Đa phần các dự án sản xuất nhiên liệu sinh hoc - ethanol đều gặp bế tắc, nếu không dang dở bỏ hoang thì cũng đóng cửa vô thời hạn. Ngành công nghiệp nhiên liệu sinh học mới khởi động, chưa kịp thành hình đã 'chết yểu'.
Xuất khẩu gỗ sẽ phất lên?
- Cập nhật : 30/03/2016
(Tin kinh te)
Nhu cầu về sản phẩm gỗ của thế giới tăng, tạo đà cho xuất khẩu đồ gỗ Việt Nam tiếp tục tăng trưởng hai con số.
Nhiều kỳ vọng
Ông Võ Trường Thành, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc CTCP Tập đoàn kỹ nghệ gỗ Trường Thành (Gỗ Trường Thành) cho biết, ngay từ đầu năm công ty đã xuất nhiều lô hàng sang thị trường Mỹ với trị giá hàng trăm triệu USD/lô. Bên cạnh những thị trường truyền thống như Mỹ (50%), châu Âu (35%), công ty đang tiếp tục mở rộng sang thị trường các nước khác như Nhật Bản, Hàn Quốc, Nam Phi, Úc...
Với thị trường và thị phần gia tăng nhanh do nhu cầu của bạn hàng tăng trong một vài năm gần đây, dự kiến doanh thu xuất khẩu của Gỗ Trường Thành sẽ tăng trên 20%, giúp công ty giải quyết một phần khó khăn về tài chính trong những năm qua.
Những khó khăn, trở ngại sẽ không khiến DN ngành gỗ từ bỏ mục tiêu tiếp tục tăng trưởng trong năm nay
Tương tự, nhiều DN xuất khẩu gỗ tại TP. Hồ Chí Minh cũng bước sang năm 2016 với nhiều tín hiệu lạc quan. Ngoài sự phục hồi kinh tế của nhiều quốc gia trên thế giới, nhu cầu mua sắm tiêu dùng tăng lên, các DN xuất khẩu gỗ của Việt Nam cũng khá tự tin vì đã có được chỗ đứng và tạo được niềm tin với bạn hàng.
Hiện, mặt hàng gỗ và sản phẩm gỗ xuất khẩu của Việt Nam đã có mặt tại 37 quốc gia trên thế giới, trong đó Mỹ chiếm 38,2% tổng kim ngạch. Phó Tổng giám đốc một DN xuất khẩu đồ gỗ nội thất khẳng định, thị trường đã có nhưng quan trọng là các DN Việt phải không ngừng nỗ lực để theo sát được nhu cầu, thị hiếu cũng như các quy chuẩn mà nước nhập khẩu đề ra, để không bị “tuột” thị trường vào tay các đối thủ cạnh tranh.
Theo Bộ Công Thương, năm 2015 xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ thu về 6,9 tỷ USD, tăng trên 10% so với năm trước. Dự kiến với tình hình có nhiều dấu hiệu khả quan trong năm 2016, kim ngạch sẽ đạt 7,2-7,3 tỷ USD, tốc độ tăng trưởng trên hai con số.
Đặc biệt, xuất khẩu gỗ sẽ rộng đường tăng trưởng hơn khi dự kiến cuối năm nay, Hiệp định Đối tác tự nguyện (VPA) về tăng cường thực thi luật lâm nghiệp, quản trị rừng và buôn bán gỗ (FLEGT) giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EU) sẽ hoàn tất đàm phán và ký kết. Đây được đánh giá là cơ hội lớn cho ngành gỗ Việt Nam mở rộng và giữ vững thị trường xuất khẩu.
Vượt rào cản
Một chuyên gia trong lĩnh vực này nhận định, khi tham gia các hiệp định thương mại quốc tế, ngành gỗ cũng là một trong những ngành được hưởng lợi, nhưng nếu không sớm vượt qua những thách thức nội tại thì sẽ đánh mất cơ hội. Vị chuyên gia này phân tích, châu Âu là thị trường rất rộng lớn, tiêu chuẩn khắt khe, nhưng đã vượt qua được những quy chuẩn này rồi thì dường như đã chắc chắn cầm được “tấm vé thông hành” trên tay.
Tuy nhiên, về thị hiếu và mẫu mã đối với sản phẩm đồ gỗ thì mỗi quốc gia lại có nhu cầu và đòi hỏi khác nhau. Đơn cử nếu như khách hàng châu Âu thường thích các sản phẩm có thiết kế tinh tế, tiện dụng và an toàn cho người sử dụng, thì khi đưa hàng vào thị trường Hoa Kỳ, các DN Việt lại phải lựa chọn chào hàng bằng các thiết kế độc lạ nhưng không kém phần thoải mái...
Tuy nhiên, để giữ vững thị trường và đạt mục tiêu đặt ra, hiện nay các DN xuất khẩu ngành gỗ vẫn đang cùng lúc áp dụng chiến lược một mặt vừa tiếp tục làm các đơn hàng gia công của đối tác nước ngoài, một mặt đầu tư nghiên cứu sản xuất các mẫu mới để chào hàng, tìm kiếm thị trường mới.
Ông Huỳnh Văn Hạnh, Phó Chủ tịch Hiệp hội Đồ gỗ và thủ công mỹ nghệ TP. Hồ Chí Minh (HAWA) cho rằng, thị trường rộng mở nhưng nguy cơ kiện chống bán phá giá vẫn có thể xảy ra khi các DN quá tập trung vào một thị trường. Đặc biệt, nhiều nước không chỉ quan tâm đến chất lượng, mẫu mã sản phẩm, mà yếu tố sinh thái, môi trường, phát triển bền vững cũng rất được đề cao.
Vì vậy, việc “truy xuất nguồn gốc xuất xứ” đối với các sản phẩm có nguồn gốc từ nguyên liệu gỗ đang đặt ra đối với ngành xuất khẩu gỗ của Việt Nam là một yêu cầu rất khắt khe. Điều này sẽ tạo không ít thách thức đối với ngành gỗ khi nguồn nguyên liệu trong nước ngày càng hạn hẹp, các hàng rào phi thuế quan ngày càng nhiều.
Và thực tế, đã có không ít DN xuất khẩu gỗ của Việt Nam đã vướng kiện tụng, phải bỏ đơn hàng... Song theo ông Hạnh, những khó khăn, trở ngại này sẽ không khiến DN ngành gỗ dễ dàng từ bỏ mục tiêu tiếp tục tăng trưởng trong năm nay.
Phương Nam
(Thời báo Ngân hàng)