ty con, cháu, chắt lại khá phức tạp, dẫn đến khó khăn trong quản trị. Mỗi doanh nghiệp lại có bản sắc và lịch sử hình thành, phát triển riêng. Nhiều công ty con hoạt động còn hiệu quả hơn công ty mẹ với bộ máy quản trị điều hành xuất sắc và ứng dụng khoa học kỹ thuật trong quản lý hoạt động logistics. Để công ty mẹ quản lý một cách hiệu quả các công ty này là điều rất khó khăn. Đầu năm 2017, trong khuôn khổ hoạt động tái cơ cấu, Vinalines và đơn vị tư vấn KPMG đã khởi động dự án xây dựng hệ thống quản trị công ty mẹ Vinalines. Dự kiến dự án sẽ kéo dài 20 tuần, là bước chuẩn bị để Vinalines hoàn thiện cơ cấu quản trị và ra mắt nhà đầu tư.
Theo các quy tắc về chiến lược phát triển doanh nghiệp hàng đầu, một tổ hợp các công ty chỉ nên được quản lý chung khi việc quản lý chung đem lại lợi ích từ phối hợp hoạt động (synergy), chia sẻ thông tin, khách hàng. Thực trạng Vinalines có quá nhiều công ty con cùng hoạt động trong cùng ngành và ngành phụ, dẫn đến cạnh tranh lẫn nhau. Dường như vai trò điều phối của công ty mẹ đối với hoạt động của các công ty con vẫn chưa thực sự hiệu quả. Vai trò của người đại diện vốn cũng chưa rõ nét. Điều này dẫn đến các vi phạm, thiệt hại vốn đầu tư nhà nước, mà điển hình ở Vinalines là Công ty Vinashin.
Với góc nhìn của nhà đầu tư, “mỏ vàng” họ muốn khai thác nhất là các cảng lớn, mang tính chiến lược và đem lại lợi nhuận cao, lại là tài sản mà Nhà nước vẫn muốn giữ lại vì nhiều lý do, trong đó có an ninh hàng hải và kinh tế chiến lược. Nhà nước vẫn mong muốn chia sẻ lợi nhuận từ các “mỏ vàng” này, với điều kiện nhà đầu tư phải gánh thêm các phần tài sản cồng kềnh không sản sinh giá trị khác. Liệu nhà đầu tư có thực sự hứng thú với IPO của Vinalines?
Như Ngọc
Theo nhipcaudautu.vn